Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do 2 đơn vị của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 5/12, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.
Hiện Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Một số địa phương đã triển khai xây dựng được nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP điển hình như Hà Nội với hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã; Quảng Ninh 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP, Bắc Kạn 10 điểm, Bến Tre 12 điểm…
Theo ông Tuấn, với sự kết nối của Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước. Các sản phẩm đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+, các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc…
Đáng chú ý, đại diện các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air; các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPP và các doanh nghiệp thành viên cũng đã tham gia các buổi kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, nhằm tìm kiếm thêm các sản phẩm mới cho hệ thống của mình.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.
Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thảo luận các giải pháp về chính sách, hỗ trợ kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.