Huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề cả về người và của cải do cơn lũ lịch sử gây ra. PV Báo PLVN đã có mặt tại vùng rốn lũ Đà Bắc để ghi nhận sự tàn phá nặng nề những nơi mà cơn lũ đi qua và chia sẻ nỗi đau với bà con vùng.
Chỉ tay về phía những gốc cây to bằng một ôm người lớn, anh Lường Văn Điều (Trưởng xóm Hày, xã Đồng Ruộng, Đà Bắc) vẫn còn chưa hết nỗi kinh hoàng. Anh Điều vuốt nước mưa vẫn còn chảy trên má cho biết: “Nói như thế này cho các anh dễ hình dung, hàng nghìn m3 nước từ trên đỉnh núi dồn ập xuống dòng suối nhỏ trong cùng một lúc. Nước đi đến đâu, đất đá như một đàn trâu rừng hung dữ lồng lên phá tan hoang mọi thứ đến đó. Đến cả những gốc cây to bằng một ôm người lớn cũng đã bị nước lũ, đất đá vày vò, vặn xé đến tang hoang. Sức nước như vậy, thì nhà cửa nào chống chọi nổi”.
Trưởng xóm Điều cho biết, trong cơn mưa lũ đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11/10/2017, cả bản có 12 ngôi nhà sàn thì có 11 ngôi nhà bị nước lũ và đá dập phá, gây ảnh hưởng. Trong đó, có 3 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; 5 ngôi nhà bị xiêu vẹo đổ nát, hư hỏng nặng. Không chỉ bị thiệt hại về nhà cửa, bản Hiềng cũng là nơi chịu thiệt hại về người lớn nhất trong đợt mưa lũ lần này. Theo thống kê, tính đến thời điểm này toàn huyện Đà Bắc có 3 người chết, 5 người mất tích, 7 người bị thương.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quách Công Lâm (Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng) cho hay, do trên địa bàn xóm Hày tình hình mưa lũ vẫn còn có những diễn biến phức tạp và do điều kiện hoàn cảnh gia đình nên xã đã chỉ đạo xóm Hày vận động bà con trong xóm tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức lễ tang cho anh Giáp do nhà đã bị cuốn trôi nên anh ấy được bà con trong xóm tổ chức lễ tang tại nhà văn hóa xóm. Còn bà Lường Thị Dứa hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể. Khi nào tìm thấy, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con nhân dân địa phương giúp đỡ tổ chức lễ tang theo phong tục của địa phương.
Cùng với việc tổ chức tang lễ cho người đã mất, hiện nay xã Đồng Ruộng cũng đang tích cực điều trị cho các nạn nhân bị thương trong mưa lũ. Bác sỹ Lường Văn Khoa cho biết, sau cơn mưa lũ bất ngờ xảy ra vào đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11/10, trạm y tế xã đã tiếp nhận, cấp cứu cho 6 nạn nhân bị thương. Các nạn nhân đều bị đa chấn thương do bị nước cuốn và va đập mạnh. Tuy nhiên, đến nay các trường hợp bị thương đã được điều trị ổn định, không có trường hợp nào nguy hiểm về tính mạng.
Là người bị thương nặng nhất trong số 6 người, anh Hà Văn Luân (SN 1997, ở bản Hiềng) vẫn còn chưa hết kinh hoàng sau biến cố đã xảy ra. “Đêm ấy, khi nghe thấy tiếng nước lũ ầm ào đổ xuống, mọi người trong nhà em cũng chỉ kịp chạy ra khỏi nhà. Em chạy sau cùng, khi vừa ra khỏi nhà thì bị nước lũ cuốn, may mắn là còn bám được vào gốc cây gần đó nên đã may mắn không bị nước cuốn trôi. Nếu không may mắn bám được vào gốc cây thì có lẽ cũng đã không còn sống nữa rồi”, Luân đau đớn kể lại.
Ngoài thiệt hại về người, huyện Đà Bắc cũng đã phải chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân. Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm 19h30 ngày 11/10/2017, do mưa lớn kéo dài nước dâng cao ở các ngầm, trục đường 433 sạt lở ở nhiều nơi đã làm 14 xã vùng cao của huyện bị chia cắt, cô lập. Đặc biệt mưa lớn đã gây ra lũ ống, lũ quét tại nhiều xã đã làm sập hơn 40 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn và hơn 100 nhà dân có nguy cơ bị đổ, phải sơ tán.
Mưa lớn nước hồ xóm Cháu xã Tu Lý dâng cao đã phá đi 1/3 thân đập gây nguy hiểm có thể vỡ đập. Ngoài ra, hồ Nà Rồng, thị trấn Đà Bắc nằm trong tình trạng vỡ, chính quyền địa phương đã sẻ thân đập để tiêu nước. Hàng trăm ha lúa, hoa màu của bà con nhân dân dọc các suối bị đất cát vùi lấp.
Trước tình hình mưa bão có diễn biến phức tạp, Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức các đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm về mưa lũ của huyện để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Mưa lũ khiến giao thông các tuyến đường Tây Bắc tê liệt
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ, hiện trên hệ thống quốc lộ phía Bắc và Bắc Trung Bộ còn 49 điểm tắc đường, trong đó 16 điểm ngập nước sẽ thông xe khi nước rút. Các điểm tắc đường chủ yếu tập trung tại các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, với các vị trí bị sạt lở taluy dương, hàng chục nghìn m3 đất đá đổ xuống gây ách tắc cục bộ. Đây cũng là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ suốt mấy ngày qua.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Thắng (Giám đốc Sở Giao thông Hòa Bình) cho biết, quốc lộ 6 đoạn qua xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu vẫn ngập sâu 2 mét khiến các phương tiện giao thông qua khu vực này không thể nào di chuyển được. Tại vị trí ngập, lực lượng chức năng kết bè mảng và dùng thuyền nhỏ đưa người, phương tiện miễn phí qua khu vực ngập; xe tải lớn được phân luồng từ xa đi quốc lộ 32, quốc lộ 37.