Chiến chinh từ thuở đôi mươi
Vùng Kinh Bắc hiền hoà, nằm gọn như một con rùa, riêng rẻo đất Kim Sơn (hiện thuộc Gia Lâm, Hà Nội) như cái đầu rùa nhô ra phía Thăng Long ghé đầu vào sông Hồng. “Nhất Linh Quy, nhì Đình Bảng” - đây là đất ăn chơi sành sỏi, vượt qua cả Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng sầm uất với hàng trăm triệu phú đô la. Khi được giới thiệu đến với nhà ông Trần Văn Khi (thôn Linh Quy Bắc) được dân chơi gà chọi khắp xứ tôn sùng, tôi thấy ngạc nhiên quá đỗi:
Nhà cửa rõ khang trang nhưng nhìn mấy cái chuồng gà thì như thể cái… lều của gã ăn mày. Mấy tay chơi gà đưa tôi đến thì thào: Những cái chuồng đấy ấy có từ thời xửa thời xưa rồi, nó ngấm máu gà chiến nhiều lắm rồi, gà nuôi ở đấy “say máu” lắm, lúc nào cũng phừng phừng muốn đánh nhau. Trước nhiều trận đấu quan trọng, các thợ gà quanh vùng còn vật nài để được gửi nhờ gà trong dãy chuồng này một đêm để lấy “khước”.
Khi tôi chỉ đại vài con gà trong sân hỏi giá để mua thì ông bĩu môi: “Gà qué gì cái ngữ ông? Chưa ngửi (xin lỗi)… cứt của nó mà đã hỏi giá thì đích thị ông là tay mơ. Ông đến có việc gì đấy?”. Thủng chuyện, ông bảo “Thế ông là nhà báo đi khắp nơi thì ông đã biết những loại gà chọi ác chiến nào?”. Trong các loại gà mà tôi biết thì có lẽ gà Miên lai gà rừng khi đánh nhau (Tôi gặp hồi đi công tác tại giáp ranh Thái Lan và Campuchia) là kinh khủng nhất.
Con gà còi cọc, tí xíu nhưng đã bập được cái mỏ cong của nó vào cổ đối phương thì nó liền nằm quay đơ giẫy đành đạch, xoay tròn thân mình dưới đất đến bao giờ đối phương rách cổ, tung máu, vỡ diều mà nằm quay ra thì nó mới đứng lên gáy te te báo tin chiến thắng. Ghê gớm đến thế thì thôi nhưng nghe nói qua, ông Khi bảo: “Vứt! Loại Việt gian chơi trò (lại xin lỗi)… bóp hạ bộ ấy ai gọi là gà chọi?”.
|
Ông Khi với con gà chọi Ngũ sắc nổi tiếng. |
Ông Khi lại tiếp: “Sao không mang giống gà hung dữ, to khỏe trên thế giới như gà trắng Ai Cập, gà cỏ Mông Cổ, gà mào đen Thổ Nhĩ Kì… ra mà chọi, nói thật là ngay một ả gà mái đang ấp cũng “ăn gọn” một anh gà chọi thiện chiến nhất nhưng đấy không phải là chọi gà”. Mà theo quan niệm của dân Kinh Bắc, chọi gà kiểu miền Nam theo có bọc cựa bằng vuốt sắt, tàn trận là có kẻ lăn quay ra chết cũng không phải là “chọi gà” nguyên bản thuần Việt.
Chọi gà kiểu “võ sĩ giác đấu này”, người chơi mất hẳn đi cái thú “thửa” cho mình những con gà chọi quý hiếm (nhiều con gà chọi đã trở thành huyền thoại trong giới chơi gà)…Hoá ra “chọi gà” là một phạm trù gì đấy phải đặc sệt Việt Nam, đúng hơn là đặc sệt Kinh Bắc.
Năm nay mới vừa 60 tuổi nhưng ông Khi đã lệch sườn ôm gà đi các trường gà khắp vùng Kinh Bắc từ hồi còn mươi tuổi. Hồi ấy, bố, chú bác ông là người đánh gà có tiếng, có tiếng sành sỏi nhưng cũng có tiếng khó tính. Đến hội gà nhưng không gặp gà đối thủ ưng ý thì không đánh, mang tiếng “sợ chết” cũng không sao. Những lúc ấy ông Khi dù bé con nhưng tức muốn nổ mắt nhưng sau bao năm lăn lộn với gà chọi ông mới thấy kiến thức ấy là đúng. Ông Khi thẳng thừng “Thế ông đánh nhau với thằng say rượu, thằng dặt dẹo… thì nếu thắng có vẻ vang gì cho cam”. Âý là một nhẽ, còn điều khác mà những tay chơi gà chọi khó tính sợ là: Cho gà mình đánh với gà “bẩn” dễ bị hỏng gà vì chúng sẽ ngay lập tức học các đòn thế của nhau.
