Cứu đồng nghiệp cũ, bị đánh đến thân tàn danh liệt

(PLO) -Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy ý thức chủ quan của bị cáo không nhằm giết người, đồng thời căn cứ cơ chế hình thành thương tích, tỷ lệ thương tích không có cơ sở xem xét lại tội danh của bị cáo. Tòa cũng nhận định bị hại có một phần lỗi khi chủ động tấn công bị cáo trước nên chỉ tăng hình phạt với bị cáo một năm tù. 
Anh Dũng vừa mang thương tích vừa mang tiếng sau vụ việc.
Anh Dũng vừa mang thương tích vừa mang tiếng sau vụ việc.

Gặp nạn vì “giải cứu” bạn gái 

Anh Nguyễn Việt Dũng (SN 1983, ngụ tổ 16, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) là bảo vệ tại khu công nghiệp quận Long Biên. Thời gian làm việc tại đây, anh có quen biết chị Phạm Thị Duyên (SN 1983, quê Thái Bình) là công nhân.

Từ năm 2012, anh Dũng chuyển chỗ làm, thi thoảng lên mạng xã hội gặp chị Duyên chào hỏi qua lại. “Tôi đã có vợ và hai con, vợ tôi cũng biết Duyên khi cô ấy cùng nhóm bạn tới thăm nhà tôi. Giữa chúng tôi không có gì mờ ám”, anh Dũng phân trần. 

Anh cho rằng biết rõ chị Duyên đang sống như vợ chồng với một thanh niên tên Phạm Bá Hải (SN 1983, quê Thái Bình, lao động tự do) ở khu trọ thuộc phường Phúc Lợi (quận Long Biên) cách nhà mình khoảng 3km.

Khoảng 20h ngày 3/2/2015, anh Dũng trên đường đi làm về thì nhận được điện thoại của chị Duyên giọng run run “đến cứu em với”. Anh gọi lại hỏi chuyện gì, ở đâu, thì chị Duyên chỉ nói “ở phòng trọ” rồi tắt máy. Anh Dũng liền chạy đến chỗ trọ chị Duyên để giúp đỡ.

Theo lời Dũng, vừa tới sân nhà trọ, anh thấy trong phòng sáng đèn nên gọi cửa. Từ ngoài nhìn vào, anh thấy bạn trai chị Duyên đứng lấp ló sau cửa, bắt người yêu quỳ gối mở cửa. Linh cảm có chuyện không hay, anh Dũng bảo Duyên đi ra sân nhưng chị này không ra được.

Chưa kịp định thần, anh Dũng thấy Hải từ trong phòng cầm dao chạy ra. Theo phản xạ, anh đạp cửa phòng cản chân đối phương khiến cả hai ngã lăn xuống đất. Sau đó anh Dũng nhặt viên gạch ném vào trong nhưng Hải né được rồi vung dao từ trên xuống trúng đầu anh Dũng. 

Bị choáng, anh Dũng lùi lại. Lúc này Hải lao vào vật lộn với anh Dũng. Còn chị Duyên chạy vào phòng tắm tìm điện thoại gọi người đến can ngăn nhưng bị choáng nên ngất luôn trong nhà tắm.

Trong lúc vật lộn, anh Dũng yếu thế bị Hải dùng tay đeo nhẫn đấm liên tục vào vùng mặt làm rách da. Sau đó, Hải chạy ra sân nhặt con dao bị rơi lúc trước xông vào vung trúng tay trái khiến anh Dũng gục xuống. 

Gây án xong, Hải vào phòng tắm rửa mặt, bảo người yêu gọi điện báo công an và chủ trọ đến đưa nạn nhân đi cấp cứu, rồi cầm dao bỏ trốn. Nạn nhân một lúc sau tỉnh dậy bò ra đường và được người dân đưa đi cấp cứu.

