Đặc sắc kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm của người Dao tiền

(PLO) - Từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao tiền, những sợ cây đay, lanh ẩn mình trong rừng chỉ sau một thời gian đã tạo ra những tấm thổ cẩm bền đẹp, may thành những khăn, váy, áo lộng lẫy. Người Dao tiền với bí quyết dùng sáp ong để đo độ chính xác, sau đó mới in hoa hoa văn lên trang phục khiến cho tấm thổ cẩm tinh tế mà rực rỡ, bền đẹp.
Đặc sắc kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm của người Dao tiền

Xã Hoa Thám huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) hiện có 311 hộ, 1.442 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao sinh sống chiếm khoảng 90%. Xóm Nà Chắn được coi là một trong những cái nôi văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao tiền thuộc tỉnh miền núi Cao Bằng.

Từ lâu, ngoài việc lên nương rẫy, xuống chợ, chị em người Dao tiền còn dành thời gian để quay sợi, dệt vải làm nên những bộ trang phục mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình với những hoa văn vô cùng tinh tế, hài hòa.

Theo phong tục từ xưa, con gái người Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình. Bởi thế, khi còn nhỏ, các thiếu nữ được bà, mẹ truyền dạy bí quyết, quy trình dệt vải thổ cẩm. Những công đoạn giản đơn đến phức tạp, các chi tiết nhỏ đến cách nhuộm lại tấm áo chàm cho mới khi đã bạc màu… tất cả đều được hướng dẫn tỉ mỉ cho đến khi tự tay thêu được những bộ quần áo truyền thống dân tộc để mặc lúc ở nhà, đi chợ, đám cưới, lên nương... Người Dao tiền coi trọng việc thêu thùa đến nỗi khi nhìn vào quần áo của người đang mặc là có thể biết được người con gái, phụ nữ đó có khéo léo hay vụng về.

Theo nhiều phụ nữ ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình cho biết, tính tất cả các công đoạn, trung bình một bộ trang phục truyền thống của người Dao phải dệt, thêu mấy tháng mới hoàn thiện. Các hoa văn, trang sức bạc trên trang phục của phụ nữ Dao tiền mang nhiều hình ngôi sao, cánh tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ; những hình con vật trong núi rừng cũng có nhưng xuất hiện ít hơn.

Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, bằng chính đôi tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ Dao. Vải được nhuộm chàm, công việc này khá phức tạp với nhiều công đoạn. Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thêu thổ cẩm là sợi cây đay, lanh có sẵn tại địa phương. Người dân tự trồng cây chàm trên nương vào tháng hai, tháng ba, đến tháng sáu, tháng bảy âm lịch thì thu hoạch.

Để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính như: trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm vải rồi thêu. Cũng khá giống với dân tộc Tày, hiện nay thổ cẩm là loại vải chủ yếu để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình, như: chăn, địu, tấm trải gối, trải giường, đồ trang trí nội thất, những chiếc túi xách và cả túi đựng điện thoại xinh xắn.

Những họa tiết, hoa văn được in trên thổ cẩm của phụ nữ Dao làm ra cũng khá độc đáo bằng cách tạo thành khung nhỏ để chấm sáp ong. Để in hoa văn được đều, đường in mượt sáp ong được đặt trong đĩa, đun nóng trên bếp than hoa hoặc củi để nhỏ lửa. Tránh không được để lửa cháy quá to hoặc bị khói đen khi chấm sáp sẽ không được đẹp. Dùng công cụ in là cây trúc vót mỏng. In hoa văn trên vải đòi hỏi sự tỉ mẩn để đường in không bị cong và rối rắm.

Nhuộm chàm là công đoạn tiếp theo sau khi in bằng sáp ong. Trước khi nhuộm vải, cần ngâm vải vào nước lã rồi ngâm tiếp vào nước chàm, vải ngâm trong nước chàm khoảng 30 phút rồi vắt bớt nước đem phơi nắng, làm như vậy nhiều lần đến khi được màu vải ưng ý mới thôi. Để có tấm vải chàm đẹp, công đoạn nhuộm vải phải kéo dài từ 10 đến 15 ngày.

Vải nhuộm có màu vừa ý thì đem nhúng vào nồi nước nóng để sáp ong khô chảy ra được hoa văn màu chàm rất đẹp. Có nhiều dân tộc cũng in hoa văn, thêu vải thổ cẩm như Tày, H’Mông, Nùng... nhưng cách in hoa văn này hiện nay chỉ còn thấy ở nhóm người Dao tiền.

Chị Đặng Thị Xuân Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nà Chắn cho hay: “Việc làm thổ cẩm truyền thống, chúng tôi vừa có thể giữ gìn nghề của tổ tiên để lại vừa có thể kiếm thêm thu nhập và cũng là cách để thu hút khách du lịch đến địa phuơng.

Năm 2012, Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng (DECEN) phối hợp với Công ty TNHH MTV Đại An (TP Cao Bằng) thành lập tổ sản xuất thêu thổ cẩm dân tộc Dao ở xóm Nà Chắn gồm 17 thành viên. Tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng để mua nguyên vật liệu như: Vải đay, chỉ thêu,... hỗ trợ 50% kinh phí mua 4 máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 bàn là và được tập huấn về cách thêu, cách xây dựng kế hoạch.

Được biết hàng năm vào trung tuần tháng 11, tổ cử 1 hoặc 2 người cùng Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng mang sản phẩm đi quảng bá tại Hội chợ thương mại, triển lãm tại TP HCM, Hà Nội... Từ năm 2012 đến nay, các thành viên trong tổ thêu gần một nghìn sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá từ 15 nghìn - 10 triệu đồng, chủ yếu do khách đặt hàng trước.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng bày tỏ sự lo ngại bởi hết năm 2014, dự án kết thúc, khi đó nếu không duy trì được việc liên hệ cung cấp nguyên vật liệu, tìm đối tác đặt hàng để có đầu ra ổn định thì khó có thể duy trì hoạt động thường xuyên của tổ sản xuất. Điều này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nghề truyền thống của địa phương, trong khi hiện nay hầu hết chị em trong tổ đều là những người có tâm huyết mong muốn nghề truyền thống của mình được khôi phục sau thời gian dài mai một”.

Từ những tấm vải thổ cẩm truyền thống chủ yếu dùng để phục vụ sinh hoạt, những sản phẩm của phụ nữ ở đây trở thành hàng hóa được quảng bá rộng rãi tới các miền và du khách nước ngoài. Bằng đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ Dao tiền đã thêu lên những hoa văn độc đáo, mang biểu trưng của tâm linh, tín ngưỡng người Dao nói chung và nhóm dân tộc Dao tiền nói riêng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đọc thêm