Ông Khi cho biết, thời ông nội ông có con gà chọi Hoa mơ đầu tía (loại quái tướng dễ dến hàng triệu con gà mới có một con như thế) đánh hay nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Mỗi độ xuân về, các tay chơi khắp thành Nam (Nam Định), Hà Nội, phố Hiến (Hưng Yên) nô nức kéo về xem con Hoa mơ đầu tía đánh trận “Bát phương”. Gà đánh trận là một báu vật duy nhất chỉ có ở vùng Kinh Bắc, tức là một con gà chiến chỉ huy một đội vài con gà chiến đấu với đội gà khác. Huấn luyện được đàn gà đánh kiểu “quy mô” này thường chỉ đánh đến “Tứ phương” – tức là lập đội 4 con đã thuộc dạng “ngồi chiếu trên” của đất Bắc. Chính vì thế, con Hoa mơ đầu tía có khả năng chỉ huy trận đấu “Bát phương” có tới 8 cặp đấu thì đúng là kim cổ chỉ có một.
Những “quái kê” nhuốm màu huyền thoại
Con Hoa mơ đầu tía hồi ấy khiến dân chọi gà đất Bắc phục sát đất vì khả năng chọn cặp đấu của nó vào hàng siêu đẳng. Vào trận, nó không bao giờ chọn con gà mạnh nhất của đối phương mà lúc nào cũng chọn con yếu nhất. Sáp trận, sau đôi cước là chú gà đối phương hoặc nằm thẳng cẳng ra đất hoặc chạy mất mạng. Lúc ấy, nó mới thảnh thơi ngồi chờ các trận khác. Việc chọn gà đánh trận khó nhất một điều, không được loạn đả (hai con đánh một con hoặc đánh nhau lung tung), cặp nào đánh cặp đó, kết cục thắng thua đã rõ thì con khác mới được nhẩy vào. Chính vì thế, do được nghỉ ngơi, sức vẫn căng tràn vì chọn đối thủ yếu nhất nên hễ đồng bọn bị bật bãi là ngay lập tức con Hoa mơ đầu tía xông vào thế chỗ. Binh pháp “Lấy quân nhàn rỗi đánh quân mỏi mệt” lúc nào cũng đúng, có trận một mình con Hoa mơ đầu tía hạ gục tới 5 con gà đối phương theo kiểu “xa luân chiến”.
Thế nhưng một lần có đội gà dưới Phố Hiến (Hưng Yên) ngược sông Hồng đi lên thách đấu, và trận đấu ấy, con Mơ đầu tía đã làm ông nội ông Khi muối mặt. Bầy gà phố Hiến tuy đủ 8 con uy mãnh nhưng không có con chỉ huy chuẩn chỉnh – thường khi gà trận lao vào loạn đả thì con gà chỉ huy phải xông vào lôi những kẻ “đánh hôi” ra. Trận ấy, xong nhiệm vụ của mình (hạ gục nhanh tên yếu nhất đội đối phương), con Hoa mơ đầu tía thấy quân mình chỉ còn lại 5, quân kia còn 7. Lũ gà Phố Hiến chơi bẩn lao vào đánh hôi theo kiểu “hai đánh một” và hạ gục thêm một chú gà của đội con Hoa mơ đầu tía. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, con Hoa mơ đầu tía bỗng lao vào hỗn chiến như một thằng say hăng máu. Sượng hết cả mặt, ông nội ông Khi chuồn vội về nhà và từ đó trên “giang hồ” không còn ai được chứng kiến một trận “Bát phương” nữa và số phận con Hoa mơ đầu tía cũng đầy mơ hồ. Ông Khi bảo: “Ông tôi bảo cho bạn con gà ấy để làm giống, nhưng bố tôi sau này kể, ông tôi chặt đứt đôi cựa của nó đi, rồi nuôi trong hầm đất, cho nó lấy giống đúng hai lứa rồi ông tôi đánh sập hầm”. Nhắc lại trận “Bát phương” trứ danh khi xưa, ông Khi ngậm ngùi: “Ông nội tôi thì từ đó chỉ chơi chọi cặp chứ không chơi chọi trận nữa. Tôi cùng mấy anh em quanh vùng cố tập lại gà đánh trận nhưng khoảng đôi năm nữa may ra đánh được trận “Tứ phương” là giời đãi lắm rồi. Trận Bát phương chắc mãi mãi không lập nổi nữa”. Hiện trong nhà ông Khi, gà chỉ trên dưới đôi mươi con. Tất cả đều là gà nòi thuần Việt mà ông Khi đã biết đến tiểu sử cả tám đời nhà nó. Phàm người luyện gà mà hễ có con chọi nào danh tiếng thì chết cũng đành. Mà nghề này phải có duyên, có người cả đời luyện gà chả có con chọi nào có tên tuổi, ấy thế mà ông Khi có tới 3 chú chọi lừng danh, ai nhắc đến cũng khiếp.
