Hàng nghìn người tham dự đám cưới online
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang diễn ra, đông đảo người dân đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc hạn chế tối đa ra đường, tập trung đông người để công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều thông điệp: “Hãy ở yên khi Tổ quốc cần”, “Một người vì mọi người”, “Ở nhà là yêu nước”... được người dân hưởng ứng nhiệt liệt.
|
Lễ cưới online của chú rể Văn Quan và cô dâu Khánh Thi (ảnh nhân vật cung cấp). |
Rất nhiều đôi uyên ương ở khắp các tỉnh, thành đã tổ chức đám cưới một cách giản dị đầy độc đáo. Đám cưới online của Phạm Trương Khánh Thi và chú rể Trần Văn Quan vào ngày 17/7/2021 khiến gia đình, họ hàng và cư dân mạng thích thú, không ngớt lời chúc phúc. Vợ chồng chị Khánh Thi đã đăng ký kết hôn từ tháng 5, dự định tới tháng 7 cưới. Dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh ngày càng căng thẳng, nhiều địa phương giãn cách, hạn chế ra đường khiến đám cưới của anh chị có khả năng bị trì hoãn. Không những vậy, chung cư của mẹ cô dâu cũng có ca F1 nên không tiện ra ngoài, bố mẹ của chú rể ở Huế cũng đang ở trong khu vực phong tỏa.
Nhưng với sự quyết tâm, cặp uyên ương quyết định tổ chức cưới ngay tại nhà chung cư của cô dâu. Trước đám cưới 1 ngày, chung cư của cô dâu có ca nhiễm COVID-19 nên tạm thời phong tỏa phòng dịch. May mắn trước đó, chú rể đã đến nhà cô dâu ở để chuẩn bị cho đám cưới. Là người cẩn thận, vợ chồng chị Khánh Thi trước đó đã chuẩn bị đồ cúng lễ gia tiên, đồ trang trí đám cưới, trang phục áo dài, comle, nhẫn cưới... nên dù phong tỏa, khó mua sắm nhưng lễ tân hôn vẫn diễn ra đầy trang trọng, đúng truyền thống Việt.
Bố mẹ ở xa không tham dự được, vợ chồng chị Khánh Thi đã huy động anh chị em trong nhà vào “Team Ban tổ chức”. Anh cả cô dâu là chủ lễ, kiêm luôn MC giới thiệu và chủ trì hoạt động trên... ứng dụng Zoom. Chị gái là nhiếp ảnh gia, chụp quay màn hình lại để làm album và dựng thành... phóng sự cưới. Em gái up ảnh, “tường thuật” trên mạng xã hội.
Đúng ngày giờ, lễ thành hôn được tổ chức trang trọng. Chú rể từ phòng khách bước vào phòng riêng của cô dâu đón ra phòng khách. Sau đó, tân lang, tân nương cúi lạy lễ gia tiên. Bố mẹ, họ hàng, bạn bè ở xa tham dự qua zoom. Mọi người dành lời chúc phúc tới đôi uyên ương. Hôn lễ online được diễn ra giản dị, ấm cúng. Nhận được lời chúc phúc từ tất cả mọi người qua điện thoại, mạng xã hội… cô dâu, chú rể lặng đi vì xúc động.
Cũng có ngày tân hôn đáng nhớ là cặp đôi Thanh Hải và Hương Lan (Đống Đa, Hà Nội). Theo Hương Lan, cô và Hải - chồng sắp cưới của mình yêu nhau được 5 năm khi còn là sinh viên. Ra trường, có công ăn việc làm ổn định, hai người tính tới việc hôn nhân vào cuối năm nay. Trước ngày Hà Nội giãn cách, Hương Lan vui mừng thông báo với Thanh Hải mình đã có em bé. Nếu cưới cuối năm, bụng Lan sẽ rất to, sẽ ảnh hưởng tâm lý mẹ và con. Cả hai xin phép gia đình cưới đúng khi Hà Nội đường không, hè trống.
Lễ cưới online được diễn ra ngay sau đó 1 tuần với hình thức online. Cô dâu, chú rể lên mạng xã hội gửi thiệp báo hỉ cho tất cả người thân, bạn bè trên Facebook. Cô dâu diện áo dài trắng nhẹ nhàng cất giữ từ thời sinh viên. Chú rể trang phục quần âu, áo sơ mi, cavat. Họ kính cẩn thắp hương gia tiên qua sự chứng kiến của hàng nghìn người thân, bạn bè trên mạng.
Anh Thanh Hải hài ước: “Kết hôn online, chúng tôi không còn lo lắng chi phí tổ chức lễ cưới hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, nhất là khi dịch bệnh căng thẳng, công việc, kinh tế khó khăn. Chúng tôi không phải lo lắng chạy ngược xuôi tìm địa điểm tổ chức cưới ở đâu cho trang trọng, cỗ ngon, an toàn thực phẩm. Chúng tôi không lo mất nhẫn cưới, tiếp khách thế nào cho niềm vui trọn vẹn mà không bị say… Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là đang cưới bị… rớt mạng”.
Lo rớt mạng không chỉ là nỗi lo của anh Hải mà là nỗi lo của các cặp uyên ương tổ chức cưới online. Để lễ thành hôn diễn ra suôn sẻ, họ phải “chiêu mộ” người thân, bạn bè giỏi công nghệ phụ trách khoản quan trọng này. Bởi rớt mạng, âm thanh, hình ảnh tậm tịt, quan viên hai họ ở xa khó có thể tham dự đám cưới online trọn vẹn.
