Tiền tỉ bay theo tàn tro
Ngay những ngày đầu tháng 7 âm lịch, trên các đường phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều gánh hàng rong bán đồ mã: quần áo, mũ mão thần linh… Con phố Hàng Mã, Lương Văn Can… bày bán các loại vàng mã đủ màu sắc phục vụ nhu cầu khách hàng. So với năm trước, năm nay, giá cả các mặt hàng vàng mã đều tăng gấp 2 - 3 lần bởi giá nguyên vật liệu, công vận chuyển tăng. Nếu sắm đủ bộ lễ cơ bản gồm: quần áo, nón mũ, dép guốc, tiền vàng, ti vi, xe máy, nhà cửa… thì đã cần 400 - 700 nghìn đồng. Bên cạnh đó, không ít người còn tới tận nơi sản xuất đặt hàng cho đúng ý nguyện bất kể tốn kém.
Những năm qua, tục đốt vàng mã đã gây ra sự lãng phí lớn về mặt kinh tế cho xã hội. Năm nay, giá vàng mã cao hơn năm ngoái do giá nguyên liệu tăng. Tuy vậy, sức tiêu thụ mặt hàng này không hề giảm, đồng nghĩa với việc có hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ đồng sẽ bị thiêu rụi trong dịp Rằm tháng Bảy này. Nếu trung bình mỗi gia đình mua 50 nghìn đồng tiền vàng mã, với 27 triệu hộ gia đình thì chỉ một mùa lễ Vu lan, các gia đình “đốt” khoảng 1.350 tỷ đồng.
Đó còn chưa kể tới nhiều vụ cháy nhà, gây thương vong thương tâm, thiêu rụi tài sản của nhiều người dân do đốt vàng mã. Đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, trên thực tế, những vụ cháy có liên quan tới đốt vàng mã chủ yếu là do sự bất cẩn, chủ quan của con người. Nhiều người đốt vàng mã không đúng nơi quy định, vị trí đốt vàng mã gần các vật dụng dễ bắt lửa, đốt vàng mã số lượng và khối lượng lớn, quá trình đốt vàng mã không có người trông coi để lửa cháy lan sang các vật dụng xung quanh...
Tránh tổ chức thu tiền mua lễ, không đốt vàng mã
Nhằm tổ chức trang nghiêm Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho đồng bào phật tử và Nhân dân, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ấn ký Thông bạch số 204/TB-HĐTS, ngày 15/7/2024 về Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024.
Thông bạch gửi đến Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN các cấp và các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni, tín đồ, cư sĩ phật tử thực hiện tốt các nội dung trong công tác tổ chức các ngày trong tháng Bảy âm lịch năm Giáp Thìn; chính lễ, ngày Rằm tháng Bảy năm Giáp Thìn (tức 18/8/2024); địa điểm tổ chức tại các cơ sở tự viện của GHPGVN; tưởng niệm, tri ân, cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang. Trong trường hợp tổ chức tại các địa điểm văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng phải được sự chấp thuận của chính quyền các cấp.
Ban Trị sự GHPGVN các cấp và các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni, tín đồ, cư sĩ phật tử tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; thăm và tặng quà tượng người có công với đất nước, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn; tổ chức đại lễ cầu siêu, thắp nến tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang; tụng kinh Vu lan, kinh Báo hiếu Phụ mẫu, kinh Mục Liên Sám pháp, kinh A Di Đà... cầu siêu tiến anh linh anh hùng liệt sỹ, cửu huyền thất tổ; thuyết giảng ý nghĩa Vu lan - Báo hiếu; nghi thức bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật công cha nghĩa mẹ.
Thông bạch lưu ý trong khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chánh pháp và nghi lễ truyền thống; không đốt vàng mã. Nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.