Lặng nhìn bức ảnh cưới của hai vợ chồng cháu gái, ông Lê Đức Sỹ (chú ruột cô dâu) thở dài, kể với phóng viên Zing.vn, 4h ngày 30/7, trong lúc cả gia đình còn chìm sâu trong giấc ngủ thì chuông điện thoại reo vang. Thoạt đầu, các thành viên gia đình ai cũng nghĩ người thân cài chuông báo thức dậy sớm, chuẩn bị cho tiệc cưới. Nhưng sau khoảng 5 phút chuông điện thoại reo, Y. gào khóc thảm thiết khiến cả nhà giật mình thức giấc.
"Lúc tôi thức dậy đã thấy Yên gào: 'Anh Long ơi sao nỡ bỏ em mà đi', rồi đòi lao ra giữa sân tự tử chết theo chồng. Mọi người phải thay phiên nhau động viên, an ủi, cấp tốc thuê hai ôtô chở cô dâu cùng 5 người thân ra Quảng Trị", ông Sỹ hồi tưởng trong xót xa.
Từ TP HCM về dự đám cưới em trai, rạng sáng 30/7, ông Thượng (anh trai chú rể) thuê khách sạn gần nhà gái ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), đợi đón họ hàng nhà trai thì nghe hung tin. 4h30 cùng ngày, ông Thượng đến nhà gái thì em dâu và mọi người đã biết tin. "Chứng kiến em dâu quằn quại đau đớn, gọi tên em trai mà tay chân tôi rụng rời, tim như vỡ nát", ông Thượng mếu máo.
Ngồi thất thần giữa khuya ở hiên nhà cháu gái, bà Lưu Thị Ảnh (70 tuổi, bác gái cô dâu) cho hay gia đình, họ hàng mổ heo, làm hàng chục con gà, vịt cúng báo tổ tiên cháu gái sắp cưới chồng. "Chiều 29/7, người thân làm ăn xa cùng bà con lối xóm đã tập trung về đây dự tiệc mừng cho cháu gái. Gia đình dự tính đãi tiệc khoảng 18-20 mâm (tương đương 200 khách). Đôi trẻ sắp nên duyên vợ chồng mà sao trời nỡ để cháu gái tôi chịu cảnh thảm thương thế này", bà Ảnh nói như than.
Theo thân nhân gia đình, anh Long và chị Y. là những người con xa xứ, cùng vào Bình Dương kiếm kế sinh nhai. Đồng cảm hoàn cảnh khó nghèo, họ thương yêu, kết duyên vợ chồng. Để chuẩn bị cho lễ cưới diễn ra vào sáng 30/7, gia đình nhà gái đã gửi thiệp hồng, đặt cỗ đâu vào đấy.
VietNamNet dẫn lời một người thân cô dâu cho biết: Chú rể bản tính thật thà, có gia cảnh khó khăn, ba mất sớm nên một mình mẹ gồng gánh nuôi con. Gia đình chúng tôi rất yêu quý, ai cũng vui mừng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Họ chỉ còn cách nhau khoảng cách địa lý của 2 tỉnh, nhưng chú rể đã không đến được, quá đau đớn. Sau khi nghe hung tin, cô dâu cùng người thân đã ra Quảng Trị để chia buồn cùng gia đình”.
|
Nhà cô dâu quạnh quẽ. Ảnh: VietNamNet. |
Theo kế hoạch, gia đình ông Lê Đức Tuân (cha cô dâu) làm lễ thành hôn cho con gái lúc 10h, sau đó đãi khách cùng họ hàng, bà con. Tuy nhiên, sự cố bất ngờ khiến hàng trăm khách đến chung vui, chúc phúc, đành ngậm ngùi chuyển sang lời chia buồn với nỗi đau lớn cùng gia đình.
"Bà con lối xóm đồng cảm, chung tay giúp gia đình trang trải chi phí cho tiệc cưới thiếu vắng... chú rể mà họ không cầm được nước mắt", Nguyễn Thị Giáo (bác gái cô dâu) nói với phóng viên Zing.vn.
Bà Lại Thị Lệ Hà, Chủ tịch UBND xã Mỹ Quang, cho biết cô dâu Lê Thị Y. là con ông Lê Đức Tuân (52 tuổi) ở thôn Bình Trị. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, vợ bị bệnh tim. Hai vợ chồng có ba người con, Y. là con giữa trong gia đình. "Hoàn cảnh gia đình của ông Tuân đã nghèo mà còn gặp 'cái eo'. Ngày cưới của con gái ông bất ngờ gặp nghịch cảnh tang thương", nữ Chủ tịch xã Mỹ Quang chia sẻ.
Sáng 31/7, VnExpress phản ánh, nhiều người dân thôn Tây Phú, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đến chia buồn với gia đình tài xế Lê Ngọc Cường - người cầm lái chiếc xe rước dâu đấu đầu với container khiến 13 người chết ở Quảng Nam.
Hàng xóm cho hay, anh Cường sống hiền lành, chịu khó làm ăn để nuôi gia đình với hai con nhỏ. Hai năm trước, anh mua chiếc ôtô 16 chỗ với giá hơn 200 triệu đồng từ người cùng làng. Trước đây, anh Cường lái xe thuê cho ông này. Chiếc xe chưa được làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Theo ông Lê Hứa, bác ruột tài xế Cường, đầu giờ chiều 29/7, anh Cường có chuyến chở khách dự đám cưới từ Huế vào Đà Nẵng. Quãng đường này ước chừng 300 km cho hai chiều. Quay lại Huế trong ngày, anh tiếp tục đánh xe qua tỉnh Quảng Trị trong đêm, để chở đoàn khách đi đón dâu ở Bình Định.
"Vị trí nhà cháu Cường chỉ cách thôn Lương Điền (Quảng Trị) khoảng 4 km. Lúc 23h xe xuất phát từ Quảng Trị, đến khoảng 2h30 ngày 30/7 thì tai nạn xảy ra", ông Hứa kể.
Ông Phạm Bá Chẩn (chủ cũ chiếc xe) thông tin, khoảng 15h30 ngày 29/7 khi điều khiển xe qua trạm thu phí hầm Phước Tượng Phú Gia (huyện Phú Lộc), ông nhìn thấy anh Cường đang chở khách vào Đà Nẵng.
"Tôi gọi điện hỏi chuyện thì Cường nói chở khách vào Đà Nẵng, tối ra lại Huế rồi đêm có chuyến khác. Ai ngờ tai nạn xảy ra", ông Chẩn nói.
Khoảng 2h30 ngày 30/7, ôtô khách chở 17 người đi trên quốc lộ 1A vào Bình Định rước dâu. Khi đến xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), xe rước dâu bất ngờ đấu đầu với xe container mang biển TP HCM. Tai nạn khiến 13 người trong đó có chú rể tử vong, 4 người đang cấp cứu ở Đà Nẵng. Thi thể các nạn nhân đã được đưa về quê lo hậu sự.
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, thời gian làm việc của lái xe ôtô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.