|
Ông Khi với con gà chọi Ngũ sắc nổi tiếng. |
Điều lạ kì là 3 chú chọi thuộc hẳn 3 trường phái cơ bản: Thước thợ, nguyệt cung, chiều tà. “Thước thợ” thì vai cao, lối đánh từ trên đánh xuống, “nguyệt cung” đánh tầm thấp chủ yếu phá đòn đối phương, đã ra đòn thì cực kì tàn độc. Loại “chiều tà” thì hiếm như lông phượng, sừng lân, nhiều thợ gà còn khẳng định là nó chỉ ở trong truyền thuyết, loại này có thể uờn mình cho đối thủ đánh thoải mái như một con vật trì độn nhưng bất thần đối phương bỗng bỏ chạy mà không ai hiểu được lý do. Có người bảo nó biết điểm huyệt, người thì bảo nó biết cất tiếng kêu như con cáo bất thần doạ đối phương…
Tay “thước thợ” của ông Khi mang tên Xám đất phong lưu mã thượng, đúng dáng của một “Cẩm Mã Siêu”. Cũng khí khái, lịch sự mà kiêu kì như Mã Siêu trong Tam Quốc, mỗi lần giáp trận đánh nhau “tay bo” đều hất mũi giáo xua quân mình ra khỏi một tầm tên bắn (ý bảo “tao không thèm bắn trộm”), con Xám đất thường dợt vài vòng trước khi xáp trận, đối thủ vào bị dồn góc võ đài thì nó lại lùi lại dăm bước.
“Ông tướng” này đã đánh nhau thì chớ kể, có một năm vừa vô địch hội Sủi – Gia Lâm (3 – 3 Âm lịch), anh chàng này lại tiếp tục vô địch hội Phù Lưu - Đình Bảng sau đó chỉ 7 ngày. Ai xem cũng sướng, đối phương thua mà vẫn còn cười hỉ hả vì đòn thế đẹp quá.
Anh chàng Ngũ Sắc theo trường phải Nguyệt cung thì khỏi phải nói, chui lủi đánh đòn thấp rồi bất chợt tót lên móc đủ hai mắt của đối phương mà nhai bỏm bẻm. Chính vì kiểu đánh ghê rợn này mà thường cứ 5 trận thì có đến 3 trận chủ gà đối phương xin thua trước, mà cũng cũng chưa con chọi nào chịu được quá 2 hiệp với chàng Ngũ Sắc. Anh này giống như con hổ điên Hứa Chử cận vệ số 1 của Tào Tháo vậy.
Cái tên Ma dở của con gà đánh theo kiểu Chiều tà đủ cho thấy hình ảnh thảm hại của nó, như một nắm giẻ rách, nhiều nguời còn tưởng nó là gà mái nhưng đánh trận nào thắng trận ấy, không mất một giọt máu cả của ta lẫn của địch. Những mùa chọi gà sau Tết, hàng chục thợ gà lũ lượt đi theo con Ma dở khắp các sới gà chỉ với một mục đích: Xem nó ra đòn thế nào mà đối phương chạy mất dép cũng đành chịu ấm ức ra về (không thể hiểu nổi).
