Đà Nẵng “nở rộ” loại hình cho vay lãi nặng và nhiều hệ lụy!

(PLO) - Hoạt động “tín dụng đen” (vay nóng lãi suất cao - PV) tại TP Đà Nẵng thời gian qua được các lực lượng chức năng vào cuộc truy quét, mạnh tay xử lý nhiều đối tượng vi phạm đến từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội…  Đáng nói, loại hình tội phạm cho vay lãi nặng này đã gây ra rất nhiều hệ lụy và đang có chiều hướng bùng phát mạnh trên địa bàn.

Đó là lo lắng, bức xúc được cử tri phản ánh tại là Chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ 4 được HĐND TP tổ chức hôm qua (6/11). Đây là hoạt động thường niên của HĐND TP để nắm bắt kiến nghị, ý kiến cử tri về các vấn đề của TP.

Tội phạm “tín dụng đen” lộng hành

Phòng Công tác chính trị - Công an Đà Nẵng cho biết, qua xác minh, lực lượng Cảnh sát hình sự Đà Nẵng đã phát hiện trên địa bàn TP có 326 đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê để thu thập tài liệu, chứng cứ, sẵn sàng xử lý thời gian tới. Trong số này, đa phần người ngoài địa bàn, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên… đến Đà Nẵng thuê nhà tạm trú, tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng ở các chợ và khu dân cư. Đặc biệt, Công an Đà Nẵng đã phân công lực lượng theo dõi chặt 13 trường hợp núp bóng doanh nghiệp để hoạt động hình thức cho vay lãi nặng. 

Vụ án Nguyễn Hùng Dũng giết người và cướp tài sản liên quan cho vay lãi nặng bị tuyên tử hình
Vụ án Nguyễn Hùng Dũng giết người và cướp tài sản liên quan cho vay lãi nặng bị tuyên tử hình

Theo Thượng tá Phạm Sỹ Nguyên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Đà Nẵng, thủ đoạn của đối tượng là cho vay tiền số lượng ít và không cần thế chấp tài sản. Người vay chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu gốc đã có thể nhận được tiền ngay. Ngược lại, muốn vay kiểu tín chấp dễ dàng như vậy, người vay phải chịu lãi suất “cắt cổ” theo ngày, tuần hoặc tháng. Cụ thể, nếu vay 5 triệu đồng, mỗi ngày phải trả góp 200.000 đồng. Có trường hợp, cho vay 10 triệu đồng trong vòng 10 ngày phải trả cả gốc lẫn lãi 13 triệu đồng.

Thực tế, dạo quanh các khu dân cư tại Đà Nẵng, không khó để chứng kiến và nhận tờ rơi được dán khắp với nội dung: “Cho vay không thế chấp - thủ tục đơn giản. Sổ hộ khẩu và CMND (bản chính) hoặc đăng ký xe máy chính chủ. Liên hệ 0934881.84x”; “Cho vay vốn nhanh. Đóng 30-40-50 ngày. “Cầm đăng ký xe (80% giá trị xe). Không thế chấp. Lãi suất ưu tiên. Bảo mật thông tin (giới thiệu có phần trăm hoa hồng dài lâu”... “Số đối tượng này còn mang tờ rơi đến tận từng nhà trong khu dân cư, chủ yếu cho người dân lao động và sinh viên để chào mời, khiến nhiều người thiếu hiểu biết pháp luật và đang trong tình trạng nợ nần “cắn câu”, Thượng tá Bình chia sẻ thêm. 

Đáng nói, hoạt động cho vay lãi nặng là mầm mống phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Thực tế, nhiều vụ án liên quan đến “tín dụng đen” đã xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng và đã để lại nhiều hệ lụy đau lòng.

Đơn cử mới đây, Công an huyện Hòa Vang bắt giữ 2 đối tượng Trần Mạnh Cường và Lê Minh Đức (cùng ngụ Hà Nội) về hành vi cướp tài sản. Cụ thể, anh Nguyễn Thanh Ngọc (44 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có vay tiền của công ty, nơi 2 đối tượng Cường và Đức làm việc, nhưng chậm trả lãi. Do đó, cả 2 đối tượng đã đánh đập và ép anh Ngọc phải viết giấy cầm xe máy với số tiền 8 triệu đồng để trả nợ.

Cùng thời điểm cuối tháng 10 vừa qua, Công an quận Liên Chiểu bắt giữ nhóm 5 đối tượng gồm Nguyễn Trung Công, Mai Văn Tùng, Trần Văn Nam, Đào Hồng Quân và Đinh Quang Hoàn do nghi can Nguyễn Trung Công (SN 1988, đều quê quán ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) cầm đầu, vào Đà Nẵng thuê nhà ở đường Nguyễn Xí (phường Hòa Minh) làm địa điểm cho vay lãi nặng từ tháng 6/2018.

