Mặc dù đã yên phận và gắn với nghiệp ô sin bệnh viện đã được sáu năm nhưng chị Vinh (quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ) vẫn canh cánh một nỗi niềm. Quê chị miền núi, đã ít chữ lại đói cả ăn. Quanh năm quanh quẩn ruộng nương nên cái nghèo cứ đeo bám. Con cái thiếu ăn, thiếu mặc, chồng thì nay ốm, mai đau. Cực chẳng đã chị xa quê xuống Hà Nội kiếm sống.
Bỏ mặc chồng bệnh, cha đau
Mỗi lần dìu dắt bệnh nhân, bón cho họ từng thìa cháo, bát cơm, khi họ đau nhức phải xoa bóp kịp thời… chị lại nhớ đến đến chồng. Anh bệnh hen suyễn mãn tính còn thêm viêm khớp. Mỗi khi trái gió, trở trời những cơn đau khớp những cơn hen kéo dài lại hành hạ anh. Từ khi chị đi làm anh phải tự mình xoay xở.
Nhiều lần chị về quê, nhìn thấy chồng khớp gối sung vù, không đi được chị định bỏ việc ở nhà chăm anh. Nhưng nếu ở nhà thì lấy tiền đâu thuốc thang cho chồng và lo cho con ăn học. Chị đành nuốt nước mắt, động viên anh mấy ngày rồi lại tìm đến cổng bệnh viện.
Chị thường nhận chăm những ca bệnh nặng để thù lao được nhiều hơn, thời gian chăm cũng ngắn hơn. Tranh thủ vài ba tuần chị về thăm nhà một lần. Hiểu được sự vất vả của mẹ, ba đứa con chị cũng chăm ngoan và học hành giỏi giang. Điều đó cũng phần nào an ủi chị sau những giờ làm việc vất vả.
Chị Ly (quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa), thì đành để bốn đứa con dại cho mẹ già chăm sóc để bươn chải với nghề. Đã năm năm qua chị đi chăm nuôi người bệnh. Hầu như các bệnh viện lớn ở Hà Nội đều có mặt chị. Ít chị cũng ở một vài tuần, nhiều cũng cả năm.
Vì tính chị thật thà lại nhiệt tình, chu đáo nên đã thành “thương hiệu” chăm chưa hết bệnh nhân này đã có người khác đánh tiếng nhờ. Chị cũng chẳng nhớ đã chăm sóc cho bao nhiêu cụ ông, cụ bà, người trẻ… nhưng chị đều chăm lo hết mực.
Trong khi đó bố mẹ chị đều đã ngoài 70, sức khỏe yếu.Thời tiết thay đổi, sức khỏe cũng thay đổi luôn. Nhà chỉ có mỗi chị là cô con gái duy nhất thì lại chẳng thể chăm sóc ông bà. Thành ra mỗi lần ốm đau chỉ quanh quẩn “ông chăm bà rồi bà lại chăm ông” và chăm thêm các con của chị.
Những lúc ông hay bà bị mệt nặng thì từ việc ăn uống đến việc đi vệ sinh đều do người còn lại lo hết. Cứ như trời thương hoàn cảnh chị nên mỗi lần “ông ốm bà lại khỏe và bà khỏe ông mới đau”. Nếu hai ông bà đều bệnh chắc chị cũng phải “bỏ nghề về quê… chết đói”.
Có lần chị nhận được tin bố bị ngã, nhà neo người nên không đi viện, phải nằm một chỗ. Khi ấy chị đang bóp vai cho một ông cụ cũng trạc tuổi bố mình. Nghe tin xong nước mắt chị cứ tự trào ra. Chị bỏ dở công việc, chạy vào nhà vệ sinh tức tưởi chị lại tiếp tục với công việc. Nghĩ đến bố, chị lại chăm sóc ông cụ càng chu đáo hơn.
