Đà Lạt - thành phố của ký ức

(PLVN) - Mới ngày nào chỉ là một cao nguyên vời vợi, xanh ngát cỏ mượt mà bác sĩ Yersin tả trong nhật ký “một bộ sưu tầm về đồi mở ra trước mắt tôi”, đến nay Đà Lạt đã chuyển mình trở thành một đô thị xinh đẹp, căng tràn sức sống chờ đón những vận hội mới.
Thành phố Đà Lạt hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ...

Ngày 21 tháng 6 năm 1893, Bác sỹ Yersin đặt bước chân đầu tiên lên cao nguyên Lang Biang. Kể từ đó, đánh dấu một bước ngoặt mới của vùng đất Nam Tây nguyên huyền thoại. Thành phố Đà Lạt được bắt đầu hình thành trong ý tưởng của các nhà quy hoạch người Pháp.

Địa danh Đà Lạt được bắt đầu từ tên của một con suối nhỏ của tộc người miền núi Lạch (Lat), Đà = hay Đak, Đặ có nghĩa là “nước” (người K’Ho vẫn gọi) Đạ Lạch = nước của người Lạch, về sau do giao thoa về mặt thời gian và ngôn ngữ gọi thành Đà Lạt. Người Pháp thì giải thích rằng địa danh Đà Lạt khởi nguồn từ câu tiếng Pháp “ Da Aliis Laaetitiam Aliis Temperien” ghi lại âm đầu các từ tạo thành tên của thành phố (cho những người này niềm vui, những người khác sức khỏe ).

Tác giả Trần Thanh Hoài bên một cuốn sách viết về Đà Lạt.

Mới ngày nào chỉ là một cao nguyên vời vợi, xanh ngát cỏ mượt mà Yersin tả trong nhật ký “một bộ sưu tầm về đồi mở ra trước mắt tôi”. Từ năm 1946, một thành phố xinh đẹp và sống động với những con đường mới, những biệt thự và vườn hoa, thảm có hiện ra trước mặt du khách. Sự lớn lên của thành phố có thể tóm tắt thành 4 giai đoạn cơ bản như sau:

Thám sát

Bác sỹ Yersin phát hiện và ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hoang sơ của cao nguyên Lang bian. Ông linh cảm được vận mệnh tiếp theo của thành phố với dung mạo mà ông đã thấy đâu đó trong giức mơ của thời niên thiếu của vùng Thụy Sỹ hay của nước Pháp.

Tháng 7 năm 1879, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer có ý định thành lập trên vùng núi ở phía Nam Việt Nam một nơi nghỉ dưỡng có những điều kiện thuận tiện về khí hậu và cung cấp đủ nước. Ý tưởng đó trùng với khát vọng của bác sỹ Yersin. Với bức thư đầy tâm huyết về một thành phố sinh thái mang dáng dấp Âu châu ở Đông Dương, Bác sỹ Yersin đã gửi thư cho Toàn quyền Paul Doumer và được chuẩn y.

Tháng 3 năm 1899, đích thân Doumer lên tìm hiểu vị trí Đà Lạt trong tương lai. Chính bác sỹ Yersin tháp tùng cùng viên toàn quyền trong chuyến đi này. Đoàn đi qua Phan Rang, Krong Pha,Ngoạn mục (Belle-ve), Dran và Trạm Hành ( Arbre-broyé ). Vài căn nhà gỗ đã được cất lên sau đó. Một viên thị trưởng được chỉ định. Năm 1907, một khách sạn Hồ được xây dựng. Thành phố đã được phác thảo trên cơ sở các con đường mòn trước đây của người Thượng vẫn thường sử dụng.

Tuy nhiên sau đó, Toàn quyền Doumer ra đi (1902), tất cả dự án về thực tế đã bãi bỏ. Kinh phí bị cắt, công trình xây dựng ngừng lại. Chỉ còn vài nhân viên ở lại, trong đó có: một viên Thị trưởng, một Giám binh Đông Dương và một Trưởng trạm nông nghiệp. Đà Lạt lại rơi vào giấc ngủ dài đến năm 1915.

Đà Lạt vươn mình

Tháng 11 năm 1915, Toàn quyền Roume quyết định đánh thức Đà Lạt dậy. Nhiều quan chức Pháp không thể về quê nghỉ dưỡng theo hạn định do chiến tranh làm khó khăn trong việc trở về Pháp. Họ có tâm nguyện muốn được nghỉ tại Đông Dương nhưng phải là một địa danh mang sắc thái của Châu Âu .

