[links()] Tại Đà Nẵng, phần lớn các doanh nhiệp sản xuất, kinh doanh…đã bắt tay làm việc từ mùng 6 Tết (ngày 28/1). Tuy nhiên, cho đến nay đã vào guồng hoạt động một thời, song, nhiều công ty phải đình trệ vì công nhân quay trở lại làm việc ít, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động…
Những ngày sau Tết, tại hầu hết các Khu công nghiệp Hoà Khánh, Khu công nghiệp Liên Chiểu (Liên Chiểu- Đà Nẵng), khu công nghiệp An Đồn (Sơn Trà), trước cổng mỗi công ty, đều thấy treo bảng thông báo tuyển công nhân dày đặc. Với chế độ ưu đã khá hấp dẫn như: “hỗ trợ tiền nhà đi lại, thưởng chuyên cần, lương cao….” nhưng lại không được bao nhiêu công nhân đến nộp hồ sơ nhận việc.
Đang chần chừ coi thông tin bản tuyển dụng trước công ty Mabuchi Motor (KCN Hoà Khánh), chị Lê Thị Thơ (Đại Lộc- Quảng Nam) cho biết, trước đây, chị từng đi làm công nhân giày da tại KCN An Đồn. Thế nhưng, chật vật hơn 2 năm, làm tăng ca nhiều, nhưng các chế độ: thai sản, đau ốm, bảo hiểm vẫn không được giải quyết.
“Các doanh nhiệp khi mới tuyển dụng đều đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn lắm, nhưng sau đó lại bị trừ hết vào các khoản …không tên. Cuối cùng làm thì nhiều mà lương chẳng được bao nhiêu. Chính vì vậy, tôi phải bỏ việc để đi tìm cơ hội mới” chị Thơ nói.
Cũng tại đây, anh Lê Văn Hùng, nguyên là công nhân Công ty TNHHH Hoa Việt (KCN Hoà Khánh) trình bày thêm, anh làm ca 3 xuyên suốt nhưng mức lương luôn dưói 2 triệu. Công ty tính chế độ làm ca 3 của anh chỉ có 30%, lại không thấy tăng sau nhiều năm làm việc, nên anh quyết định thay đổi chổ làm.
Bảng thông tin tuyển dụng được treo ở hầu hết các KCN vì thiếu nguồn nhân lực. |
Tương tự, tình trạng thiếu lao động diễn ra khá phổ biến ở một số doanh nghiệp thủy sản, giày da và may mặc. Công ty TNHH giày da Hữu Nghị (Khu công nghiệp An Đồn, Sơn Trà) treo bảng thông tuyển gấp 500 công nhân, tuy nhiên, theo số liệu từ phòng tổng vụ, công ty mở đợt tuyển cả trong dịp nghỉ lễ Tết âm lịch, nhưng đến nay (5/2) chỉ mới được trên 50 công nhân tới xin việc. Sở dĩ công ty có nhu cầu cao như vậy, vì cứ mỗi dịp đầu năm, lượng công nhân trở lại làm việc bị giảm rất nhiều.
“Đã đi vào “guồng” sản xuất đầu năm được gần 10 ngày, thế nhưng, nguồn nhân lực cũ đi làm trở lại hao hụt bớt đã khiến cho nhiều dây chuyển sản xuất phải ngưng hoạt động. Công việc cũng theo đó bị đình trệ”, một nhân viên tại phòng tổng vụ cho biết.
Công ty Cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Thọ Quang (KCN Sơn Trà) hơn 1 tuần nay phải chạy đôn chạy đáo đến các xã, huyện ở tỉnh Quảng Nam để khảo sát và tuyển dụng lao động vào làm việc, nhưng vẫn không tuyển được bao nhiêu, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Nhân sự - Hành chính Công ty này cho biết: “Sau Tết có khoảng 100 lao động về quê không trở lại làm việc, trong khi đó, công ty lại cần tuyển thêm 300 lao động để mở rộng dây chuyền sản xuất. Mặc dù, công ty đã đăng bảng tuyển dụng, cũng như thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty mới chỉ nhận được 3 bộ hồ sơ xin việc”.
Thiếu lao động luôn là bài toán nan giải của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng sau tết, theo ý kiến của chính người trong cuộc cho biết, nguyên do bởi lao động tại Đà Nẵng phần nhiều là người ngoại tỉnh. Tổng thu nhập của người lao động ngoài việc phải lo đủ cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, họ còn phải trả tiền nhà trọ và xe cộ mỗi dịp về quê.
Vì vậy, dù chế độ đãi ngộ của nhiều doanh nghiệp có khả quan hơn, song, vẫn chưa thể gọi là cao. Đặc biệt, người lao động, nhất là công nhân có tay nghề hiện giờ không chỉ cần một chỗ làm ổn định, mức lương khá mà còn cần có sự thăng tiến trong công việc, tuy nhiên, đây là vẫn đề rất khó, chưa nói là không thể có.
Lao động đăng ký tìm việc mới tại Trung tâm giới thiệu việc làm ngày đầu năm. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng cho biết, theo thống kê của Sở (tính đến ngày 5/2), trên địa bàn hiện có 6 doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI hoạt động trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất hàng may mặc, giày da, lắp ráp linh kiện điện tử…) thu hẹp sản xuất hoặc phải tạm ngưng hoạt động do công nhân thiếu hụt.
Một lí do “cung không đủ cầu”, theo ông An, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Valley View Industrial (100% vốn đầu tư của Đài Loan), Công ty TNHH VinaKAD Industrial S.A. (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc), một vài công ty cổ phần may mặc trong nước… dịp cuối năm có biểu hiện chèn ép người lao động như hạ đơn giá, tăng giờ, tăng ca làm việc nhưng trả công thấp, thay đổi thang bảng lương để giảm thu nhập của người lao động, cắt giảm chế độ tiền thưởng cuối năm…nên công nhân trở lại làm việt rất thấp. Cũng chính vì điều đó, ngay ngày đầu năm, khả năng đình trệ công việc xảy ra rất cao.
Theo “kinh nghiệm” của ông Nguyễn Minh Liêu, Trưởng phòng tư vấn quan hệ lao động và giới thiệu việc làm Đà Nẵng, cứ quy luật là đầu năm nguồn lao động phổ thông lại bị xáo trộn. Chính vì vậy, nắm bắt được khả năng thiếu lao động trong năm mới, trước Tết đã có 48 đơn vi đăng ký nhờ tuyển dụng tại các phiên chợ việc làm với nhu cầu hàng ngàn LĐ, trong đó lao động nữ chiếm đa số.
Nhu cầu tuyển dụng LĐ phổ thông chiếm 38%, còn lại 62% LĐ có trình độ từ công nhân kỹ thuật trở lên.
Cho đến hôm nay, Trung tâm đã tiếp cận 300 lượt người tham gia tư vấn xin việc, trong đó hơn một nữa là thay đổi công việc.
Vân Anh