Lùng mua hạt dổi rừng cổ
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Anh Tuấn ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) chuyện buôn bán các loại đặc sảnTây Bắc cho biết, dổi rừng và mắc khén là hai loại hạt đặc trưng để làm gia vị ẩm thực. Song, hạt dổi rừng thơm và ngon hơn hạt mắc khén, đồng thời, giá bán cũng cao hơn hạt mắc khén gấp cả 7-8 lần vì độ ngon và hiếm của nó.
Theo anh Tuấn, bà con Tây Bắc thường dùng hạt dổi làm gia vị chấm, gia vị ướp các món ăn đặc sản như: thịt bò khô, lợn khô, trâu gác bếp, các món nướng,...
Song, anh Tuấn cũng tiết lộ, dổi rừng có hai loại, trong đó, một loại cho hạt cứng và mùi hắc (gọi là dổi tẻ), loại này thường không ăn được; loại thứ hai là dổi nếp, hạt có mùi thơm hay được bà con vùng dân tộc dùng làm gia vị thay thế cho hạt tiêu và ớt.
Ngay cả hạt dổi rừng nếp cũng được chia ra làm nhiều loại, như dổi rừng cổ được thu hoạch từ những cây dổi trên 30 năm, có hạt màu đỏ, khi chín rụng xuống đất và được người dân thu nhặt về phơi khô. Loại này được gọi là hàng loại 1 vì cực kỳ hiếm, giá bán ngoài thị trường thường ở mức trên dưới 4 triệu đồng/kg.
Loại hai kém hơn chút bởi loại này được thu hoạch từ những cây có tuổi đời ít hơn. Còn loại thứ ba là dổi do dân trồng, hạt thường có mùi hắc, nướng lên không nở căng như dổi rừng. Riêng với loại thứ 4 là nhái dổi rừng, hạt to, bóng, đen, nướng lên không nở, mùi rất khó chịu. Do đó, nếu mua ăn thì chỉ nên mua loại 1 và loại 2, anh Tuấn cho hay.
Cũng theo anh Tuấn, nhu cầu mua hạt dổi rừng vào thời điểm cận Tết tăng cao, đặc biệt là loại dổi rừng cổ. “Tôi đã đi một số chợ ở Tây Bắc, hạt dổi rừng bày bán rất nhiều nhưng đa phần đều là hàng nhái. Hàng thật đã được các nhà hàng, quán ăn, đầu mối thu gom hết rồi”.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Sản phẩm này khác biệt với các loại khác do to gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng, vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, vị bùi, thơm ngậy.
Nhiều năm nay, hạt dẻ được bán tại các địa phương đồng bằng, song theo một số chủ hàng, thực tế diện tích hạt dẻ hiện có của địa phương chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong vòng một tháng (từ tháng 10 đến tháng 11). Do đó, nguồn hàng rất dễ bị trà trộn loại hạt từ Trung Quốc nhập về. Hiện giá bán các loại từ 70.000 đến 150.000 đồng mỗi kg tùy loại (sống hoặc rang chín).
Óc chó rừng
Chỉ nhỏ bằng quả nhãn và giá rẻ bằng nửa óc chó ngoại nhập, vài năm nay, óc chó rừng Việt Nam cũng là một trong những sản phẩm được nhiều người tìm mua dịp Tết. Theo một số cửa hàng, loại quả này được thu hoạch tại các khu rừng thuộc Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.
Óc chó rừng để được khá lâu, nên nhiều người mua số lượng lớn, bóc vỏ ăn dần. Ngoài ăn vặt, loại hạt này cũng có thể chế biến thêm một số món, như rang với vừng hoặc bơ, ăn khá lạ miệng. Trên thị trường có nhiều mức giá bán khác nhau nhưng dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng một kg.
Hạt bí đen
Được trồng tại Hà Giang, Tuyên Quang trên nương của người H'Mông, lại là loại giống đặc thù của địa phương nên những quả bí sau khi thu hoạch có loại hạt khác hoàn toàn với hạt bí thông thường. Ngoài màu đen, hạt khá chắc, mẩy, ngậy và thơm. Loại hạt này được nhiều trang bán hàng online rao dịp Tết năm nay với giá dao động 250.000-300.000 đồng một kg tùy loại.
Hạt thông
Mới xuất hiện trên thị trường vài năm nay nhưng loại hạt này được nhiều người ưa chuộng bởi các quảng cáo tốt cho sức khỏe. Chị Thanh - chủ một cửa hàng chuyên bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm) cho biết từ đầu tháng đến nay, riêng đơn hàng hạt thông đã nhận khoảng 100kg. "Nếu so với hàng ngoại nhập, giá bán hạt thông nội địa đang rẻ 200.000-300.000 đồng mỗi kg, chất lượng không kém nên thời gian gần đây khách hàng ưu tiên hạt nội địa", chị cho biết.
Hiện trên thị trường có hai loại: một là nguyên hạt và loại đã tách vỏ với giá bán dao động khoảng 450.000-500.000 đồng mỗi kg.