Đắk Lắk: Rừng bị “xẻ thịt”, 4 kiểm lâm nhận kỷ luật

(PLO) - Mặc dù cơ quan chức năng đã không ít lần lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp xâm phạm rừng đặc dụng Nam Kar (Khu bảo tồn thiên nhiên Nam kar, thuộc tỉnh Đắk Lắk) nhưng sau đó nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên đưa máy móc vào tàn phá, lấn chiếm. Để xảy ra tình trạng trên, đã có 4 cán bộ kiểm lâm thuộc BQL rừng đặc dụng Nam Kar đã chịu trách nhiệm bằng hình thức kỷ luật. 
Cánh rừng đang bị đốt gần trạm kiểm lâm số 8
Cánh rừng đang bị đốt gần trạm kiểm lâm số 8

Tan hoang rừng đặc dụng

Tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất nhì cả nước, ở đây có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Hiện Đắk Lắk có khoảng hơn 200 nghìn ha rừng đặc dụng, trong đó Vườn Quốc gia Yok Đôn 115.000ha, VQG Chư Yang Sin 59.531ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô 26.484ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar 20.575ha, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng) 120ha, Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk 10.200ha. 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka là vùng núi cao hiểm trở, địa hình chia cắt phức tạp, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam với độ cao trung bình 700m so với mặt biển, điểm thấp nhất là hồ Ea Boune (418m) và cao nhất là đỉnh Nam Ka (1.294m), bao bọc bởi sông Krông Nô, chi lưu đầu nguồn sông Sêrêpốk. Rừng Nam Ka có nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng như Hổ, Beo, Voọc vá, Cầy giông, Gà lôi, Gà tiền, Cu li nhỏ.

Để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết đinh số: 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, với mục đích ban hành chính sách đầu tư, cơ chế phát triển rừng đặc dụng nhằm tăng hiệu quả đầu tư.

Đảm bảo việc giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng, đồng thời tăng tính chủ động của Ban quản lý rừng đặc dụng trong hoạt động quản lý, kinh doanh các dịch vụ trong rừng đặc dụng nhằm gia tăng nguồn thu tại các khu rừng đặc dụng trên nguyên tắc bảo tồn kết hợp với phát triển.

Gắn trách nhiệm của người sử dụng lợi ích của rừng với đầu tư phát triển và bảo vệ phát triển rừng đặc dụng, tăng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước; huy động được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng.

Hướng giảm dần biên chế nhà nước bảo vệ rừng đặc dụng, tăng dần sử dụng cộng đồng địa phương để bảo vệ rừng đặc dụng; đầu tư phát triển rừng đặc dụng nhằm bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường. 

Theo đó, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên, Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định để Ban quản lý rừng đặc dụng chủ động tổ chức thuê, khoán, hợp đồng cộng đồng dân cư tại chỗ, mua sắm trang thiết bị để quản lý bảo vệ rừng; mức trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích được giao; hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng; mức hỗ trợ mỗi thôn bản là 40 triệu đồng/thôn, bản/năm.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng với nhiều chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật nhằm tạo thêm nguồn thu để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng…

Tuy nhiên, thời gian vừa qua Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar đã và đang bị xâm hại tràn lan. Tại khu rừng thuộc Trạm kiểm lâm số 8 đã để xảy ra việc đốt rừng làm nương rẫy và huỷ hoại rừng. Tại tiểu khu 1023, diện tích khoảng 3 ha bị đốt trụi, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, để lấy lâm sản.

Sau khi chặt cây, lâm tặc đã nguỵ trang bằng cách đốt cháy toàn bộ diện tích phá để tạo hiện trường giả. Gỗ được vận chuyển bằng đường sông rất thuận lợi. Không những thế, tại rừng đặc dụng, người dân còn làm nhà để ở, đưa máy múc đào hồ tích nước.

Một diện tích khá lớn tại tiểu khu 1023 bị cạo trọc
Một diện tích khá lớn tại tiểu khu 1023 bị cạo trọc

Không chỉ có tiểu khu 1023 mà tiểu khu 1024 cũng bị xâm phạm khiến cảnh quan của hệ thống rừng đặc dụng bị thay đổi. Điều đáng nói, muốn đi vào được khu vực nói trên, phải đi qua sự kiểm soát của Trạm kiểm lâm số 8 của Ban quản lý này.

