Người nông dân tương lai

(PLVN) - “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ” - Câu thành ngữ tưởng như đã “lỗi thời”, không ngờ trong thời đại công nghiệp 4.0 vẫn có lúc còn nguyên giá trị.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi cả thế giới lao đao, kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; là một trong những nhân tố giúp Việt Nam là đất nước có nền kinh tế tăng trưởng dương hiếm hoi.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở nông thôn thời gian qua đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu vào năm 2010 lên mức 43 triệu đồng/người năm 2020. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 190 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra.

Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công mới, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu. Hiện nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Việt Nam đã vào nhóm thứ nhất Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Bộ NN&PTNT cũng đã đặt ra mục tiêu trong tương lai, nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thuận tự nhiên. Chúng ta phải tạo thành chuỗi giá trị, cùng với hỗ trợ đầu vào để tăng sản lượng thì phải kích hoạt đầu ra để tạo được thị trường ổn định. Lúc đó chúng ta không chỉ là một quốc gia xuất khẩu nông sản tươi ở nhóm đầu thế giới mà còn xuất khẩu sản phẩm công nghiệp thực phẩm từ nông sản.  

Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp và nền nông nghiệp thông minh. Sẽ không còn những kiểu làm theo tập quán, ăn theo sự may rủi của thời tiết mùa vụ. Khi người nông dân hợp tác với nhau, tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, biết cung cầu biến đổi khí hậu, an toàn vệ sinh thực phẩm là như thế nào; biết làm sao để sản xuất ở thế hệ này nhưng đến thế hệ con cháu thì đất đai không bị bạc màu do lạm dụng quá nhiều chất kích thích tăng trưởng... thì những kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực.

Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT mới đây đã có một phát biểu rất hay, khi nói Bộ sẽ hướng theo mô hình “người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép, phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải không biết làm gì, hay dốt quá thì cho đi làm nông nghiệp. Nền nông nghiệp mà nói để người dốt đi làm thì không được, chúng ta phải tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới xem nông nghiệp là một nghề và người nông dân được cấp chứng chỉ hành nghề”.

Thực tế cho thấy nhiều tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Không chỉ vì lợi nhuận, đó còn là cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp và người nông dân. Nhiều chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã xuất hiện... Đây sẽ là những nhân tố lan tỏa để vừa thay đổi quan điểm quan niệm, cũng là chuyên nghiệp hóa nghề nông.