Để lôi kéo người có nhu cầu vay tiền, nhóm này quảng cáo thủ tục vay đơn giản. Sau đó, đối tượng chọn những phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ, cần vốn buôn bán, vay từ 5-10 triệu đồng/người với lãi suất trên 20%/tháng, rồi thu tiền góp 200.000 đồng/ngày. Hàng ngày, con nợ mang tiền góp đến nộp tại 70 Nguyễn Xí, nếu người nào không đến nộp trong ngày, Công sai đàn em đến tận nhà thu. Bước đầu cơ quan chức năng xác định có 40 - 50 người từng tham gia vay tiền của nhóm này với con số hàng trăm triệu đồng.

Gần nhất, tháng 10 vừa qua, cũng liên quan đến “tín dụng đen”, TAND TP Đà Nẵng đã đưa ra xét xử sơ thẩm lưu động đôi vợ chồng “hờ” Nguyễn Hùng Dũng (SN 1969), Lê Thị Phương Oanh (SN 1968) về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Vì thiếu nợ quá nhiều, cộng với lãi suất tiền nợ qua thời gian cứ tăng lên, Dũng và Oanh đã giết chết chủ nợ, phi tang xác để xù nợ. HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Dũng mức án tử hình; bị cáo Oanh mức án chung thân.

Công tác ngăn chặn gặp nhiều khó khăn 

Tuy nhiên, theo Cơ quan điều tra, dù số vụ xảy ra nhiều nhưng có rất ít bị hại trình báo bởi những lý do tế nhị... Chính điều này đã gây ảnh hưởng không ít đến công tác phát hiện, phòng ngừa cũng như điều tra, xử lý loại tội phạm này. 

Tại Chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ 4, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng Phan Thanh Long cũng đã nêu lên nhiều lo lắng, bức xúc của cử tri trước những diễn biến xấu đi của tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn liên quan thực trạng bùng phát gần đây của nạn “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng.

Trả lời cử tri, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê được cử tri cả nước quan tâm. Không chỉ ở Đà Nẵng mà hiện xuất hiện nhiều địa phương và nở rộ trong 3- 4 năm gần đây. Sở dĩ loại hình này có đất sống là do nhu cầu vay vốn trong dân, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Loại tội phạm cho vay lãi nặng này đánh trúng tâm lý của người vay ở chỗ nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, thậm chí không gần biết mục đích vay là gì…

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên chia sẻ về loại hình tội phạm cho vay lãi nặng tại Chương trình HĐND với cử tri lần 4
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên chia sẻ về loại hình tội phạm cho vay lãi nặng tại Chương trình HĐND với cử tri lần 4

Đây vốn là quan hệ dân sự bình thường, tự nguyện giữa hai bên và không có sự tố tụng nên nó diễn ra âm thầm. Chỉ đến khi người vay không trả được, mới bắt đầu kéo theo việc đòi nợ, gây thương tích, bắt giữ người trái phép, khủng bố tinh thần người thân, thậm chí đã có trường hợp giết người… Đến lúc đó người bị hại mới báo công an. Do vậy công tác phòng ngừa, ngăn chặn của lực lượng công an mới gặp phải nhiều khó khăn.

Thiếu tướng Viên thông tin thêm, theo thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm qua có trên 7.000 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê. Các địa phương trong cả nước cũng đang xử lý rất quyết liệt vấn đề này. Riêng ở Đà Nẵng, từ đầu năm 2018 đến nay đã thống kê có khoảng 46 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê.

Cung cấp thêm thông tin đến cử tri Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên chia sẻ, trong tháng 11 này, lãnh đạo Công an Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó Công an các quận Liên Chiểu, Sơn Trà qua rà soát đăng ký quản lý cư trú đã chủ động tiến hành kiểm tra và đã bắt giữ 2 vụ liên quan đến “tín dụng đen”. Vụ ở quận Sơn Trà đã phối hợp với VKSND tiến hành khởi tố, đang khẩn trương điều tra đưa ra truy tố trước pháp luật để  răn đe; còn vụ ở Liên Chiểu đang mở rộng điều tra, tiến tới khởi tố, xử lý.

Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, ngoài công tác nghiệp vụ của lực lượng, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng cũng đề ra một số giải pháp khác. Trong đó chỉ đạo Công an cơ sở phối hợp với các Tổ tuần tra 8394 của TP Đà Nẵng tăng cường tuần tra, mật phục bắt quả tang và phối hợp với cơ quan văn hóa - thông tin xử lý các đối tượng dán tờ rơi, áp phích quảng bá cho hoạt động cho vay lãi nặng . Đồng thời phối hợp tuần tra, xử lý ngay tại cơ sở số đối tượng có biểu hiện tụ tập ban đầu để đến khống chế những người có vay nợ…

“Chúng tôi hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Công an TP, trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn cuối năm, tình hình cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê cũng sẽ giảm để giải quyết tình trạng bất an trong dân!”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói. 

Đọc thêm