Đà Nẵng: Phán quyết của Tòa Liên Chiểu chưa thuyết phục, rất cần tòa cấp trên đánh giá khách quan

(PLVN) - Quy trình xử lý vi phạm hành chính có dấu hiệu chưa tuân thủ pháp luật. Hành vi đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhưng lại tiếp tục bị xử lý hình sự. Đó chỉ là một số điểm đang rất cần làm rõ trong vụ án “Chống người thi hành công vụ” mà TAND Quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đưa ra xét xử hôm 27/9.
Đà Nẵng: Phán quyết của Tòa Liên Chiểu chưa thuyết phục, rất cần tòa cấp trên đánh giá khách quan

Có dấu hiệu lạm quyền

Nguồn cơn của vụ án như thế nào? Xin được tóm tắt từ bản Kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố số 87 ngày 31/8/2020 của chính Cơ quan CSĐT Công an Quận Liên Chiểu.

Theo đó, khoảng 7h ngày 4/8/2020, Nguyễn Văn Cường tổ chức cho 4 người khác tiến hành xây dựng công trình vệ sinh tại nhà ở tổ 4, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng.

Đến 8h, ông Trần Văn Cửu (công nhân duy tu bảo dưỡng đường truyền tải thông tin tín hiệu đường sắt thuộc Xí nghiệp thông tin tín hiệu đường sắt Quảng Nam Đà Nẵng) phát hiện việc xây dựng có “dấu hiệu vi phạm”, ảnh hưởng đến đường dây thông tin đường sắt. 

Không liên lạc được với chủ hộ, khoảng 8h30, ông Cửu tiến hành lập biên bản kiểm tra số 01/QTGTĐS có sự tham gia của một số người là cán bộ quy tắc quận và phường. “Sau khi lập biên bản xong, không có chủ hộ, tổ quy tắc tiến hành tháo dỡ hoàn toàn phần xây dựng vi phạm”, KLĐT nêu.

Tới khoảng 13h cùng ngày, Nguyễn Văn Cường tiếp tục tổ chức cho các thợ xây xây lại. Đến 16h30, lãnh đạo phường (theo bản án sơ thẩm là Phó chủ tịch UBND Phường Đặng Văn Kiên) sau khi nhận được tin báo đã chỉ đạo Tổ cơ động thực hiện phòng chống dịch Covid-19 gồm 4 người (3 cán bộ quy tắc, 1 dân quân) đến kiểm tra, xử lý công trình xây dựng trái phép. 

Sau khi lập biên bản nhưng phía gia đình không hợp tác, tổ công tác báo cáo về phường đề nghị hỗ trợ lực lượng để tiến hành xử lý. Trưởng công an phường đã điều động 3 cán bộ công an phường đến hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự cho tổ quy tắc thực hiện nhiệm vụ.

Tới khoảng 17h15, “tổ quy tắc đã tiến hành tháo dỡ phần xây dựng trái phép vừa được xây dựng xong vào buổi chiều”. Khi ông Nguyễn Thương (cán bộ quy tắc) xô đổ bức tường xây gạch thì giữa hai bên xảy ra xô xát, dẫn đến kết quả 5 người (3 người trong gia đình Cường) bị khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử với tội danh “Chống người thi hành công vụ”.

Từ diễn biến sự việc trên có thể thấy, khởi phát từ việc làm có dấu hiệu vi phạm hành chính, hơn nữa chỉ là việc xây nhà vệ sinh rộng chừng 4m2 vốn không quá nghiêm trọng nhưng đã trở thành một vụ án hình sự có 3 người trong một gia đình vướng lao lý tù tội. Vì sao lại thành ra như vậy? Bài học về cách xử lý vi phạm ở Hải Phòng, ở Tây Nguyên chắc vẫn còn nóng hổi. Trong nhiều nguyên nhân tạo nên “điểm nóng” thì cách hành xử của cán bộ với dân là một điều cần được thẳng thắn nhìn nhận. 

Vụ xô xát bắt nguồn từ sự việc rất nhỏ (hình chụp từ clip do người dân cung cấp).
  Vụ xô xát bắt nguồn từ sự việc rất nhỏ (hình chụp từ clip do người dân cung cấp). 