Mặc dù, ở khu vực bên ngoài trạm có bảng hiệu nghiêm cấm các phương tiện xe cơ giới vào rừng, nhưng việc ra vào rừng đặc dụng lại dễ dàng hơn cả di chuyển ngoài quốc lộ. Vì không bị cán bộ kiểm lâm kiểm tra, phát hiện.

Xác nhận về việc trên, ông Nguyễn Văn Nhật – Giám đốc BQL Nam Ka khẳng định: “Chúng tôi thành lập Trạm kiểm lâm số 8 là để ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng. Thế nhưng, việc người dân lấn chiếm rừng làm nương rẫy là có. Nguyên nhân, do lực lượng của chúng tôi rất mỏng, vị trí kiểm soát cách xa, đường đi lại rất khó khăn”.

Kỷ luật 4 cán bộ kiểm lâm

Ngay sau khi được báo chí phản ánh, Sở Thông tin – Truyền thông Đắk Lắk đã có văn bản số 385 về việc phản hồi thông tin báo chí, gửi Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn đề nghị xác minh làm rõ vụ huỷ hoại rừng đặc dụng thiên nhiên Nam Kar, có báo cáo phản hồi bằng văn bản, gửi UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở Thông tin – Truyền Thông tỉnh để phản hồi thông tin cho báo chí.

Ngay sau đó, BQL rừng đặc dụng Nam Kar lập tức rà soát và xác định có 4 điểm phát rừng, đốt rừng mà Trạm kiểm lâm số 8 đã phát hiện và lập biên bản trong tháng 2 và tháng 4/2018, với tổng diện tích rừng bị đốt phá, lấn chiếm là 6,55 ha, nhưng lại “chưa phát hiện được đương sự”. 

Ngày 8/5/2018 các đối tượng tiếp tục đốt dọn các diện tích đã phát lấn làm cháy lan rừng le tái sinh với tổng diện tích bị phát, đốt 3,56 ha. Trước đó, đơn vị cũng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp đưa máy múc vào rừng để múc ao trữ nước.

Ngày 13/5/2018, BQL rừng đặc dụng Nam Kar ra công văn họp kiểm điểm tập thể và cá nhân về việc để xảy ra phá rừng như báo đã nêu, và chỉ đạo trạm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR tại trạm kiểm lâm số 8.

Ngày 28/5/2018, dưới sự chủ trì của BQL, Trạm kiểm lâm số 8 đã tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân. Theo đó, 4 cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ phá rừng gồm các ông: Kỷ luật mức cảnh cáo ông Phan Bá Dũng phụ trách Trạm; Cách chức ông Lê Đình Tứ, Trạm phó; Khiển trách 2 nhân viên, trong đó 1 người bị luân chuyển công tác, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát.

Mặt khác, BQL rừng đặc dụng Nam Kar cũng phải tăng cường kỷ luật về quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên toàn địa bàn do đơn vị quản lý, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ đối tượng nào đã tham gia phá rừng, cùng chính quyền xã Bình Hòa rà soát, thống kê, đo đếm toàn bộ diện tích các hộ dân xâm chiếm canh tác trái phép, lập hồ sơ báo cáo UBND huyện Krông Ana xem xét, chỉ đạo xử lý.

Rừng đặc dụng là loại rừng được sử dụng vào mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Với diện tích rộng, lại có nhiều sản vật quý hiếm, những khu rừng đặc dụng ở địa phương đang lưu giữ nhiều giá trị quý giá cho quốc gia cũng như trên thế giới.
Nhưng rừng càng giàu bao nhiêu thì lâm tặc càng nhăm nhe đến bấy nhiêu, chỉ tính riêng tại VQG Yok Đôn trong năm 2014 đã phát hiện 873 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 57 vụ khai thác gỗ, 19 vụ săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật rừng, 522 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, vi phạm khác 274 vụ; tịch thu 1.739 phương tiện, 338 m3 gỗ quý hiếm.