Sự trầm tĩnh của Á đông
Giãn cách xã hội đã được thực hiện gần chục ngày và như thông tin mới đây có khả năng thời gian giãn cách sẽ còn kéo dài thêm. Đến thời điểm này, đối với người Việt Nam, giãn cách không phải là điều gì quá bất ngờ bởi trước đó cuộc sống đã từ từ chậm lại bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Từ những ngày tháng 2, những mặt bằng kinh doanh ở các thành phố lớn bị trả về rất nhiều. Nhiều nhà hàng, khu vui chơi đóng cửa, nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự hay giảm bớt ngày làm. Bởi thế, cho đến thời điểm giãn cách, mọi sự diễn ra như một điều tự nhiên, người Việt dễ dàng chấp nhận.
Tuy nhiên, với rất nhiều người ở nhiều quốc gia khác, giãn cách xã hội là một điều không mấy dễ dàng. Không nói đến câu chuyện về kinh doanh hay phát triển kinh tế, chỉ nói đến chuyện ở yên trong nhà, hạn chế giao tiếp hay hướng vào bên trong gia đình. Một doanh nhân người Mỹ, kinh doanh tại Singapore mắc kẹt ở Việt Nam trong thời điểm này đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhìn thấy người Việt tuân thủ hầu như tuyệt đối khuyến cáo của Chính phủ về giãn cách xã hội.
Đa phần người Việt chịu ở yên trong nhà, phố phường vắng lặng. Với ông điều này mang một nét đẹp rất riêng. Điều này khiến vị doanh nhân ngạc nhiên cũng dễ hiểu, bởi ông sinh sống, làm việc và từng công tác ở rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Ở nhiều nơi không chỉ ngày đêm hầu như không khác nhau mà người dân cũng không bao giờ ngừng nghỉ những hoạt động của mình.
Thời gian qua thế giới cũng chứng kiến, ở những thời gian đầu mùa dịch chạm đến những nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Ý,… bất chấp những khuyến cáo về việc không nên ra đường, hạn chế tụ tập, giãn cách xã hội,… thì người dân, đặc biệt là giới trẻ ở những quốc gia ấy đôi khi vẫn bỏ qua những khuyến cáo.
Lý lẽ mà nhiều người đưa ra là dù cho đại dịch đi nữa cũng không thể ngăn cản họ hưởng thụ cuộc sống, không thể ngăn cản họ tiếp tục sống và làm việc theo như mong muốn của mình. Có lẽ khó mà bàn đến quan niệm nào đúng hay sai ở đây nhưng đại dịch rõ ràng đã cho thấy sự khác biệt trong tư duy giữa phương Tây và Á Đông.
Đó không còn chỉ là những mặt ưu việt của những quốc gia phát triển, những quốc gia phương Tây như người ta thường thấy. Đến lúc này sự trầm tĩnh và hướng nội của phương Đông lại khiến cho thế giới ngạc nhiên.
Thực tế đã chứng minh nhiều quốc gia châu Á trong thời gian qua đã làm rất tốt việc chống dịch, khống chế Covid-19, đó không chỉ bởi tính kỷ luật, tính tuân phục, mà có một nguyên nhân sâu xa hơn ít người chú ý đến đó là nền tảng văn hóa khác nhau giữa Đông và Tây. Người phương Tây với bầu nhiệt huyết sôi sục luôn muốn tiến lên và đi về phía trước, luôn muốn chinh phục và không ngừng nghỉ.
Còn người Á Đông thâm trầm, sâu lắng, vẫn thường dành những thời gian nhất định trong cuộc đời mình để im lặng, chiêm nghiệm hay suy ngẫm. Trong đại dịch, việc ở yên hay giãn cách xã hội đối với người Á Đông thực chất không phải là điều quá khó khăn như đối với người dân đã quen với chuyển động của phương Tây.
Người Việt làm gì ở nhà?
Nhưng ai bảo ở nhà là không thú vị? Thực chất, có rất nhiều thứ mà khi ngồi yên người ta mới phát hiện ra sự hay ho của nó. Thống kê từ một trang web thương mại điện tử mới đây cho thấy được thói quen của người Việt lúc ở nhà trong thời gian này thông qua các từ khóa trên internet. Đó là việc tìm kiếm các video hướng dẫn về tập thể dục, luyện yoga, gym, tìm kiếm những bộ phim hay, những chương trình học anh văn hay các khóa dạy nấu ăn online…
Rõ ràng không chỉ có phim ảnh mới là thú giải trí duy nhất của nhiều người trong thời gian này. Có người đã đùa rằng đại dịch đã biến hầu hết những người phụ nữ Việt Nam thành những bà nội trợ đảm đang, bởi những hình ảnh về món ăn ngon tràn ngập các trang mạng xã hội.
|
Các cửa hàng đồng loạt đóng cửa tránh dịch. |
Thời điểm này, Facebook giống như trang chia sẻ về món ăn khổng lồ, nơi phụ nữ khoe những sản phẩm ẩm thực mà mình làm ra, hay trao đổi với nhau những kinh nghiệm nấu ăn quý báu. Facebook và Youtube cũng trở thành một lớp học kĩ năng - nơi chia sẻ kinh nghiệm “sống chậm mùa dịch”.