Thay vì gửi tiền mừng cưới vào phong bì, tặng trực tiếp đôi uyên ương, thời 4.0, người thân, bạn bè đã xin tài khoản để gửi tiền mừng bằng banking. Nhận được tin nhắn “tinh tinh” cùng lời chúc phúc từ người thân, bạn bè, anh Hải rất xúc động: “Số tiền mừng cưới, chúng tôi cố gắng tiêu tiết kiệm và trích một phần ủng hộ một số trường hợp khó khăn ở phường nơi chúng tôi đang ở”.
Tuần trăng mật tại… khu cách ly
Có những trường hợp vừa mới cưới nhau xong đã phải tạm chia ly vì dịch COVID-19. Tuần trăng mật bị dang dở. Chia sẻ trong một hội nhóm, tài khoản Facebook có tên Kiến Dương kể về câu chuyện “dở khóc, dở cười” thu hút hàng trăm lượt bình luận quan tâm từ dân mạng. “Bọn mình cưới hôm 1/5, dọn dẹp nhà xong 3 hôm thì ngày 5/5 mình bị “bế” đi cách ly 21 ngày. Vợ mình F2, cách ly tại nhà. Có ai như mình không? Đen thực sự”, Kiến Dương viết.
Theo chủ nhân bài đăng, cô dâu và chú rể nằm ở tâm dịch Bắc Ninh và tổ chức đám cưới vào ngày 1/5/2021. Thời điểm đó, Bắc Ninh vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào. Ai cũng bảo cặp đôi may mắn cưới được nhau ngay trước thời điểm bùng dịch. Thế nhưng, họ lại chẳng may mắn như vậy.
Vài ngày sau, Bắc Ninh bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên. Trớ trêu thay, người F0 này lại xuất hiện đúng trong đám cưới của chú rể và cô dâu với tư cách khách mời.
Vì chúc rượu và tiếp xúc gần với F0, chú rể Kiến Dương vội khai báo y tế, sau đó chuẩn bị hành lý và “lên đường” trong ngày 5/5, chỉ vài ngay sau khi đám cưới diễn ra. Tuần trăng mật dang dở.
Chú rể đi cách ly tập trung, còn gia đình và cô dâu mới về cũng phải cách ly tại nhà vì trở thành F2. Tuyết Mai - cô dâu trong câu chuyện lo chồng mình bị nhiễm COVID-19. Trong khi đó, chú rể Kiến Dương trong khu cách ly cũng lo lắng chẳng may bị làm sao, lúc đó gia đình lại trở thành F1 và có nguy cơ bị lây.
|
Chú rể Kiến Dương và cô dâu Tuyết Mai phải xa nhau trong tuần trăng mật. Ảnh: Văn Dương |
Chưa kể, hai bên gia đình vô cùng lo lắng khi đám cưới đông người, lại có ca nhiễm COVID-19, tỉ lệ lây lan rất cao. Chú rể lại tiếp xúc gần với F0, nếu anh chẳng may dương tính với Covid-19 thì ảnh hưởng đến nhiều người. May mắn, sau 21 ngày cách ly, tuân thủ mọi quy định phòng chống dịch, Kiến Dương đã âm tính 3 lần với Sars - Cov2 nên được ra khỏi khu cách ly. Vợ chồng đoàn tụ vui vẻ, hạnh phúc. Hai bên gia đình thở phào nhẹ nhõm.
Nếu như chỉ mình chú rể Kiến Dương đi cách ly thì cặp đôi Vũ Minh - Thu Hằng lại cùng hưởng tuần trăng mật tại khu cách ly. Minh và Hằng cưới nhau khi Hà Nội bắt đầu xuất hiện dịch bệnh đợt thứ 4. Với ý thức phòng chống dịch bệnh, hai gia đình tổ chức đám cưới tinh giản với số lượng chưa đến 10 người. Đôi uyên ương đang dạt dào hạnh phúc bỗng nhận tin không vui, người hàng xóm của họ bị F0. Người hàng xóm này, trước ngày cưới tới nhà mừng quà cưới đôi trẻ. Minh - Hằng trở thành F1. Họ gói ghém tư trang cùng một số người đi cách ly theo sự hướng dẫn của các cán bộ y tế. Dù ở cùng khu cách ly, Minh và Hằng lại ở riêng phòng, cách nhau 1 dãy nhà, không được gặp mặt nhau.
Tuần trăng mật của họ bị gác lại. Họ gửi sự nhớ nhung vào những tin nhắn, trò chuyện qua zalo, động viên nhau nghiêm túc phòng chống dịch, đếm từng ngày được về tổ ấm. Sau 21 ngày, vợ chồng Hằng được về tổ ấm. Thu Hằng nhớ lại: “Đúng là tuần trăng mật… khó quên của đời em. Em mong Việt Nam và thế giới sớm hết dịch bệnh, cuộc sống nhộn nhịp trở lại như trước đây. Lúc ấy, vợ chồng em sẽ tới Đà Lạt hưởng tuần trăng mật bù đắp những ngày ở khu cách ly”.
Kết hôn online được một số bạn trẻ lựa chọn một cách thông minh giữa thời điểm đại dịch chưa lắng. Dù tổ chức đơn sơ hay có trường hợp cặp đôi phải xa nhau trong tuần trăng mật nhưng tất cả cùng đồng lòng, chung sức vun đắp tình yêu đôi lứa hạnh phúc. Những điều tốt đẹp luôn hiện hữu trong giai đoạn cả nước đang căng mình đối phó với dịch bệnh.