Tuy nhiên, tại buổi làm việc của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với các tổ chức chính trị xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để nghe báo cáo tình hình, kết quả triển khai hỗ trợ của các tổ chức thành viên đối với nhân dân trong vùng thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết bất thường và bàn một số biện pháp tiếp tục hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại trong thời gian tới diễn ra sáng qua (12/5), nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ trước mắt, cần tính đến các phương án hỗ trợ lâu dài và phải công bằng để người dân không cảm thấy bị cô đơn và dần ổn định đời sống.
“Hỗ trợ 200 - 300 nghìn, người dân đi ăn uống một bữa là hết”
Trước những thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân vùng hạn hán, thiên tai, nhiều ý kiến đã đề xuất các phương án hỗ trợ lâu dài giúp nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa môi trường khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, thiết thực nhất là vận động các ngân hàng thương mại có chính sách cho người dân vay ưu đãi để đầu tư, tìm loại cây con cho phù hợp.
Bên cạnh việc đề xuất hỗ trợ nước sạch, bồn, bình chứa cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An đề nghị có hình thức hỗ trợ ngư dân mua thẻ bảo hiểm y tế.
Việc hỗ trợ cây, con ở thời điểm này chưa phù hợp bởi bà con chưa thể xuống giống, gia súc cũng chưa thể nuôi do thiếu thức ăn. Việc cấp máy lọc nước mặn cho người dân cần phải cân nhắc vì thiết bị có giá trị lớn, liên quan đến việc bảo quản, vận hành và sửa chữa.
Trong khi đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng trước mắt, vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long cần hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt, tưới tiêu, có giải pháp trữ nước, tránh thất thoát nước.
Với khu vực Tây Nguyên, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận thấy, hỗ trợ tiền cho các hộ dân sẽ không phát huy hết hiệu quả, vì nếu hỗ trợ 200 — 300 nghìn, người dân đi ăn uống một bữa là hết.
Việc làm thiết thực nhất lúc này là xây dựng mô hình chứa nước, tiết kiệm nước cho nông dân.
Tính tới sinh kế lâu dài
Ghi nhận và đánh giá cao MTTQ và các tổ chức thành viên đã chủ động đóng góp, hỗ trợ nhân dân bị thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống tốt hơn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý đến việc đảm bảo công bằng trong hoạt động hỗ trợ để người dân không cảm thấy bị cô đơn.
Trước mắt, cần hỗ trợ cho các ngư dân ổn định cuộc sống thông qua việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, giúp trẻ tiếp tục tới trường… “Việc hỗ trợ phải đặt trong bài toán đảm bảo đồng bộ và ổn định về mặt xã hội” — Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ đảm bảo ít nhất 10% số hộ được hỗ trợ trữ nước thông qua việc trang bị các bình chứa và MTTQ sẽ giám sát việc hỗ trợ đến tận cơ sở.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đề nghị phải nghiên cứu sâu, xây dựng đề án trang bị máy lọc nước mặn thành nước ngọt gắn với nhu cầu từng ấp, nếu được, nên chọn phương án mỗi tỉnh làm thử 1 trạm để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tổng thiệt hại gần 7.000 tỷ đồng Theo báo cáo tổng hợp của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây tổng thiệt hại ước tính 6.392 tỷ đồng. Về thủy sản chết bất thường gây thiệt hại ước tính khoảng 405,9 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại của hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ, tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ nghề cá, du lịch. Đến nay đã có 50,8 tỷ đồng đã được phân bổ hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn và thủy sản chết bất thường.