Một đám cưới đầy đủ nghi lễ, mọi người xúng xính áo quần đi đón dâu nhưng chỉ có di ảnh của cô dâu, chú rể. Tại nhà gái, đại diện nhà trai đặt di ảnh của đôi vợ chồng bên cạnh nhau, đôi mắt ai nấy đều đỏ hoe.
Đó là hình ảnh xúc động trong đám cưới của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm (1954 - 1979) và liệt sĩ Bùi Văn Lượng (1955 - 1979) ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) vào năm 2017.
Mới đây, những hình ảnh về đám cưới này được chia sẻ lại gây xúc động trong cộng đồng mạng.
Hơn 40 năm trước, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Tại Pò Hèn (Hải Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh), Hồng Chiêm và Văn Lượng đã anh dũng hi sinh.
|
Đám cưới của 2 liệt sĩ được đồng đội, gia đình chung tay tổ chức |
Ước hẹn thành chồng, thành vợ, cùng chăm con…
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý (SN 1952, Hải Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh) - bạn thân của đôi vợ chồng liệt sĩ nghẹn ngào chia sẻ, Hồng Chiêm quê Bình Ngọc (Móng Cái, Quảng Ninh) nhập ngũ năm 17 tuổi.
Người con gái có nước da trắng, mái tóc dài và giọng nói ngọt ngào là niềm thương nhớ của biết bao chàng trai. Ngoài sự năng nổ, giỏi bóng chuyền, cô còn hát hay, là cây văn nghệ của đơn vị.
|
Liệt sĩ Hồng Chiêm |
Năm 1975, Hồng Chiêm chuyển ngành về làm nhân viên mậu dịch và công tác trên Pò Hèn.
Tại đây, tình yêu giữa cô với hạ sĩ Bùi Văn Lượng (Quang Yên, Quảng Ninh) - công an vũ trang của đồn biên phòng Pò Hèn chớm nở.
Cửa hàng Hồng Chiêm làm cách đồn biên phòng không xa. Những buổi giao lưu văn nghệ, thể thao của nhân viên mậu dịch với đồn biên phòng, Chiêm không bao giờ vắng mặt.
Anh Văn Lượng thường cùng Hồng Chiêm song ca những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Giọng ca của họ cứ thế hòa làm một và tình yêu nảy mầm trong sự vun vén, ủng hộ của cơ quan, đoàn thể và đồng nghiệp.
Cả hai dành cho nhau tình yêu son sắt đáng ngưỡng mộ. Lúc gian khổ nhất, họ nhìn nhau để cùng cố gắng.
|
Vào mùng Một âm lịch hàng tháng, ông Lý vượt quãng đường 40km lên đồn biên phòng Pò Hèn thắp hương cho đồng đội. |
“Một lần Chiêm đi công chuyện cho cơ quan, tôi cũng tiện đường nên đi cùng. Khi kết thúc nhiệm vụ trở về, Chiêm hái một bó hoa chuông dành tặng người yêu. Đoạn đường 20 cây số, Chiêm ôm bó hoa một cách trân quý như tình yêu cô dành cho Lượng”, ông Lý nói.
Tháng 1 năm 1979, đúng Tết Nguyên đán, Lượng đưa bạn gái về ra mắt gia đình, tính chuyện ra Giêng tổ chức đám cưới.
Họ dệt bức tranh tươi đẹp về tương lai thành chồng, thành vợ và cùng chăm sóc những đứa con, dựng một ngôi nhà nhỏ, định cư ở mảnh đất Pò Hèn.
Ông Hoàng Như Lý đã đưa anh Lượng gặp đồn trưởng Vũ Ngọc Mai báo cáo tổ chức về ý định kết hôn. Đồn trưởng cùng đồng đội bàn kế hoạch, ngày cưới sẽ bố trí chi đoàn về tham dự.
Đám cưới chưa kịp thực hiện, cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Chiều hôm trước, tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng, Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng cửa hàng trưởng từ Tràng Vinh lên Pò Hèn chuyển hàng về tuyến sau theo lệnh cấp trên.