Giọng nghèn nghẹn chị Ly chia sẻ: “Cực chẳng đã phải gửi con cho bố mẹ già chăm sóc. Mình đi chăm lo cho người dưng nước lã. Trong khi đó bố mẹ mình già cả, ốm yếu vẫn phải chăm con mọn hộ mình. Những lúc ốm đau chẳng ai bầu bạn… Nghĩ đến đau lòng lắm em ạ”.
Những người làm nghề ô sin bệnh viện, có hoàn cảnh như chị Vinh, chị Ly không phải hiếm.
Khổ cực còn bị hàm oan, nghi ngờ
Mặc dù phải chịu nhiều khổ cực, lao lực về thể chất, ôm nỗi đau tinh thần để giúp người, giúp đời. Thế nhưng, đôi khi các ô sin bệnh viện lại phải nhận lấy “trái đắng” từ gia chủ gây ra. Có nhiều trường hợp, chăm người bệnh đã vất vả còn phải chịu nỗi khổ tâm day dứt.
Nhiều gia đình nghĩ rằng, họ có tiền thuê ô sin thì họ có quyền chà đạp. Họ tìm ra những lỗi nhỏ nhất của ô sin để rày la, mắng chửi. Từ việc “sao để cụ nằm không gối” đến việc “cọ bô sao vẫn còn mùi”… đó đều là những cái cớ để họ “phê phán” ô sin. Chị Ly cũng chia sẻ một “tai nạn nghề nghiệp” mà chị gặp phải trong những năm tháng bươn chải với nghề.
Hồi mới vào nghề, chị nhận nuôi một bà cụ đã ngoài 80 bị bệnh thần kinh nên lúc nhớ, lúc quên. Chăm cụ phải dỗ dành còn hơn chăm trẻ. Cho cụ ăn uống, thường xuyên bị hắt nước vào mặt hay nhổ thức ăn vào người. Thế nhưng chị vẫn tận tình chăm sóc. Có hôm vừa cho cụ ăn xong thì con gái cụ vào thăm. Nhìn thấy con cụ bà liền kêu đói, bảo chưa được ăn gì. “Chị ấy có vẻ khó chịu. Tôi phải nhờ những người cùng phòng bệnh làm chứng để giải oan”.
Hay có lần chị chăm sóc cho người bệnh da liễu, lở loét toàn thân người thân của bệnh nhân đến thăm chỉ đứng xa, miệng nói ngọt ngào nhưng không ai dám chạm tới người bệnh. Riêng chị mỗi ngày phải lau chùi, thay quần áo cho bệnh nhân bằng tay mình mà không có găng hay phương tiện nào.
Chị sợ bị lây bệnh, nhưng vẫn phải nén cảm giác ấy và cố gắng làm. Chị chỉ có cách phòng ngừa duy nhất là mỗi tối ngâm tay vào nước muối để… sát trùng. Vì chẳng được học qua trường lớp nào, chị chỉ làm theo cách bố chị dạy hồi nhỏ. Mỗi lần bị ngứa ngáy, cứ ra nhảy ùm xuống biển. Cũng may sau một tháng chăm sóc chị không việc gì. Thế mà mỗi lần người nhà đến, đều ỏng eo chê bai chị chăm sóc không cẩn thận.
Anh Trọng một ôsin nam (ở Thường Tín, Hà Nội) còn gặp phải oái oăm hơn. Cách đây ba tháng, anh chăm cho một cụ ông bị liệt nửa người. Là đàn ông nhưng đã theo nghề này anh vẫn phải làm hết mọi việc tỉ mỉ từ thay bỉm, bón cơm, vệ sinh thân thể đến xoa bóp cho cụ.. Anh phải ăn đứng, ngủ gật, sinh hoạt thiếu thốn, thế mà gia chủ còn khinh miệt, nghi ngờ.