Quay trở lại vụ án, điều đầu tiên dư luận thấy chưa thuyết phục là quy trình xử lý vi phạm hành chính có dấu hiệu chưa tuân thủ trình tự theo quy định của pháp luật. 

Ở lần phá dỡ 1, người phát hiện là công nhân duy tu bảo dưỡng đường truyền tải thông tin tín hiệu đường sắt. Biên bản do người này lập là “biên bản kiểm tra”, không phải biên bản vi phạm hành chính. Lĩnh vực xử lý thuộc ngành giao thông. Hơn nữa, chưa có quyết định xử lý vi phạm nhưng tổ quy tắc đã tiến hành tháo dỡ hoàn toàn. Vậy đã đúng chưa?

Ở lần phá dỡ 2, dù đã lập biên bản nhưng cũng chưa có quyết định xử lý vi phạm, tổ quy tắc đã tháo dỡ. Luật sư Nguyễn Đăng Vỹ - Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hành vi của tổ quy tắc như trên là chưa tuân thủ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thông tư 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính Phủ.

Một câu hỏi khác được đặt ra là, tổ quy tắc có chức năng và quyền chủ động phá dỡ công trình vi phạm (nếu có) không? 

Đối chiếu với Đề án Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra Quy tắc đô thị quận, huyện và Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường (ban hành kèm Quyết định 4307/QĐ-UBND năm 2017 của UBND TP Đà Nẵng) thấy rằng, lực lượng này chỉ được tổ chức thực hiện, phối hợp các lực lượng, địa phương có liên quan trong việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy định của pháp luật, giải phóng mặt bằng “theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền”. 

Như vậy, rõ ràng, nếu chưa có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, tổ quy tắc không được tự ý phá dỡ công trình vi phạm. Trong vụ án này, có hay không lỗi từ phía lực lượng quy tắc để dẫn đến việc người dân bức xúc, phản ứng quá đà? Đó là điều hội đồng xét xử cần xem xét công minh.

Một hành vi không thể bị xử lý hai lần?

Vấn đề thứ hai cũng được dư luận đặt ra là: Việc truy tố, xử lý hình sự đối với những người trong vụ việc đã thỏa đáng hay chưa?

Theo KLĐT, xô xát giữa người dân với tổ quy tắc, cán bộ công an phường Hòa Hiệp Nam đã khiến cho một số người bị thương tích. Tuy nhiên, các thương tích này đều không đáng kể. 

Cụ thể, theo kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại TP Đà Nẵng, tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của anh Nguyễn Thương (cán bộ quy tắc) là 04%, anh Trần Quốc Huy (công an) là 00%, anh Lê Đức Thành Tâm, Phạm Viết Tiến đều là 01%. Không những thế, quá trình điều tra, cả bốn người trên đều “không yêu cầu khởi tố”, “không yêu cầu bồi thường những thiệt hại gây ra”.

Do không đủ căn cứ để khởi tố tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, ngày 28/8/2020, Cơ quan CSĐT Công an quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt hành chính mỗi người 2,5 triệu đồng về hành vi “Xâm hại đến sức khỏe người khác, quy định tại điểm e, khoản 3, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ”. Người vi phạm đã chấp hành xong việc nộp phạt.

Đối với hành vi tập trung đông người trong thời gian cả thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/8/2020, Công an quận Liên Chiểu đã có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND quận xử phạt vi phạm hành chính.

Người vi phạm đã chấp hành xong việc xử phạt hành chính
 Người vi phạm đã chấp hành xong việc xử phạt hành chính

Vụ việc đến đây tưởng chừng kết thúc… Nhưng điều tréo ngoe là cũng trong ngày 31/8, Công an quận Liên Chiểu lại ký Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 5 bị can (trong đó có 3 người trong gia đình là: Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Hướng (cha Cường), Nguyễn Thị Chiến (mẹ Cường) cùng về tội “Chống người thi hành công vụ”. Đây là một quyết định rất khó hiểu?!