Chị Lê Thị Thu Trang, một giáo viên yoga ở quận Tân Bình chia sẻ: “Thời điểm dịch, tất cả mọi người đều phải ở nhà, việc dạy yoga của tôi cũng phải ngưng lại. Nhưng nói ngưng là ngưng ở mảng offline, còn online vẫn hoạt động rất sôi nổi. Tôi có một kênh riêng trên Youtube để dạy yoga cho các học viên của mình hoàn toàn miễn phí.
Hàng ngày đến đúng một thời điểm vào buổi tối, tôi sẽ livestream dạy các động tác yoga và các học trò online của mình sẽ thực hành tại nhà. Chúng tôi kết nối với nhau qua trực tuyến. Học trò của tôi từ những cô sinh viên cho tới những bà nội trợ trung niên. Rất may mắn là mỗi một buổi tôi phát trực tiếp như thế có đến hàng trăm người tham gia và tập luyện theo.
Tôi nghĩ Covid-19 có thể ngăn chúng tôi tập trung và thực hành yoga bên cạnh nhau nhưng không thể ngăn chúng tôi vẫn tiếp tục giữ gìn thân thể, làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của mình”.
Bởi bình yên là một lựa chọn
Cũng trong thời điểm giãn cách, rất nhiều người Việt đã có thêm nghề nghiệp mới. Người Việt vốn rất linh động và dễ thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống. Đại dịch diễn ra, ở yên trong nhà nhưng họ vẫn có những cách rất hay để mà tìm kiếm được niềm vui cũng như thu nhập cho riêng mình. Hiện nay số lượng người bán hàng online trong mùa dịch này dường như đã tăng lên gấp bội phần.
Tận dụng việc thay đổi thói quen từ mua sắm trực tiếp thành trực tuyến, rất nhiều người đã trở thành người kinh doanh trên mạng. Họ tận dụng trang cá nhân của mình, biến nó thành công cụ đa năng từ bày tỏ cảm xúc cho đến mở shop bán hàng, kiêm quảng cáo hàng hóa cho mình. Từ việc buôn bán những món đồ có thể thu hoạch tại nhà, ở quê như nông sản, vật nuôi hay những đồ thủ công, nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình.
Một số người bỗng nhiên trở thành người bán, ươm và giao cây giống tận nơi, như anh Lê Văn Thiện ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM. Anh Thiện trước đây vốn là nhân viên của một công ty truyền thông làm việc tại quận 3. Đợt nghỉ dịch, công ty anh đóng cửa. Để giải khuây anh mua cây, ươm cây tạo hình. Những sản phẩm cây cảnh của anh khi đăng lên facebook được nhiều người khen ngợi, từ đó anh nảy ra ý định buôn bán những sản phẩm cây do tự mình tạo hình, ươm giống.
Hai tháng mùa dịch trôi qua, anh Thiện đã trở thành một người bán cây cảnh có thu nhập đủ chi dùng trên mạng xã hội. Nhiều doanh nhân, thay vì than vãn, muộn phiền bởi công việc làm ăn đình trệ, doanh thu sụt giảm, đã dũng cảm đối mặt và tìm sự bình yên trong tâm hồn bằng cách tăng cường các hoạt động thiện nguyện, giúp người nghèo.
Một doanh nhân Việt kiều, thời điểm kinh doanh mặt hàng thiết bị thông minh đóng băng, anh cùng ekip nghĩ ra một sản phẩm thông minh đầy ý nghĩa, đó là máy ATM thay vì rút tiền lại rút ra… gạo, hỗ trợ cho người nghèo, với phương châm “cố gắng không để ai bần cùng sinh đạo tặc”.
Tương tự, không ít người tự khám phá ra những sở trường chưa phát lộ vì cuộc sống bận rộn cơm áo, gạo tiền hàng ngày. Không chỉ về tiền bạc hay kinh tế, nhiều người bắt đầu có thời gian để thực hiện những ước mơ mà ngày thường mình không làm được. Có người thì học một loại nhạc cụ, người ngồi xuống tập tành viết lách, người bắt đầu học một môn thể dục sau hàng chục năm không đụng đến.
Bằng một cách nào đấy, thật lạ lùng là người Việt đang thích ứng khá tốt với đại dịch. Tất nhiên như thế không có nghĩa là mọi việc đã ổn. Còn rất nhiều thứ bất ổn, rất nhiều sự chênh vênh, đối mặt với khó khăn về tài chính, với miếng cơm, manh áo, với sức ì của cuộc sống hay những người phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Không ai muốn đại dịch kéo dài, ai cũng mong muốn những chuỗi ngày này mau kết thúc để được trở lại với cuộc sống bình thường, kể cả dù phải đối mặt với những lo toan, vất vả.
Nhưng trong cuộc đời không phải lúc nào người ta cũng được như ý mình. Điều đơn giản là người ta có quyền lựa chọn thái độ sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người ta không thể tránh một cơn giông đang kéo đến. Nhưng trong giông bão vẫn có thể tìm được bình yên, bởi vì bình yên không chỉ là sự sắp đặt của số phận, bình yên còn là sự lựa chọn của tâm hồn.