“Chẳng biết sao gia đình họ bị thất lạc mấy cái phong bì khách đến thăm. Không nói thẳng nhưng họ cứ bóng gió là tôi lấy. Càng giải thích, họ càng làm già. Ức quá tôi bỏ việc bỏ luôn mấy ngày công chưa kịp lấy. Tôi tuy nghèo nhưng cũng có lòng tự trọng của mình chứ”, anh Trọng bức xúc nói.
Chúng tôi còn tận mắt chứng kiến cảnh một người phụ nữ phốp pháp, mặt hoa da phấn “răn dạy” ô sin ngay trong phòng bệnh. Chị ta oang oang những lời lẽ đầy xúc phạm: “con này sao mày ngu thế, cụ mới uống thuốc xong mày đã tọng hoa quả vào ai chịu nổi” rồi “cọ cái bô mà vẫn còn vết ố thế này à, đúng là đồ nhà quê”… Trong khi đó, “người nhà quê” vẫn thoăn thoắt đôi tay rửa mặt, lau miệng rồi đấm bóp cho ông cụ.
Được hỏi tại sao người ta chửi mình thế không đi tìm mối khác làm chị ô sin này chia sẻ: “Cô ấy cứ bức xúc chuyện gia đình nên đến đây xả tress thôi. Chửi xong mấy câu hôm sau lại đâu vào đấy ấy mà. Chăm cụ tiền công cao và tiền nong cũng sòng phẳng.Giờ đi tìm mối khác cũng đâu có dễ. Mà biết đâu, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.Thế nên, gặp những trường hợp thế này, cứ nhịn tí là xong”. Sự nín nhịn của chị ô sin không phải là không có lý khi nghề này cũng phải cạnh tranh nghiệt ngã
Cuộc cạnh tranh nghiệt ngã
Tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, thấy tôi ngơ ngác một nhóm người đang tụ năm tụ bảy ùa đến hỏi, “chị đi thăm bệnh nhân à?”. Khi tôi trả lời đi tìm người để nhờ chăm sóc cụ nội mọi người quây lấy tôi.
Nào đủ mọi thành phần từ già, trung tuổi cho đến thanh niên nam, nữ. Trong số này cũng có người đang chăm sóc bệnh nhân vì đến giờ bác sĩ làm việc nên ra ngoài ngồi đợi. Nhưng cũng có không ít trường hợp đang “tạm thời” thất nghiệp.
Khi "thất nghiệp" họ vạ vật ở gốc cây chờ việc. |
Một chị trong số đó lên tiếng: “Em thuê chị nhé, chị có kinh nghiệm trong việc chăm sóc các cụ rồi. Chị vừa chăm cho một cụ bà mới xuất viện cách đây 2 ngày. Giá cả thì chị chỉ lấy bằng giá sàn thôi”.
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì có một “ông anh” liến thoắng: “Còn năm sáu anh chị em đây. Chị nhìn ưng ai thì cứ bảo. Chăm sóc cụ tại viện, mỗi ngày 250 ngàn, chúng em sẽ lo cho cụ từ A đến Z, người nhà cứ yên tâm mà làm việc. Giá cả chung rồi không có kém được đâu”.
Chưa đầy một tiếng sau khi rời khỏi bệnh viện tôi nhận được bốn cú điện thoại của họ. Ai cũng bảo về giá cả có thể thương lượng lại. Khi được hỏi không sợ như thế là “phá giá sàn” thì cả bốn trường hợp đều bảo “chuyện này là thỏa thuận giữa chị em mình thôi mà”.
Ở Bệnh viện Bạch Mai, lượng ô sin “thất nghiệp” có vẻ ít hơn. Tôi chỉ gặp đôi ba trường hợp đang “khát người ốm” nhưng, người nào cũng giới thiệu nguồn dự trử ở quê vẫn còn đầy. Nếu cần, họ sẽ gọi lên phục vụ theo đúng tiêu chuẩn yêu cầu. Áp lực cơm áo gạo tiền và diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp khiến nông thôn đang là nguồn cung ứng lao động dịch vụ vô tận cho thành thị trong đó có dịch vụ ô sin.