Xem xét hồ sơ vụ việc, một nguyên thẩm phán TAND cấp cao cho rằng, hành vi xô xát dẫn đến thương tích và việc vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg đã được xử lý, kiến nghị xử lý bằng biện pháp hành chính nhưng hội đồng xét xử cấp sơ thẩm vẫn đưa vào để đánh giá, nhận định “xâm phạm đến sức khỏe của những người đang thi hành công vụ” và kết án tội “Chống người thi hành công vụ” là chưa thỏa đáng. 

Đồng quan điểm, Luật sư bào chữa Nguyễn Đăng Vỹ kiến nghị HĐXX cân nhắc bởi “một hành vi không thể bị xử lý hai lần”. Điều này còn trái với quy định tại Điều 62,63 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Rất tiếc, ý kiến này lại bị HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng “không đúng” nên “không chấp nhận”.

Mong một phán quyết công bằng

Lý giải về việc làm nhà vệ sinh trong lúc đang có Chỉ thị giãn cách xã hội, bà Nguyễn Thị Chiến giãi bày: Trước khi dịch xảy ra tại TP.Đà Nẵng, hàng ngày, con trai bà đi làm, tối mới về nhà. Tuy nhiên, từ khi có dịch, các thành viên đều phải ở nhà. Trong thời gian này, một phần nhà vệ sinh bị hư hỏng bốc mùi hôi thối nên đã mua gạch, cát về xây sửa lại để đảm bảo vệ sinh môi trường. 

“Do cán bộ một cửa nghỉ dịch nên gia đình không xin phép được. Hơn nữa, gia đình tôi thiết nghĩ chỗ làm sơ sài, không xây dựng kiến cố, không làm ảnh hưởng đến các hộ dân kế cận, bên cạnh đó, vì hạn chế hiểu biết không nắm được thông tin tạm dừng xây dựng nên đã cho thi công. Trong lúc mâu thuẫn, tôi và chồng bị đánh. Con, cháu thấy vậy bất bình mới xảy ra xô xát. Gia đình tôi hoàn toàn không có ý chống lại người thi hành công vụ”, đơn cứu xét của bà Chiến gửi đến nhiều cơ quan trình bày.

Quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan CSĐT, Viện KSND quận Liên Chiểu cũng đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ. Cáo trạng nêu: Quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, lần đầu phạm tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Bị can Nguyễn Văn Hướng là người có công với cách mạng, được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, là con của Liệt sĩ và Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, cháu nội Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; bị can Nguyễn Thị Chiến là người có công với cách mạng…

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị: Nguyễn Văn Cường từ 12-15 tháng tù; Nguyễn Văn Hướng từ 6-9 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Thị Chiến từ 6-9 tháng cải tạo không giam giữ. 

Thế nhưng, sau gần 2 giờ nghị án, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy tuyên án nặng hơn cả mức viện kiểm sát đề nghị. Theo đó, Nguyễn Văn Cường 18 tháng tù; Nguyễn Văn Hướng 9 tháng tù; Nguyễn Thị Chiến 9 tháng tù cho hưởng án treo; Nguyễn Ngọc Cường 15 tháng tù, Phan Xuân Hiếu 6 tháng tù.

Dẫu vẫn biết, việc xét xử là “độc lập” và chỉ tuân theo pháp luật thế nhưng mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên khiến không chỉ các bị cáo mà nhiều người dân địa phương cũng chưa đồng tình. Nguồn cơn vụ việc khiến ba người trong một gia đình vốn có truyền thống cách mạng trở thành bị cáo là điều rất cần được xem xét toàn diện. Quá trình xử lý cũng cần được nhìn nhận khách quan, tuân thủ pháp luật để không những đạt lý mà còn thấu tình.

Trong bộ phim truyền hình dài tập về một vị quan xét xử nổi tiếng, có tiếng công chính, liêm minh, sau khi phán quyết bao giờ ông cũng hỏi bị cáo: có phục không? Mong muốn này xin được gửi đến HĐXX TAND TP.Đà Nẵng (do các bị cáo đã có kháng cáo), hy vọng phán quyết phúc thẩm thực sự khiến các bị cáo, người dân tâm phục, khẩu phục!

Đọc thêm