Thành phố Đả Lạt được hình thành với 10 căn nhà gỗ đầu tiên. 1918 người ta bắt đầu quy hoạch hồ nước trên dòng suối Cam Ly. Đường Phan Rang lên Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục và Dran có thể đi lại được từ năm 1920. Một ít ngôi nhà gạch đã được xây như : bưu điện, trường Nazaret, Kho bạc (nay Trụ sở Cty Viễn Thông Lâm Đồng, Trường Trung học phổ thông Thăng Long, Cục Thuế Lâm Đồng).. Khách sạn Lang Biang Palace được khánh thành năm 1918. Một nhà máy điện công suất nhỏ cũng được hoàn thành; nhà máy nước đảm bảo cung cấp đủ nước uống cho cư dân thành phố hiện tại và tương lai.

Đà Lạt nhìn từ trên máy bay vào những năm 60, thế kỷ trước. Ảnh Trần Văn Châu

Thành phố Cao nguyên

Toàn quyền Đông Dương giao cho kiến trúc sư Hébrad nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch tổng thể thành phố Đà Lạt. Đồ án được hoàn thành chính thức vào năm 1923. Đây là một đồ án có giá lớn không chỉ về mặt khoa học và kiến trúc mà còn là một đồ án mang tầm vóc thời đại cho một Đà Lạt của thế kỷ sau đó.

Năm 1940, Đà Lạt phát triển chậm rãi do khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới. Tuy vậy nó đã mang dáng dấp của một thành phố nghỉ dưỡng xinh đẹp rộng lớn. Năm 1933, đường bộ Đà Lạt trực tiếp nối liền với Sài Gòn qua đèo BLao (Bảo Lộc). Hệ thống các cơ sở giáo dục được quan tâm trong giai đoạn này. Các con đường phần lớn mang tên các loài hoa mà thành phố đang sở hữu như: đường Hoa Lay ơn, đường Hoa Hồng (hiện đường Nguyễn Viết Xuân và đường Huỳnh Thúc Kháng). Dân số gia tăng, năm 1932 mới có 1500 người; năm 1940 đã là 13.000. Các đồ án tiếp theo quy hoạch thành phố tiếp tục được phát triển và định hướng.

Chuyển mình vươn xa

Đà Lạt giai đoạn này bước vào thời kỳ thịnh vượng. Thất bại trước phát xít Đức, người Pháp làm quan ở thuộc địa xấu hổ, không muốn về quê, nên tiếp tục đầu tư Đà Lạt làm nơi trú ngụ và hưởng thụ. Vốn liếng của Nam Kỳ được đầu tư vào Đà Lạt. Người ta bắt đầu bán đất, xây biệt thự. Nhà máy thủy điện Ang Kro ét được xây dựng trên sông Đạ Đờn (Dadung) để cung cấp điện cho thành phố.

Các tu viện của các dòng tu được thành lập: dòng Thánh Benoit (Bénédictins), Trường Nữ huấn luyện viên, tu viện… Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1931 đến năm 1942 thì hoàn thành. Tổng dân số đã vượt quá 20 ngàn người vào năm 1942. Sau Cách mạng tháng 8 (1945) Đà Lạt được người Pháp sử dụng cho Bảo Đại để lập “Hoàng triều cương thổ”.

Sau 1986, đất nước trong cơ hội đổi mới và phát triển, Đà Lạt hòa hòa chung luồng chảy đó phát triển nhanh chóng. Thương hiệu rau, hoa Đà Lạt đã được đưa ra thị trường quốc tế. Festival hoa hai năm một lần được tổ chức cùng các danh lam thắng cảnh, sân gôn đón… trên dưới 5 triệu lượt khách /năm trong đó khách quốc tế trên 500 ngàn lượt.

Trên 125 năm qua đi, Đà Lạt không chỉ là sự tự hào của người dân Lâm Đồng mà còn là niềm yêu dấu, miền thương mến của mọi người trong và ngoài nước. Đà Lạt được Chính phủ xác định là trung tâm nghĩ dưỡng, du lịch, đào tạo và nghiên cứu của khu vực và cả nước. Đây sẽ là thuận lợi cho thành phố trong tương lai với khát vọng xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành một thành phố loại 1 đặc trưng và riêng có.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng không thể ngăn nỗi sự vươn lên mạnh mẽ của Đà Lạt. Cả thành phố đang chuyển mình cho các sự kiện văn hóa, du lịch để thích nghi linh hoạt trong “tình hình mới” với nhiều hoạt động chỉnh trang đô thị, nâng cấp các công trình công ích; các hoạt động văn hóa nghệ thuật thường xuyên được đổi mới. Xây dựng một phong cách ứng xử văn hóa của người Đà Lạt đang được chính quyền thành phố hướng tới như một quyết tâm tìm về nguồn cội và đó chính nét đẹp vĩnh cửu để làm nên một thành phố đã và đang được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, để mãi là “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Trần Thanh Hoài

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng

(* Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo: Địa chí Đà Lạt (Nguyễn Hữu Tranh dịch , 2000); Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp ( Eric T. Jennings, NXB Hồng Đức , 2015); Đường lên xứ Thượng (Bộ Sắc tộc ấn hành , 1970)

Đọc thêm