Những đám cưới gây xôn xao dư luận
Còn nhớ vài năm trước, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về những đám cưới được tổ chức với chi phí “khủng” để dựng rạp, tiệc cưới có quy mô lớn, gây xôn xao dư luận. Đơn cử ở Thái Nguyên, cuối năm 2018, một đám cưới với tổng chi phí trang trí được đồn đoán lên tới 4 tỷ đồng và được tô điểm với hơn 13.000 bông hoa tươi chuyển về từ Hà Nội. Không những thế, rạp cưới được dựng trên khu đất rộng 2.000m2 với cách bài trí lộng lẫy, xa hoa, được hơn 100 nhân công thực hiện liên tục, gấp rút trong 1 tuần trước hôn lễ.
Tương tự, một đám cưới lộng lẫy của cô dâu Quảng Ninh và chú rể Hải Phòng với không gian tiệc cưới được thiết kế như một cung điện nguy nga trong truyện cổ tích. Lễ kết hôn của cặp đôi này có sự góp mặt của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, thậm chí còn có sự tham gia của một dàn hòa tấu và các vũ công châu Âu. Mặc dù chi phí của đám cưới không được tiết lộ nhưng cư dân mạng ước tính về thiết bị, trang trí để có thể tổ chức hôn lễ của cặp đôi này khoảng 4,6 tỷ đồng.
Còn tại Vĩnh Phúc, cuối năm 2018, một rạp cưới trang trí xa hoa, lộng lẫy trị giá hơn 800 triệu đồng, dùng 100% hoa tươi cũng gây xôn xao dư luận. Cặp đôi là con trai của một đại gia. Rạp cưới được dựng trên khu đất rộng tới 1.000m2 và được chuẩn bị trong 2 tuần trước khi diễn ra hôn lễ. Đặc biệt, hôn lễ có sự góp mặt của ca sĩ Ngọc Sơn và một số nghệ sĩ nổi tiếng khác. Bên cạnh đó, còn có dàn nhạc giao hưởng, 2 ban nhạc, 2 đoàn vũ công và đạo diễn thiết kế sân khấu điều hành các tiết mục trong suốt quá trình diễn ra hôn lễ.
Hồi 2012, một đám cưới xa hoa đã khiến không chỉ dư luận Hà Tĩnh xôn xao. Đó là đám cưới của con một đại gia phố núi, bà Nguyễn Thị Liễu. Truyền thông trong nước đưa tin, đám cưới này được chuẩn bị ròng rã suốt một năm với lượng khách trong và ngoài nước lên đến vài ngàn người. Gia chủ phải tìm mua thêm đất tại trung tâm để có mặt bằng đủ rộng làm nơi tổ chức.
Theo người dân địa phương, đám cưới có số lượng khách mời lên tới 2.000 người. Trước lễ đón dâu 1 ngày, hàng chục xe ô tô tiền tỷ đã tập kết tại nhiều địa điểm từ trung tâm tới phố huyện Hương Sơn để chuẩn bị cho đoàn rước dâu gần trăm chiếc xe diễu hành từ đường mòn Hồ Chí Minh lên trung tâm…
Trên thực tế, những đám cưới được tổ chức quá xa hoa, lãng phí như vậy không nhiều, nhưng đã tạo luồng dư luận không tốt. Theo nhiều người, đó là việc không nên làm bởi những đám cưới như vậy gây tốn kém tiền của, công sức của cá nhân, gia đình đứng ra tổ chức và cũng phần nào ảnh hưởng đến những người đến dự. Nhiều người nhận định, đám cưới thời xưa thật vui, thời nay, đời sống khấm khá lên, dường như đám cưới đang đánh mất dần đi ý nghĩa thực của nó, thậm chí trở thành gánh nặng về tài chính đối với không ít người.
Theo nhiều chuyên gia, việc tổ chức đám cưới rình rang, hình thức ở một số đám cưới thời nay không chỉ gây lãng phí, phiền toái cho cả gia đình và người được mời, mà còn thể hiện sự phản cảm, thiếu văn minh trong nếp sống. Tục lệ cưới xin vốn dĩ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt nhưng không ít gia đình đã làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có.
|
Một đám cưới xa hoa lộng lẫy. |
Cũng theo nhận định của nhiều người, những đám cưới phổ thông nhất hiện nay cũng mời khoảng 100 mâm khách. Còn với những đám cưới được tổ chức xa hoa, lãng phí, chi hàng tỷ đồng cho việc trang trí, phông bạt, hậu trường, chưa kể đến cỗ cưới mời khách, dư luận cho rằng đây là một biểu hiện lố lăng, khoe mẽ, chơi trội, phản cảm, phản văn hóa. Bởi mục đích sâu xa của những đám cưới như vậy chỉ có chủ nhân buổi tiệc là rõ nhất, trong khi người đi dự các đám cưới ấy cũng phải băn khoăn quyết định giá trị tiền mừng.
Một đám cưới, cả làng ăn cỗ
Hiện nay ở một số vùng quê, chuyện cỗ bàn còn hết sức nặng nề, nhiều trường hợp dẫu khó khăn nhưng khi dựng vợ, gả chồng cho con vẫn phải mời cả làng để “bằng thiên hạ”.
Đám cưới ở quê thường bắt đầu trước ngày đón dâu 2 đến 3 ngày. Một ngày dựng rạp, trang trí nơi tổ chức liên hoan và làm lễ. Một hoặc 2 ngày tiếp theo là ăn uống liên hoan. Và ngày thứ 3 là đưa đón cô dâu và tổ chức dọn dẹp. Đám cưới ở các miền quê không chỉ rất chú trọng đến các nghi lễ truyền thống, mà còn phải tuân thủ tục lệ cưới của từng vùng miền khác nhau. Nếu chú rể và cô dâu ở hai miền khác nhau, việc chuẩn bị cho các nghi lễ truyền thống sẽ vất vả hơn, dễ gây tranh cãi, bất đồng trong quá trình thống nhất mọi thứ giữa hai nhà thông gia.
