Có thể nói, nghệ sỹ Nguyễn Đình Toán và Trần Định đều là “nhân chứng” của lịch sử. Một người nguyên phóng viên ảnh TTXVN, một người là “người” của Tạp chí Xưa & Nay. Cả hai đều nghèo, trạc tuổi nhau.
Nguyễn Đình Toán có hạnh phúc trong cuộc đời là được gặp gỡ rất nhiều nhân chứng lịch sử, ông chính là “Tổng giám đốc ngân hàng ảnh Thi nhân Việt Nam” như cách gọi của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trần Định có hạnh phúc là cuộc đời luôn được theo chân sự kiện. Trong hạnh phúc đó, đặc biệt là 2 nghệ sỹ có cơ hội gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi với các nhà báo, 28/12/1999. Ảnh Nguyễn Đình Toán |
Đại tướng Võ Nguyễn Giáp từ lâu đã là cảm hứng sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh. Đối với với Nguyễn Đình Toán và Trần Định cũng vậy. Như tên gọi của Triển lãm, lần này 2 nghệ sỹ trình làng những “khoảnh khắc”, Đại tướng gặp gỡ, trao đổi với những nhà văn hóa, chính khách không còn lạ như GS. Trần Văn Giàu, GS. Phan Huy Lê, nhạc sỹ Văn Cao, nhà chính trị Võ Thị Thắng, gặp gỡ nhân dân trên các chiến trường xưa nơi từng chịu nhiều gian khổ hy sinh, đóng góp lớn cho cách mạng.
|
Nghệ sỹ Trần Định và khách thăm Triển lãm bên bức ảnh Đại tướng thăm lại Mường Phăng của ông |
Đặc biệt những “khoảnh khắc” Đại tướng quan tâm đến văn hóa, giáo dục, gặp cựu chiến binh, bạn chiến đấu, các cháu học sinh... gây xúc động mạnh.
Trong phát biểu khai mạc triển lãm ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc chưa từng công bố” của Nguyễn Đình Toán và Trần Định, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét rất xác đáng: “Cảm ơn 2 nghệ sỹ, những khoảnh khắc qua ống kính 2 ông đã trở thành vĩnh cửu”.
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc chúc mừng nghệ sỹ Nguyễn Đình Toán và Trần Định |
Xin nói thêm, Nguyễn Đình Toán và Trần Định đều rất nghèo, cả cuộc đời tiền “nướng” hết vào ảnh, do vậy Triển lãm được tổ chức khiêm nhường, gồm 44 bức ảnh khổ lớn, không PR trước, trong và sau Triển lãm. Triển lãm mở cửa từ ngày 02/01/2019 đến 08/01/2019 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (266 đường Thụy Khuê, Hà Nộị).