Cựu chiến binh tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương

(PLO) -Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thời gian qua, các cựu chiến binh (CCB) đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
 
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Tảo - xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên làm kinh tế trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Tảo - xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên làm kinh tế trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Thời gian qua, Hội CCB Việt Nam không ngừng phát triển cơ sở Hội, kết nạp hội viên mới, (riêng năm 2017 kết nạp 34.986 hội viên), nâng số hội viên đến nay là 2.917.613, trong đó 848.260 hội viên là đảng viên, 479 hội viên cấp tướng; 113.183 hội viên tham gia kháng chiến chống Pháp; 1.318.102 hội viên tham gia kháng chiến chống Mỹ; 252.244 hội viên là nữ; 373.720 hội viên là người dân tộc; 405.808 hội viên hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội; 124.846 hội viên hưởng chế độ bệnh binh; 310.095 hội viên là thương binh; 138.899 hội viên bị nhiễm chất độc da cam; 601 hội viên là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân,   sinh hoạt trong 16.462 tổ chức cơ sở Hội (trong đó có 11.164 tổ chức hội cấp xã, phường) 105.877 chi hội. 

Đến nay, tất cả các thôn, bản, buôn làng đều có chi hội, phân hội CCB. Riêng khối bộ, ngành ở Trung ương có 47 tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội với hơn 11.000 hội viên. Hội đã tham gia giúp đỡ, xây dựng 33.632 Câu lạc bộ Cựu quân nhân với số lượng 1.098.000 hội viên. 

Thời gian qua, dù có không ít khó khăn, thử thách nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 703.000 CCB và con em CCB, gia đình chính sách. Từ năm 2012-2017, đã có 155.750 hội viên CCB đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (trong đó có 1.727 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương Hội). Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” lần thứ IV giai đoạn 2011- 2016 đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình được biểu dương, khen thưởng. 

Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cho biết: “Trong quá trình giúp nhau giảm nghèo, các cấp Hội và hội viên đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả giúp đỡ hộ CCB nghèo vươn lên. Có nhiều tổ hợp tác, tổ đổi công, vần công, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, quỹ “Xoá nghèo cho hội viên”.v.v... được thành lập; góp phần tích cực vào thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xoá đói, giảm nghèo trong cả nước”. 

Các cấp Hội cũng tập trung chỉ đạo quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay qua thực hiện ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng số tiền dư nợ uỷ thác qua CCB đến tháng 9/2017 đạt 26.299 tỷ đồng, tăng 9.700 tỷ đồng so với năm 2012, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,5%, có hơn một triệu hộ còn dư nợ vay vốn. Ngoài ra, còn vay của các tổ chức tín dụng khác được 915 tỷ đồng; huy động vốn nội bộ trong Hội cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp số tiền 435 tỷ đồng; vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm được 745 tỷ đồng. Các hộ nghèo khi vay vốn, được làm quen với hoạt động tín dụng, đã sử dụng có hiệu quả tiền đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội khai thác tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với CCB, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đầu tư phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của CCB nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Tổ chức điều tra, phân loại làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo và cận nghèo của CCB, đặc biệt là hộ CCB nghèo ở xã nghèo, huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số; có biện pháp giúp đỡ cụ thể về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất, dạy nghề để hộ CCB nghèo có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo nhanh, chống tái nghèo. Các tổ chức Hội cần có chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể giảm nghèo cho hội viên, góp phần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo chung của Chính phủ và của Hội đề ra.

Chủ động, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, ngành nghề và các mô hình gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp do CCB làm chủ để mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ hộ khá và giàu của CCB. Phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đi đôi với đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, gắn với đào tạo nguồn nhân lực để làm ra sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu, phát triển sản xuất thực phẩm an toàn, hướng mạnh vào phục vụ thị trường nội địa và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Đọc thêm