Tuy nhiên, anh Dũng cho rằng diễn biến như cáo trạng nêu trên chưa chính xác. Anh nói khi thấy Hải cầm dao lao ra thì lấy gạch ném theo phản xạ. Sau đó anh bị chém ngất xỉu. Một lúc sau tỉnh dậy thấy Hải đè lên bụng đấm vào mặt nên anh dùng tay đỡ rồi chạy ra ngoài nhưng vẫn bị Hải đuổi đánh rồi ngất lịm. Một lúc sau tỉnh dậy, anh Dũng bò ra đường gặp người đi thể dục nhờ cứu giúp. “Tôi nhớ có móc điện thoại trong túi quần ra gọi cho bạn rồi ngất, hôm sau tỉnh dậy đã thấy trong bệnh viện”, lời anh Dũng.

Về phần Hải, sau một thời gian lẩn trốn, đến ngày 23/4/2015 ra đầu thú theo quyết định truy nã, sau đó bị VKS quận Long Biên truy tố về tội “cố ý gây thương tích”. Ngày 29/8/2016, tòa án quận Long Biên đưa bị cáo Hải ra xét xử, tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Về dân sự, bị hại yêu cầu bồi thường hơn 900 triệu đồng nhưng tòa chỉ chấp nhận 204 triệu đồng.

Bị cáo kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Còn người bị hại kháng án đề nghị thay đổi tội danh đối với bị cáo sang tội “giết người”. Bị hại cho rằng Hải đâm chém vào đầu, mặt là những vùng nguy hiểm tính mạng. Đồng thời anh này đề nghị giám định lại thương tích vì cho rằng cơ quan chức năng giám định thiếu 6 chiếc răng gãy, do đó tỷ lệ thương tật chỉ ở mức 62% như trong cáo trạng nêu:

“Hải đã chuẩn bị kế hoạch từ trước, ra tay tới cùng nhằm tước đoạt mạng sống của tôi. Việc tôi không chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Anh ta cho rằng tôi đã chết mới dừng tay bỏ đi”, bị hại nói về hành vi phạm tội của bị cáo. 

Ngày 8/12 vừa qua, tòa án TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, tuyên phạt Hải 8 năm 6 tháng tù với cùng tội danh ở cấp sơ thẩm.

Vừa mang thương tật, vừa mang tiếng

Câu hỏi được nhiều người thắc mắc cũng như HĐXX vụ án thắc mắc là tại sao Hải lại hành động hung hãn như thế? Giữa bị cáo và bị hại không có quan hệ thân thiết hay thù hằn gì. Sự việc sau đó được làm sáng tỏ, bắt nguồn từ một chữ “ghen”.

Theo Hải khai nhận tại CQĐT, vào tối xảy ra vụ án, anh ta ra ngoài mua thẻ điện thoại quay về thì thấy bạn gái đang nằm nói chuyện điện thoại với ai đó. Hải kiểm tra thì biết bạn gái nói chuyện với anh Dũng nên nổi máu ghen tát chị Duyên liên tiếp, sau đó chửi mắng, túm tóc bạn gái kéo vào phòng tắm dội nước, mặc người yêu van xin.

Cho rằng bạn gái không thật thà, Hải đưa điện thoại cho chị này nói: “Nếu là bạn bè bình thường thì gọi hắn tới đây”. Cô gái sợ hãi làm theo, sau đó anh Dũng tới nơi thì diễn ra vụ án như trên.

Tại tòa, anh Dũng khẳng định chỉ là bạn bè bình thường với chị Duyên. Trước đây anh làm bảo vệ, còn chị làm công nhân cùng một công ty nên có qua lại chuyện trò. Sau đó anh chuyển chỗ làm, hai người thi thoảng nói chuyện qua mạng xã hội.

“Trước đây có lần chị Duyên mượn máy khoan bê tông, khi tôi đến lấy thì gặp Hải nhưng không nói chuyện nhiều”, anh Dũng nói. 

Vợ anh Dũng cũng tin chồng, nói rằng anh rất chung tình. Còn mối quan hệ với chị Duyên cũng như một số bạn cũ từng làm chung công ty là quan hệ xã giao bình thường. Những người này từng đến thăm chị sinh nở. Minh chứng cho lòng tin đó là chị nghỉ việc gần hai tháng chăm chồng và chung sống hạnh phúc tới bây giờ. 

