Thời gian qua, BĐBP các tỉnh trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, chuyển giao các thông tin liên quan đến sự cố, tai nạn trên biển, phối hợp tốt trong việc điều động, huy động các lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại hiện trường... Từ đó, góp phần làm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất cho người, phương tiện khi gặp sự cố, tai nạn trên biển.
Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình rộng khoảng 65.000 km2. Đây là các khu vực thường xuyên xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, sự cố, tai nạn, đâm va tàu thuyền.
Năm 2018 đến nay, khu vực này đã chịu ảnh hưởng của 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và 9 đợt gió mạnh trên biển; xảy ra 425 vụ tai nạn/398 phương tiện và 1.770 người bị nạn. Hậu quả làm chết 67 người, mất tích 22 người, bị thương 20 người; chìm đắm, hư hỏng 182 phương tiện. Nguyên nhân chủ yếu do giông, lốc xoáy, sự cố, đâm va, cháy nổ, tai nạn rủi ro, một số ngư dân không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, chủ quan, bất cẩn khi hành nghề. Trước tình hình trên, các đơn vị trong khu vực luôn xác định rõ trách nhiệm, tầm quan trọng trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh hàng hải và TKCN trên biển.
Thực tế, việc TKCN trên biển rất khó khăn do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, vụ việc diễn ra trong đêm tối, thậm chí nhiều tai nạn liên tiếp xảy ra dẫn tới phải TKCN nhiều ngày. Ví dụ, 19h ngày 24/4, Bộ Chỉ huy BĐBP Thái Bình nhận được tin báo tàu HH78 của công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Hà đang hành trình từ biển vào công ty, không may có thuyền viên rơi xuống biển mất tích. Nạn nhân là ông Lê Bá Thành (SN 1973), quê quán tại xã Thuỵ Xuân, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.
Đang trên hành trình tìm kiếm thuyền viên mất tích, BĐBP Thái Bình tiếp tục nhận được tin báo, lúc 8 giờ ngày 25/4, phương tiện mang biển kiểm soát TB10377-TS do ông Tạ Đình Dũng (trú tại khu 9, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) làm thuyền trưởng đang khai thác thủy, hải sản trên biển có thuyền viên bị dây tời quấn làm gãy đùi phải. Mất nhiều giờ liền, đến 20h20 cùng ngày, nạn nhân đã được chuyển vào bờ cấp cứu, hiện sức khỏe đã ổn định. Sau thời gian tìm kiếm, đến 3 giờ sáng 26/4, các lực lượng đã tìm thấy thi thể ông Lê Bá Thành gần khu vực cửa sông Diêm Hộ. BĐBP Thái Bình đã cùng công ty Hải Hà đưa thi thể nạn nhân vào bờ và tiến hành các thủ tục bàn giao cho gia đình nạn nhân.
Thời gian tới, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ diễn biến bất thường; lưu lượng tàu thuyền hoạt động ngày càng tăng cả về số lượng và công suất máy; một số phương tiện chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật khi hành nghề tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, sự cố. Vì vậy Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành, các Hải đoàn cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải trong duy trì nghiêm túc công tác trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24/24.
Đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phòng chống thiên tai và TKCN; tăng cường theo dõi nắm chắc tình hình dự báo khí hậu thời tiết thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, thông báo, trao đổi, phối hợp kiểm tra, kịp thời xác minh các thông tin sự cố, tai nạn trên biển; thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo, huấn luyện và đánh giá tổng kết hoạt động TKCN trên biển, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống thiên tai, tai nạn.
Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn hàng hải; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, TKCN; tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão, làm tốt công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai, tai nạn, sự cố; khai thác có hiệu quả kênh thông tin TKCN giữa các đơn vị và giữa đơn vị với ngư dân; duy trì nghiêm chế độ ứng trực lực lượng, phương tiện, chế độ trao đổi thông tin và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị đã phối hợp cứu hộ cứu nạn được 218 vụ với 218 phương tiện và 1.114 người bị nạn trên biển đưa vào bờ an toàn. Tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền tập trung cho cán bộ, ngư dân ven biển với hơn 1.300 lượt ngư dân tham gia, tập trung vào Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc; Luật Biển Việt Nam 2012; Luật Thủy sản 2017; Nghị định 71/2015/NĐ-CP; Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép hải sản, nhất là sau khi Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo “thẻ vàng” với ngành đánh bắt hải sản Việt Nam; cấp miễn phí gần 2.000 phao cứu sinh và 300 túi thuốc y tế cho ngư dân.