Đảm bảo tính tương thích của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

(PLVN) -Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại cuộc họp thẩm định dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) diễn ra chiều 15/6.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu kết luận cuộc họp
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu kết luận cuộc họp

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự.

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019). Các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bảo hiểm mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Đến nay, sau hơn 20 năm thi hành, các chính sách của Luật đã phát huy tác dụng, là căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm không còn thống nhất, đồng bộ với quy định hiện hành, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là rất cần thiết.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 77 điều, bổ sung 55 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 22 điều. Nội dung dự thảo Luật sửa đổi cụ thể hóa 7 nhóm chính sách bao gồm các nhóm chính sách hoàn thiện các quy định về: mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; mô hình quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch, an toàn cho các giao dịch bảo hiểm; khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bảo hiểm.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quang, Văn phòng luật sư Nguyễn Hồng Quang và cộng sự: Đối với các vấn đề về hợp đồng bảo hiểm nên áp dụng theo các quy định mang tính ưu việt của Bộ luật Dân sự, còn dự thảo Luật chỉ quy định vấn đề đặc thù như xác định hợp đồng bảo hiểm chia giá trị, vấn đề bồi thường thiệt hại ấn định... Về vấn đề phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, đây là nội dung phức tạp nên dự luật cần xác định rõ chủ thể nào nộp hồ sơ phá sản, trách nhiệm các bên và chủ thể liên quan, chi phí phá sản được chi trả thế nào?

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng cần làm rõ hơn vấn đề giới trong tham gia bảo hiểm để xác định được độ chênh lệch giới tính trong hoạt động này, từ đó có giải pháp thay đổi trong thời gian tới. Với đối tượng có thu nhập thấp nói chung và phụ nữ có thu nhập thấp nói riêng thì bảo hiểm vi mô có vai trò quan trọng, loại bảo hiểm này cũng được coi là trụ cột của an sinh xã hội và có nhiều đặc thù khác với bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên, quy định bảo hiểm vi mô theo dư luật lại dự kiến tổ chức theo loại hình bảo hiểm tương hỗ. Trong khi đó, trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào thành lập theo quy định tại Nghị định 18/2005/NĐ-CP của Bộ Tài chính. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm vấn đề này để khả thi trong thực tế, đồng thời đề xuất đổi tên Chương 4 từ "Bảo hiểm vi mô" thành "Tổ chức bảo hiểm vi mô".

Còn đại diện Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỏ ra băn khoăn đối với các biện pháp can thiệp được quy định trong dự luật. Cụ thể, biện pháp can thiệp sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm tự đề xuất và báo cáo Bộ Tài chính; biện pháp can thiệp sớm và biện pháp kiểm soát sẽ do Bộ Tài chính áp dụng đối với từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa xác định rõ tiêu chí để áp dụng đối với từng biện pháp và trách nhiệm cụ thể của Bộ Tài chính trong thực hiện các biện pháp này để đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng phá sản doanh nghiệp. Vì vậy, cần cân nhắc bổ sung nội dung này.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu rõ nội dung của dự án luật đã phù hợp với mục đích, yêu cầu đã được xác định tại Nghị quyết của Chính phủ, tuy nhiên cần làm rõ hơn mục đích nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật hiện hành. Thứ trưởng đánh giá dự thảo luật đã đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết 11-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần rà soát thêm các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại văn kiện Đại hội Đảng XIII.

Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm liên quan đến nhiều lĩnh vực như doạn nghiệp, đầu tư, hợp đồng, phá sản... vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định của dự thảo luật với các quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Bộ luật Hàng hải... để đảm bảo tính tương thích và lưu ý chỉ quy định các nội dung mang tính đặc thù. Ngoài ra, cần đánh giá các thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ để phù hợp với Luật Ban hành VBQPPL; lồng ghép giới để đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới; đánh giá sự tương thích với các Điều ước quốc tế, các nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo thi hành luật...

Đọc thêm