Anh Dũng nói tiếp, lý do anh đến phòng trọ chị Duyên bởi nghe bạn kêu cứu đã dự đoán mâu thuẫn tình cảm nội bộ. Mục đích anh tới phòng trọ chỉ muốn đến xem thực hư mọi việc, can ngăn giúp đỡ. Anh này nói rằng không hề có ý định gây hấn nên không hề chuẩn bị gậy hoặc gọi thêm bạn bè đi cùng. Còn việc cầm gạch ném bị cáo, anh Dũng thanh minh hành động theo phản xạ khi thấy người khác cầm dao lao về phía mình.

Về phần chị Duyên,  mặc dù vắng mặt tại cả hai phiên tòa xét xử nhưng có lời khai tại CQĐT khẳng định không có tình ý với anh Dũng. Khi gọi điện kêu cứu, chị sợ hãi quá nên làm theo chỉ dẫn của bị cáo. Sau khi vụ án xảy ra, chị nhiều lần muốn đến xin lỗi vợ chồng bị hại nhưng phần vì sợ, phần tủi nhục mà tránh mặt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy ý thức chủ quan của bị cáo không nhằm giết người, đồng thời căn cứ cơ chế hình thành thương tích, tỷ lệ thương tích không có cơ sở xem xét lại tội danh của bị cáo. Tòa cũng nhận định bị hại có một phần lỗi khi chủ động tấn công bị cáo trước nên chỉ tăng hình phạt với bị cáo một năm tù. 

Trở lại hoàn cảnh bị hại, gia đình cho biết với thương tích toàn thân khiến sức khỏe suy giảm, đặc biệt nửa bàn tay trái liệt mất cảm giác nên phải nghỉ việc. May mắn ban giám đốc công ty thông cảm hoàn cảnh mới sắp xếp cho anh việc nhẹ hơn, tất nhiên lương cũng giảm. “Nhiều hôm trái gió trở trời anh ấy lại cáu gắt vô cớ mắng oan vợ con. Tiền nợ vay mượn điều trị ở bệnh viện nay vẫn chưa trả xong”, vợ anh Dũng chia sẻ.

Nhưng điều khiến vợ bị hại bức xúc chính là thái độ thờ ơ của gia đình bị cáo. Chị nói chồng nằm viện tốn kém, chưa kể thương tật, nhưng người nhà bị cáo trong quá trình điều tra vụ án đến thăm chỉ lạnh lùng nói chị cứ đưa ra mức giá sẽ hỗ trợ.

“Gia đình bị cáo tới đưa hai lần tổng cộng 20 triệu đồng rồi đề nghị gia đình đưa ra mức giá bồi thường, với điều kiện phải rút đơn khiếu nại, xin giảm nhẹ hình phạt. Vợ chồng tôi tuy nghèo khó nhưng không bán mạng sống lấy tiền. Hôm tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo còn có thái độ thách thức tôi”, anh Dũng tiếp lời vợ.

Vụ án đã ra tòa, đối tượng phạm tội cũng đã bị pháp luật trừng trị. Nhưng như lời vợ bị hại thì “vết nhơ danh dự” vẫn hằn in mãi. Chị nhớ lại quãng thời gian chồng trị thương, một mình chăm sóc các con, lại chạy vạy mượn tiền bạc. Nhưng bấy giờ rộ tin chồng chị vì quan hệ trai gái lăng nhăng mà bị đánh suýt chết rồi ném ra bãi rác. 

“Lúc đó cứ ra đường là tôi ngại bị hỏi chuyện, rồi người này người nọ bàn tán. Lên trường đón con thì các cháu tủi thân không chú tâm học hành. Mặc kệ miệng lưỡi thế gian, tôi vẫn tin chồng, người ta nói mãi rồi cũng chán”, người vợ nói.

Anh Dũng nhìn vợ mắt rớm lệ. Anh tự trách bản thân chỉ vì “nhiệt tình” cứu bạn mà trở thành gánh nặng cho gia đình. Sau khi nằm viện tỉnh dậy, biết bàn tay bị liệt anh suy sụp rất nhiều: “May mắn lòng tin của vợ trấn an tôi, động viên tôi vượt qua hoạn nạn. Chứ lúc đó người ngoài đàm tiếu, trong nhà lại lục đục thì không biết tôi có sống đến bây giờ nổi không”, anh Dũng quay sang nắm tay vợ.

Đọc thêm