So sánh nó với Tư Mã Ý cũng không sai, bao lần đánh nhau với đệ nhất quân sư kim cổ Hán Vũ Đình Hầu Gia Cát Lượng có thấy ông Tư Mã trổ tài gì mấy đâu, thế mà cuối cùng Khổng Minh vẫn “Sao lạc gò Ngũ Trượng”, trước khi lìa đời còn đau khổ kêu rằng: “Cao xanh thăm thẳm – Hận này biết bao giờ nguôi?”. Tôi vốn thích Khổng Minh lên cũng ghét lây con Ma dở (Người ngợm thì đã xấu lại còn chơi bẩn). Câu chuyện tiếp theo khiến tôi đắc ý đôi phần.
Còn mấy người có tâm
Số là lần ấy, đánh trận dưới Văn Giang, Hưng Yên con Ma dở đột nhiên lại ra đòn tử tế, sau khi gào lên the thé như con… ma dở, nó vọt ra phía sau đối phương tung đòn, con gà kia hoảng hồn vì tiếng gào quái đản quay phắt lại tháo thân, lúc ấy cái cựa của con Ma dở vụt đến, một đằng tháo chạy, một đằng đánh cú mã hồi, sức mạnh khủng khiếp, chiếc cựa kéo toạc diều lên tận cổ. Cả hội gà hỉ hả vì được xem con Ma dở ra đòn, nhưng ông Khi lại choáng người, tái mặt.
Nhiều năm luyện gà, ông biết con Ma dở sắp bị “âm đón”, khi một con gà đánh “phá thế” là điềm gở chết. Sau đó hai ngày, bỗng nhiên chiến binh quái đản này chết trên tay ông Khi, không giẫy dụa mà chỉ lịm dần đi. Nhắc đến nó, ông Khi mắt còn rơm rớm, giờ đây, cặp chân con Ma dở vẫn được ông Khi giữ trên gác bếp như một báu vật. Phải mất bao năm mới có được một con như con Ma dở ấy.
Nói đến chuyện cờ bạc xung quanh các sới gà thì ông Khi “đau khổ” hết sức: “Cả đời tôi chẳng được việc gì, chỉ biết có gà chọi, vì ham miếng đánh, miếng móc, đòn bổ, đòn xéo… của gà. Bao năm trước thắng hội gà chỉ được một dàn phích nước, dăm bao thuốc nhưng vẫn phải sống chết với nó. Nay động đến chuyện chọi gà là nghĩ ngay đến chuyện cờ bạc. Cờ bạc lấy chuyện thắng thua là chính, làm thế là giết gà mà cũng giết chết tươi trò chơi thượng võ này. Có thằng còn bắt gà uống thuốc kích thích để đánh nhau “máu” hơn thì có khốn nạn không chứ?”.
Dân chơi chính hiệu này còn buồn hơn nữa khi giờ đây trên “giang hồ” dần mất đi các đối thủ, ông Khi bảo: “Người chơi gà thì không thiếu. Bây giờ, kinh tế phát triển, nhiều người đã có thể chơi gà chọi được nhưng tìm được đối thủ đánh cho “ra tấm, ra món” thì khó như mò kim đáy bể”. Mà chơi gà chọi, không có đối thủ thì buồn lắm, buồn vô cùng”
Chọi gà, môn thể thao thượng võ cổ truyền, thú chơi tao nhã được dân Kinh Bắc nâng niu, trân trọng vô cùng. Bởi những tố chất của những chú gà chọi khi lâm trận chính là những nét căn bản để hình thành lên con người quân tử đất quan họ: Dũng liệt mà thanh nhã, nghiêm trang mà duyên dáng. Nay thú chơi tuyệt kỳ, công phu ấy bị cảnh đời xô bồ làm hoen bẩn thì buồn, buồn lắm chứ.
Box: Nghề chơi cũng lắm công phu - Nuôi gà chọi thì khổ nhất bởi con gà kị với đủ loại nắng, gió, nước, nôi (có lẽ chỉ mỗi lá chanh là hợp). Ngoài chuyện thổi hơi, mớm nước… cho gà thì có lẽ chuyện chữa vết thương cho nó là tởm nhất. Nhai một hết một miếng trầu (không nuốt nước trầu) rồi lấy muối tinh đánh răng thật kĩ, 21 h đi ngủ, 24 h dậy không súc miệng đánh răng mà ra liếm lên vết thương cho gà đủ 7 lần. Chuyện này cũng có phần khoa học vì nước bọt tinh khiết của người có chất sát khuẩn rất tốt… nhưng kinh chết người lên được./.