Sáng sớm ngày 17/2/1979, tiếng súng nổ vang trên bầu trời biên giới. Hoàng Thị Hồng Chiêm và các cán bộ, nhân viên cửa hàng Pò Hèn trở thành những người chiến sĩ nơi tuyến đầu của trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Người con gái đất mỏ yểm trợ cho đồng đội rút lui an toàn, đồng thời xin cấp trên cho ở lại sát cánh chiến đấu cùng người yêu và mọi người trong đồn.
Ông Lý vẫn nhớ như in hình ảnh Chiêm mặc chiếc áo dân quân, chân đi đôi giày vải, anh dũng chiến đấu.
Trong trận đánh, anh Lượng bị thương, Chiêm chứng kiến nhưng không đến được gần, vì địch nã pháo liên tục. Cô nhìn người yêu, ứa nước mắt, động viên anh cố gắng, còn mình tiếp tục nhằm thẳng quân thù mà đánh.
“Đây cũng là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau”, cựu binh Hoàng Như Lý bật khóc kể lại.
Quân địch ồ ạt xông lên, hàng loạt chiến sĩ của ta hi sinh. Cả hai người họ ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc, khi lời hẹn ước về ngôi nhà nhỏ chưa thành hiện thực.
Đám cưới đẫm nước mắt sau 38 năm hi sinh
Suốt nhiều năm, ông Hoàng Như Lý vẫn đau đáu với lời hứa năm xưa của mình với đồng đội.
“Tôi hứa với hai bạn, ngày cưới sẽ về dự, đưa đón dâu. Đến một ngày, tôi quyết định đi tìm và kết nối hai gia đình của liệt sĩ Lượng - Chiêm lại với nhau và lên kế hoạch tổ chức cho họ một đám cưới. Gia đình hai bên cũng hết lòng ủng hộ”, ông Lý nói.
Tháng 8/2017, đám cưới của hai liệt sĩ diễn ra trong khung cảnh đặc biệt. Cha liệt sĩ Lượng vẫn còn sống, đại diện cho nhà trai, còn nhà gái là em liệt sĩ Chiêm. Do điều kiện đường sá xa xôi nên lễ ăn hỏi, lễ cưới gộp làm một.
|
Gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lượng mang di ảnh đến nhà liệt sĩ Hồng Chiêm làm lễ xin dâu |
Toàn bộ nghi lễ, tráp xin dâu, trầu cau ăn hỏi, phong bao đỏ… được chuẩn bị chu đáo. Bạn bè của cô dâu mặc áo dài đỡ tráp ăn hỏi. Ông Lý làm chủ hôn.
Hành trình đón dâu khởi hành từ Hạ Long ra Móng Cái. Gia đình liệt sĩ Lượng đang sinh sống tại đây.
“Phía nhà trai chuẩn bị tiền lễ đen theo phong tục, chúng tôi lo toàn bộ chi phí còn lại. Đây cũng là cách để chúng tôi tri ân đồng đội đã ngã xuống”, ông Lý kể.
38 năm sau ngày mất, 2 liệt sĩ Lượng - Chiêm mới được về chung một nhà trước sự chứng kiến của gia đình, bạn bè và đồng đội.
Nghi thức diễn ra như các đám cưới khác nhưng chỉ có di ảnh cô dâu, chú rể. Tiếng kính thưa, kính gửi quan viên hai họ vang lên cũng là lúc nước mắt mọi người đều rơi.
Đám cưới diễn ra ngay tại ngôi nhà tri ân do địa phương xây tặng, làm nơi thờ cúng liệt sĩ Hoàng Chiêm.
“Gia đình nhà trai đem lễ vật và ảnh liệt sĩ Lượng đến nhà liệt sĩ Chiêm. Lễ xin dâu xong họ gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long, đánh dấu ngày hai người chính thức trở thành vợ chồng”.
|
Ảnh liệt sĩ Chiêm - Lượng được đặt trang trọng trên ban thờ của 2 gia đình |
Sau ngày cưới, trên ban thờ của 2 gia đình có thêm 1 bức ảnh. Vào dịp lễ, người thân vẫn làm mâm cơm, khấn gọi tên 2 người.
Mặc dù lúc còn sống, họ chưa có lễ trầu cau nhưng giờ đây, ở nơi xa, họ có thể mỉm cười viên mãn.