Nếu như những cảm xúc về mùa xuân bao giờ cũng nồng nàn sức trẻ, náo nức đắm say; mùa hạ cháy bỏng khát khao; mùa đông trầm tĩnh, u hoài thì cảm xúc mùa thu dịu dàng mong manh, lãng mạn, sâu lắng nhưng cũng không kém phần đắm say, quyến rũ…
Thật khó lòng để có thể hết tên của những ca khúc hay viết về mùa thu, trong đó có nhiều ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng. Từ những ca khúc trữ tình tiền chiến như Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn); Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong); Buồn tàn thu, Thu cô liêu (Văn Cao); Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh (Trịnh Công Sơn)…
Đến những bản tình ca hiện đại như Thơ tình cuối mùa thu (Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh), Đâu phải bởi mùa thu (Phú Quang), Không còn mùa thu (Hoàng Dũng)…
|
Mùa thu - mùa của những bản tình ca. |
Ai đó nói rằng, dường như mùa thu là một đặc ân của đất trời dành riêng cho Hà Nội nên có rất nhiều ca khúc hay viết về Hà Nội đều lấy cảm xúc mùa thu. Có thể điểm danh như Hà Nội một trái tim hồng (Nguyễn Đức Toàn), Có phải em là mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc), Hà Nội mùa thu (Trịnh Công Sơn)…
Hình tượng mùa thu tựa như một người con gái đẹp, quyến rũ nhưng mong manh hư ảo, gần lắm mà cũng xa vượt tầm tay! Không chỉ là biểu tượng của một tuyệt sắc giai nhân, nàng thu cũng chính là khát vọng, là tượng trưng cho một tình yêu vĩnh cửu. Thế mà ở đời, thật éo le tình lại chỉ đẹp khi dang dở!
Vậy nên ca khúc về mùa thu thường bâng khuâng nuối tiếc những mối tình buồn: “Em ru gì cho anh/ Một thời đắm say, một đời giông tố/ Em ru gì cho ta, cho bao ngày phôi pha…”
Mùa thu ở đây như một nhân vật trữ tình lặng thầm chứng kiến mọi hạnh phúc lẫn khổ đau trong tình yêu bằng tất cả sự đôn hậu, bao dung. Để rồi đi qua những nồng nàn, bão giông đó, trái tim ta thốt lên lời chiêm nghiệm: “Lá trút rơi nhiều/ Đâu phải bởi mùa thu…”
|
Hình tượng mùa thu còn mang tầm vóc vĩ đại của đất nước, của dân tộc khi gắn với những dấu son lịch sử chói lọi của đất nước. |
Vượt ra ngoài thân phận của tình yêu nam nữ thông thường, vượt lên trên cả những nỗi buồn ủy mị của những cuộc tình bé mọn của hai thân phận nhỏ nhoi giữa vũ trụ bao la, mùa thu còn mang tầm vóc vĩ đại của đất nước, của dân tộc khi gắn với những dấu son lịch sử chói lọi của đất nước.
Mùa thu gắn với nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước, của dân tộc ta. Cứ mỗi độ thu về, đặc biệt dịp Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, dịp Giải phóng Thủ đô trong trái tim ai mà chẳng náo nức những giai điệu “Hà Nội một trái tim hồng” của Nguyễn Đức Toàn: “Em nghe chăng trong lắng sâu nơi hồng trái tim minh/ Hà Nội mùa thu ôi xao xuyến trong lòng ta/ Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình/ Lời người thu năm ấy/ Màu cờ thu năm ấy/ Vẫn đây, xanh trời mây…” và “Thu đi dài năm tháng/ Vinh quang và duyên dáng…”
|
Hà Nội mùa thu từng cơn gió đều ngát hương hoa sữa... |
Hay những âm hưởng da diết đắm say mà vẫn hào sảng trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Hoàng Hiệp): “Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng”… Tự bao giờ, mùa thu hoa sữa đã trở thành “đặc sản” của Hà Nội khiến ai đi xa cũng nôn nao, khắc khoải nhung nhớ khôn nguôi…
Mùa thu với một thoáng hanh hao lang mạn mà cũng đầy kiêu sa, sang trọng như một người đã đủ độ chín để nếm trải những đắng ngọt, yêu thương và trải nghiệm, đủ bình tĩnh, an nhiên để hiểu mình, hiểu người và hiểu cả quy luật cuộc đời: "Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ..."
Cảm giác về mùa thu cũng tựa như không gian nghệ thuật đầy quyến rũ và sang trọng của tình khúc “Thơ tình cuối mùa thu” phổ thơ nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại…”
Vâng, sau tất cả, sẽ chỉ có Tình Yêu còn ở lại!