Chẳng hạn chỉ riêng việc thách cưới đôi khi cũng dẫn tới những hôn sự bất thành, hoặc thông gia “bằng mặt mà không bằng lòng”. Thách cưới là tục lệ từ thời phong kiến và đã được xóa bỏ từ lâu nhưng hiện nay ở không ít vùng quê vẫn còn tồn tại. Nhiều ông bố, bà mẹ nhà gái nghĩ rằng mình đã bao công chăm sóc, nuôi dạy con gái nên yêu cầu nhà trai phải mang sính lễ tương xứng mới được rước dâu về. Sính lễ càng nhiều, càng được họ hàng, làng xóm khen ngợi thì càng được “nở mày, nở mặt” với thiên hạ. Còn nhà trai, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đáp ứng ngay mà phải chạy vạy vay mượn rồi cuối cùng nợ nần lại “chất” lên đôi vợ chồng trẻ.
Ngay ở các vùng ven đô Hà Nội, xưa đám cưới còn nặng nề chuyện mời mọc. Có vùng theo nề nếp phải mời hai lần. Mời một lần người ta cho là coi thường, không chịu đến. Vậy nên họ phải lên danh sách người cần mời rất kỹ lưỡng và tổ chức mời mọc long trọng đủ các hộ trong làng. Các cụ ông, cụ bà quan trọng phải được mời ngồi ở ba gian nhà chính của gia chủ. Có đám cưới rình rang vài ngày. Nay việc mời có thể giảm tiện hơn một chút, cỗ bàn giản tiện nhưng sự long trọng vẫn bảo đảm. Cỗ bàn gồm bao nhiêu món luôn được cân nhắc kỹ lưỡng, đám sau nhìn đám trước để khỏi bị chê cười là cỗ nhỏ, cỗ ít, thiếu món sang.
Chính vì chuyện cỗ bàn ở làng quê nặng nề như vậy nên nhà nào có cưới bất luận cũng phải làm cỗ, mà phải làm tiệc cỗ to, làm cho ra làm chứ không thể tùy sức. Cuộc chạy đua tiệc cỗ vì thế mà không có điểm dừng, bởi nhà nọ nhìn nhà kia, để làm sao tiệc cưới nhà mình không chịu kém cạnh, thậm chí là to hơn. Chỉ khổ cho những gia đình nông dân nghèo khó vẫn phải chạy đua với xóm làng để lo đủ tiền làm cỗ mà phải vất vả, gồng mình để làm sao cho mỗi mâm cỗ to hơn, nhiều món tươm tất hơn...
Ở thành thị, thông thường các gia đình tổ chức tiệc cưới vào trưa hoặc cuối chiều để phù hợp với công việc của nhiều người. Nhưng ở các vùng quê ven đô, người dân vẫn có thói quen đi ăn cưới vào buổi sáng sớm. Bất kỳ đám to hay nhỏ, 6 giờ sáng khách khứa đã tấp nập, ngoài 7 giờ cỗ bàn đã vãn. Tuy ở nông thôn, nhưng đa phần người trong độ tuổi lao động đều ra phố, trẻ một chút thì vào các công ty, xí nghiệp, trung niên thì làm thợ hồ trong làng ngoài xóm, hoặc ra thành phố làm thuê đủ nghề. Bởi vậy, khi người thành phố còn ngái ngủ, ở nơi chỉ cách quận Hà Đông trên chục cây số, người dân đã ăn xong cỗ.
Hiện nay, đám cưới theo nếp sống mới, văn minh, tiết kiệm là một nét đẹp đang được các đoàn thể xã hội trong cộng đồng cố gắng nhân rộng. Làm sao để mỗi làng quê không còn những chuyện buồn hậu đám cưới, khi “đôi trẻ” phải nặng gánh bước vào hôn nhân, bởi những đám cưới cỗ bàn quá sức mình. Mỗi gia đình tùy vào hoàn cảnh có thể làm những đám cưới cỗ mặn hoặc tiệc ngọt.
Hơn nữa, đám cưới chỉ là một phần nhỏ trong hôn nhân. Điều đáng quan tâm là hậu đám cưới, hôn nhân của đôi vợ chồng đó có hạnh phúc không? Nếu không có hạnh phúc thì làm đám cưới to đến đâu cũng chỉ là vô nghĩa. Đám cưới văn minh chính là đám cưới biết tổ chức gọn nhẹ, vui mà không tốn kém, bảo đảm an ninh trật tự, phù hợp thuần phong mỹ tục, khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình, tránh sự lãng phí, nặng nề việc ăn uống…
Thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện không ít các video clip về những màn biểu diễn có tính chất giải trí trong các đám cưới. Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu đấy không phải là những clip có nội dung phản cảm, với sự phô diễn cơ thể quá đà của các nhân vật tham gia. Các chuyên gia lo ngại, những hình thức biểu diễn phi văn hóa đó, nếu liên tục được các bạn trẻ theo dõi và chia sẻ trên mạng xã hội sẽ dễ dàng phát triển thành trào lưu chứ không còn là một hiện tượng đơn lẻ.
Trong khi những đám cưới tổ chức theo nếp sống văn hóa mới đang được các tổ chức xã hội tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng thì những đám cưới với các màn biểu diễn phản cảm đi ngược với văn hóa Á Đông. Thực trạng này đang cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời có biện pháp giám sát các hoạt động, sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn, đặc biệt tại các vùng nông thôn.