Đại diện Bộ Y tế "lên tiếng" trước những tiêu cực trong ngành

"Đối với các vi phạm liên quan đến chuyên môn y tế, phải khẩn trương giải quyết. Cái nào thuộc sự quản lý của Bộ thì Bộ giải quyết, cái nào thuộc Sở thì Sở giải quyết. Tóm lại, phải làm rõ đúng sai trên tình thần công khai, minh bạch, xử đúng người, đúng vi phạm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhất theo quy định của pháp luật", TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nói về chủ trương của Bộ trong xử lý tiêu cực trong ngành.

[links()]Dư luận “dậy sóng” sau sự việc bệnh nhân (BN) bị tử vong tại một phòng khám đông y có người Trung Quốc làm việc ở Hà Nội, vụ “ăn” film tại một BV trong Nam, gần đây nhất là vụ “ăn bớt” vắc xin ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội... TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trao đổi những vấn đề liên quan, thể hiện quan điểm, chủ trương của Bộ chủ quản về vấn đề chống tiêu cực trong ngành.

- Là người phụ trách hoạt động pháp chế của ngành, xin ông cho biết quan điểm của về các hành vi nêu trên. Chủ trương của Bộ Y tế như thế nào trong việc xử lý các tiêu cực?

-  Đúng là các vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành y tế, đạo đức của người thầy thuốc và các nhân viên y tế. Đối với những nhà quản lý lại càng đau lòng hơn. Xuất phát từ lợi ích kinh tế, các vi phạm đó vẫn xảy ra, mặc dù không nhiều. Cũng phải thấy rằng, những hoạt động của ngành y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Chính vì thế những tiêu cực này làm cho dư luận bức xúc hơn so với các ngành, lĩnh vực khác.

Thực tế, những vi phạm này, dù thuộc Bộ Y tế hay Sở Y tế quản lý thì cũng đều đã được xử lý một cách tương đối nghiêm khắc. Để từng bước khắc phục hiện tượng này, một mặt Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về chuyên môn.

Ví dụ, nếu quản lý vắc xin thật chặt sẽ không có chuyện “ăn bớt” vắc xin. Bên cạnh đó, cần có sự lãnh đạo, giám sát của chính GĐ, Trưởng các khoa, phòng; đồng thời tạo cơ chế để người bệnh tự giám sát các hoạt động. Đặc biệt, khi có khiếu nại, tố cáo, các cơ quan phải giải quyết và xử lý. Nếu sai phạm thì phải xử lý, kỷ luật thật nghiêm khắc để làm gương cho những người khác, góp phần hạn chế các tiêu cực xảy ra.

Đối với các vi phạm liên quan đến chuyên môn y tế, phải khẩn trương giải quyết. Cái nào thuộc sự quản lý của Bộ thì Bộ giải quyết, cái nào thuộc Sở thì Sở giải quyết. Tóm lại, phải làm rõ đúng sai trên tình thần công khai, minh bạch, xử đúng người, đúng vi phạm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhất theo quy định của pháp luật.

- Bộ Y tế đang tiến tới siết chặt hơn kỷ cương trong hoạt động khám chữa bệnh. Cụ thể, quy định đó được thể hiện trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ông có thể cho biết rõ hơn về các quy định này?

-  Để bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người dân, đồng thời bảo vệ quyền của người hành nghề, phát huy nghĩa vụ của người hành nghề được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trên cơ sở các quy định chuyên môn (quy định chế độ vào viện, ra viện; hội chẩn; hồ sơ bệnh án; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; chế độ kiểm thảo tử vong…).

Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên tập huấn, nâng cao chuyên môn cho cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm hành nghề một cách nghiêm túc; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thái độ ứng xử đúng mực với người bệnh, nâng cao y đức; có chế độ kiểm soát bên trong bệnh viện, (kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các khoa, phòng, thầy thuốc, Ban GĐ bệnh viện và bên ngoài bệnh viện (bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế); giám sát của Hội đồng nhân dân, Quốc hội, đặc biệt là sự giám sát của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân

 Nếu những việc này được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, không hình thức, bao che… thì việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ được thực thi tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hạn chế các tiêu cực trong ngành.

- Trân trọng cm ơn ông.

Hải Long (thực hiện)

Đọc thêm