Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước việc công nhân Công ty TNHH Ampacs International ở khu công nghiệp Bàu Bàng, Bình Dương xô cửa cổng đi về khi nghe tin công ty có ca dương tính với COVID-19, đã đặt ra yêu cầu phải có phương án phù hợp để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp

Bất ổn nếu không tuyên truyền tốt

Tối 10/7, cơ quan y tế ở Bàu Bàng xét nghiệm lần 1 và lần 2 phát hiện một cặp vợ chồng dương tính với virus SARS-CoV-2. Lực lượng chức năng đã phong tỏa nơi ở là khu nhà trọ và khu vực làm việc trong công ty tại khu công nghiệp Bàu Bàng của cặp vợ chồng này. Qua truy vết, cơ quan y tế phát hiện con gái họ làm việc tại Công ty TNHH Ampacs International nghi dương tính SARS-CoV-2 nên đã khoanh vùng 2 nhà xưởng C và D của công ty để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 650 công nhân.

Lực lượng y tế đến truy vết đúng lúc công ty cho tan ca ở các xưởng sản xuất khác, công nhân nghe tin tỏ ra lo sợ, xô đẩy cổng để bỏ chạy ra ngoài. Theo tìm hiểu, do công ty tuyên truyền chưa tốt, các công nhân tưởng đóng cửa bắt công nhân tăng ca thêm nên một số người đã xô cửa ra.

Ngay lập tức, lực lượng chức năng huyện Bàu Bàng phối hợp với ngành Y tế huyện và công ty đã kêu gọi, tuyên truyền các công nhân cần nêu cao tinh thần vì cộng đồng và giải thích việc xét nghiệm là vì đảm bảo an toàn, sức khỏe cho công nhân. Trong đêm, các công nhân đã hiểu và hợp tác quay lại công ty để phối hợp làm công tác truy vết, xét nghiệm nhanh COVID-19. Đến gần 2h sáng 11/7, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng đã lấy mẫu xét nghiệm xong cho 650 công nhân ở 2 nhà xưởng liên quan đến trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả ban đầu số công nhân này đều âm tính.

Những hình ảnh công nhân xô cửa được lan truyền trên mạng nhiều người lo lắng về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cũng như trách ý thức của công nhân.

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.305 ca mắc COVID-19, 2 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Tích lũy từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh Bình Dương đã thực hiện 57.255 mẫu xét nghiệm cho 130.003 lượt người. Bình Dương đang có gần 600 đội lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 150 đội là cán bộ, sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện cho tỉnh. Với lượng nhân lực trên, năng lực lấy mẫu của tỉnh có thể đạt trên 100.000 dân/ngày. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch vận động thêm và tập huấn cho lực lượng đoàn viên thanh niên, năng lực lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều hơn.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác tổ chức lấy mẫu. Cụ thể, những ngày qua, tỉnh gặp một số trục trặc do việc bố trí phương tiện, phân công chưa hợp lý, lập danh sách lấy mẫu còn một số lúng túng, tuy nhiên đến nay các khó khăn cơ bản đã khắc phục được. Công tác huy động người dân đến lấy mẫu đã được cải thiện hơn.

Cần có chiến lược thích hợp

Được biết, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 đã có những trao đổi, “hiến kế” với ngành Y tế tỉnh Bình Dương trong công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca bệnh.

Ông Dương Chí Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhận định, với số ca bệnh được phát hiện trên địa bàn tỉnh thông qua quá trình điều tra dịch tễ, đặc biệt nhiều ca bệnh là người lao động trong các khu công nghiệp được phát hiện mắc COVID-19 khi đến khám tại các cơ sở y tế, có thể nhận định trong cộng đồng nhiều ổ dịch đang âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình đó, năng lực RT-PCR của tỉnh chưa đến 5.000 mẫu đơn tương đương 50.000 mẫu gộp và 45.000 test nhanh là còn rất hạn chế. Tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng nâng cao năng lực PCR, đặc biệt là test nhanh. Mua sắm tối thiểu 500.000 test nhanh, thậm chí nhiều hơn để gối đầu cho những đợt lấy mẫu xét nghiệm sau.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã phường cần tham gia tích cực hơn trong công tác tổ chức phân luồng, đảm bảo khoảng cách tại các điểm lấy mẫu, tránh ùn tắc trong quá trình lấy mẫu. Đối với lấy mẫu trong cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cần có kế hoạch cụ thể. Không bố trí lấy mẫu tập trung với quy mô nhiều công ty. Việc lấy mẫu bố trí tại từng công ty, từng phân xưởng để đảm bảo khoảng cách.

Về chiến lược xét nghiệm, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng tầm soát được trong toàn cộng đồng để đánh giá rõ ràng về tình hình và nguy cơ lây nhiễm của toàn tỉnh và truy vết khoanh vùng sớm. Tuy nhiên, công tác tổ chức và triển khai lấy mẫu cần phải có chiến lược. Đối với phương pháp khẳng định RT-PCR, với năng lực hiện tại thì khả năng trả lời kết quả trong 24 giờ, trong khi số lượng mẫu quá lớn sẽ khó có thể đảm bảo được. Do đó, tỉnh cần cân đối số lượng mẫu, mẫu lấy cần có tập trung, trọng điểm ở những khu vực nguy cơ cao.

Trong giai đoạn hiện nay, chiến lược phối hợp giữa test nhanh và PCR sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác truy vết. Tỉnh cần ưu tiên thực hiện test nhanh, cho kết quả sớm, từ đó kịp thời nhận diện những mẫu có nguy cơ và khẳng định bằng PCR.

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 2787/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp nhằm giúp chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe và Nghề nghiệp - Bộ Y tế, việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch là biện pháp bảo vệ cho chính doanh nghiệp, người lao động cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Xuất hiện một trường hợp F0 có thể làm một phân xưởng tạm ngưng hoạt động, nếu không làm tốt, xuất hiện nhiều trường hợp F0 có thể ảnh hưởng đến nhiều phân xưởng, thậm chí là cả công ty với những thiệt hại vô cùng lớn.

Đọc thêm