Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động quốc tế quan trọng về Công nghệ thông tin tại TP Đà Nẵng do UBND TP. Đà Nẵng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức.
Tham dự hội nghị có hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế gồm lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương của Việt Nam; lãnh đạo các thành phố lớn tại Việt Nam và khu vực; lãnh đạo các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới...
Hội nghị có 4 hội thảo chuyên đề cụ thể: Điều hành thành phố thông minh dựa trên phân tích dữ liệu; Chính quyền số và tài chính cho thành phố thông minh; Hạ tầng và công nghệ cho thành phố thông minh và Các ứng dụng thành phố thông minh. Đặc biệt, Ban Tổ chức đang phối hợp với Tổ chức các thành phố thông minh và phát triển bền vững thế giới - WEGO và Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương - ASOCIO tổ chức Hội nghị lãnh đạo các thành phố trong khuôn khổ của Hội nghị.
Ông Huỳnh Đức Thơ, CHủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, cũng là yêu cầu trong phát triển của TP. Đà Nẵng, đặc biệt nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao cho Đà Nẵng tại Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó mục tiêu đến năm 2030 phải “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Theo ông Thơ, từ năm 2014, TP. Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Đà Nẵng đã 11 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index) do Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam đánh giá, xếp hạng; mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng nhận giải thưởng WeGo năm 2014. Việc triển khai thành công Chính quyền điện tử tạo niềm tin, là nền tảng để thành phố triển khai xây dựng thành phố thông minh.
Cũng trong năm 2014, với sự tư vấn của các chuyên gia IBM, Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn”; và bắt đầu việc triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giám sát giao thông thông minh, môi trường, kiểm soát nguồn cấp nước, an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự, giáo dục, y tế; chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở... đem lại tác động tích cực trong quản lý, điều hành đô thị.
Năm 2019, Đà Nẵng đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng “Thành phố thông minh”. Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng thành phố thông minh qua việc ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh và phê duyệt Đề án xây dựng Thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố thông mình 2019 chính thức khai mạc tại Đà Nẵng |
“Chúng tôi xác định Xây dựng thành phố thông minh không chỉ chuyển quản lý, điều hành từ truyền thống qua dựa trên dữ liệu và công nghệ; mà còn là một trong các dự án động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian đến”, ông Thơ cho biết. Theo Chủ tịch Đà Nẵng, trong Đế án, UBND thành phố đã xác định mục tiêu, lộ trình, các công nghệ áp dụng và 53 chương trình, dự án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỷ đồng để triển khai xây dựng thành phố thông minh; cụ thể: trong năm 2019 và năm 2020, Đà Nẵng dự bố trí 345 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện, kết hợp với khoảng 600 tỷ đồng từ hợp tác với các doanh nghiệp.
Để triển khai xây dựng thành phố thông minh thành công, Đà Nẵng đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng cần phải thực hiện. Đó là giải pháp hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín và đến nay UBND thành phố đã ký với 06 đối tác như: VNPT, FPT, Viettel, VietinBank, SeaBank, Công ty BRG. Tiếp đó là là giải pháp tiếp cận công nghệ; tiếp cận tư vấn của các chuyên gia, giải pháp chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp và các địa phương; đó là ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư, bố trí tài chính trong quá trình triển khai: như hợp tác công tư PPP, thuê dịch vụ…
“Hội nghị là dịp quan trọng để các cơ quan, tổ chức của thành phố tiếp cận, thảo luận với các đối tác, các chuyên gia trong và ngoài nước về mô hình, giải pháp, công nghệ, chính sách để áp dụng, triển khai các hệ thống ứng dụng thông minh tại TP. Đà Nẵng thành công, hiệu quả, đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.
Smart City Summit là sự kiện quốc tế thường niên được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC… giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp.