Khi đất nước còn chia cắt, ông Hoàng Nghi ở bờ Bắc sông Bến Hải thuộc làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Bà Hoàng Thị Hoa ở làng Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, phía bờ Nam.
Trao yêu thương qua trang giấy
Năm 1972, ông Nghi là trưởng dân quân du kích thuộc trung đội Hiền Lương. Đội của ông vừa tham gia sản xuất, xây dựng quê hương vừa bảo vệ cột cờ giới tuyến. Bà Hoa là du kích xã Triệu Trung, vì nơi ở bị địch đánh phá ác liệt nên phải đưa gia đình sơ tán đến làng Hiền Lương.
Cuốn sổ ghi lại ngày ông bà gặp nhau |
Trong một lần chiến đấu, cha của bà Hoa bị thương được ông Nghi cấp cứu và tận tình chăm sóc. Tình cảm giữa đôi trẻ nảy sinh, nhưng không lâu bà Hoa về Cửa Tùng, rồi vượt sông Bến Hải trở lại quê nhà tiếp tục công tác, phục vụ kháng chiến.
Đôi trẻ không có điều kiện thường xuyên giáp mặt nhau, chỉ trao đổi tâm tư bằng bút giấy. Nỗi nhớ cứ ngày một đong đầy đã thôi thúc ông Nghi đôi lần vượt dòng Bến Hải đi tìm bà Hoa theo địa chỉ được bà để lại trước ngày trở vào.
Lần đi đầu tiên không gặp được người thương, ông Nghi buồn bã trở về. Sau đó dò hỏi tin tức, ông mới biết bà Hoa cũng ra chiến trường, gùi tăng, cõng gạo. Không nản chí, vài tháng sau ông lại tiếp tục vào Triệu Phong, đúng lúc gặp bà Hoa đi làm nhiệm vụ trên đường trở về. Ông chỉ kịp tặng lại bà tấm áo ấm rồi nhanh chóng trở về đơn vị làm nhiệm vụ.
Ông Nghi ghi lại những mốc thời gian cuộc đời... Đây là trang ông viết lại bài thơ đọc lúc rước dâu qua cầu |
Một đêm năm 1972, bà Hoa nhận lệnh điều động di chuyển đến Đại Lộc để bảo vệ vùng mới giải phóng. Từ đó, hai người mất liên lạc nửa năm trời. Dần dà ông Nghi tìm được thông tin qua một đơn vị bộ đội vào tiếp quản rồi tìm được người thương.
Cách nhau 18 năm trường
Hiệp định Paris được ký kết tháng 1/1973. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải bị đánh sập cũng được kịp thời dựng lại. Gần 1 năm sau, ông Nghi vui sướng dắt tay bà Hoa đi qua cầu Hiền Lương trong lễ rước dâu, hai người chính thức về chung một nhà.
Ông Hoàng Nghi bồi hồi nhớ lại bài thơ ông tặng tân nương khi họ đi trên cầu: "Sông Hiền Lương bên bồi, bên lở/Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/Cách nhau 18 năm trường/Khi mô mới được nối đường vô ra/Bây giờ cầu lại bắc qua/Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình”…
Bà Hoa kể lại, hồi đó hoàn cảnh khó khăn, lễ cưới của ông bà chỉ có nước chè xanh, một ít bánh kẹo. Vì hoàn cảnh gia đình, đất nước nên hai người không làm lễ hỏi mà chỉ tổ chức một lễ cưới, đón dâu tại làng Hiền Lương.
Vượt gần 50km, đoàn rước dâu được bộ đội giúp đỡ bằng ô tô từ miền Nam ra, về đến phía Nam chân cầu Hiền Lương. Xe dừng lại, nhà trai đón dâu đi bộ qua cầu để về làng Hiền Lương, theo sự sắp xếp của người dẫn chương trình lễ cưới là ông Đinh Như Quang, Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Vĩnh Thành.
Ông kể, tiệc cưới lúc đó đơn sơ nhưng đầm ấm |
Ông Quang nhớ như in ngày xã đoàn tổ chức đám cưới cho ông Nghi và bà Hoa. Ông kể, tiệc cưới lúc đó đơn sơ nhưng đầm ấm, nhiều người đến chúc phúc. Nơi tổ chức được lợp vội tấm tranh tre, những thùng đạn làm bàn dựng tiệc cưới. Bên bức tường làm bằng tre có dán hình đôi bồ câu tung bay và câu khẩu hiệu: “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà/ Thắm tình non nước thắm tình ta”.
Trước đại diện hai bên, cô dâu chú rể thề sống hạnh phúc bên nhau trọn đời, dù trai hay gái đứa con đầu lòng sẽ lấy tên quê vợ (Tam Hữu) để đặt tên. Hai miền chỉ cách nhau một đoạn mà bao năm chia cắt. Bà con hai bên gặp lại nhau ôm nhau trên cầu, niềm hạnh phúc của đôi trẻ cũng là niềm hạnh phúc của đất nước nối lại một vòng tay.
Chứng nhân hạnh phúc
Năm 1975, đất nước thống nhất, niềm vui nhân đôi khi ông bà đón con trai đầu lòng chào đời. Ông đặt tên con là Hoàng Văn Hữu. Họ có với nhau 4 người con.
Cây cầu đã chứng kiến cuộc hội ngộ hạnh phúc của hai thế hệ trong một gia đình |
Lịch sử như đã chọn gia đình ông Nghi làm chứng nhân hạnh phúc cho mỗi lần con sông Bến Hải có thêm chiếc cầu mới bắc qua. Năm 2004, vợ chồng ông Nghi tổ chức đám cưới cho con trai và rước dâu qua cầu Hiền Lương. Khi ấy, tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức khánh thành công trình phục chế cầu Hiền Lương. Ngày nhà trai rước dâu cũng đi qua cầu Hiền Lương lịch sử.
Cây cầu đã chứng kiến cuộc hội ngộ hạnh phúc của hai thế hệ trong một gia đình…
Trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Bến Hải, đôi vợ chồng suốt gần nửa thế kỉ vẫn bình lặng nắm tay nhau bao vượt qua bao gian khó đời người. Tình yêu của họ trải qua sự khốc liệt chiến tranh, vất vả của cuộc sống thường nhật, trở thành câu chuyện tình vượt thời gian nơi vĩ tuyến 17.
Họ là những nhân chứng sống về tình yêu thủy chung của đôi lứa, sự gắn kết sắt son đôi bờ Nam - Bắc, cũng như khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.