Xây gạch lỗ để… tiết kiệm chi phí ?
Theo phản ánh của một số người dân, chúng tôi đã về xã Thịnh Sơn và chứng kiến công trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng xã này được xây dựng bằng gạch nung hai lỗ. Một người dân lo lắng: “Việc xây mương thường được sử dụng đá, đổ bê tông hoặc chí ít cũng phải dùng gạch đặc, chứ nếu dùng gạch hai lỗ, đến lúc dẫn nước làm sao tránh được ngấm hoặc dùng được thời gian rồi hư hỏng…”.
Đem băn khoăn của người dân trao đổi với ông Thái Khắc Mão – Phó Chủ tịch UBND xã, được biết dự án kênh mương nội đồng này có chiều dài 5,5km. “Địa phương là đơn vị thụ hưởng, công trình do Ban Quản lý dự án (QLDA) huyện làm chủ đầu tư nên xã không nắm rõ về thiết kế và xây dựng. Xã có thành lập Ban giám sát cộng đồng, thời gian gần đây phát hiện ra việc dùng gạch nung hai lỗ không đạt tiêu chuẩn (gạch sống) đã báo cáo với chủ đầu tư. Nhà thầu cũng cam kết sẽ loại những viên gạch không đủ tiêu chuẩn khi thi công. Còn việc dùng gạch lỗ hay gạch đặc thì xã không nắm rõ…” - ông Mão cho biết.
Để làm sáng tỏ vấn đề, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại diện Ban QLDA huyện Đô Lương và được ông Hoàng Văn Hiệp – Giám đốc, Trưởng ban QLDA cho biết, công trình khởi công được hơn một tháng nay với tổng số vốn xây lắp là 12,6 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và ngân sách xã.
“Dự án xây dựng nông thôn mới khó khăn về nguồn vốn, khi phê duyệt dự án thì xây dựng bằng gạch đặc. Nhưng sau do nguồn vốn khó khăn nên xin điều chỉnh dự án được dùng gạch nung hai lỗ. Sau khi xây dựng xong thì quyết toán bằng số tiền là gạch hai lỗ, cái này được pháp luật cho phép. Ban đầu định sử dụng bằng bê tông cốt thép, nhưng do chi phí quá lớn” - ông Hiệp giải thích.
|
Công nhân sử dụng gạch hai lỗ để xây dựng mương nước |
Qua trao đổi, ông Hiệp cho biết thêm, xã Thịnh Sơn là đơn vị về đích sớm các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm nay. Để kịp cho đủ các tiêu chí, Ban đang đốc thúc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ trước khi bà con sản xuất mùa.
Theo ông Hiệp, dự án do hai đơn vị thi công là Cty CP Việt Nam và Cty CPXD Thương mại 16 thi công. Trước thắc mắc của phóng viên cũng như ý kiến một số người dân về việc sử dụng gạch nung hai lỗ cho việc xây dựng công trình thủy lợi có đảm bảo chất lượng không, ông Hiệp khẳng định: “Bình thường, đây là mương nhỏ nên về mặt thiết kế về lâu dài thoải mái đảm bảo”.
Ông Hiệp còn cho biết thêm: “Hệ thống mương cấp nước tưới nước cho các xã trên địa bàn huyện Đô Lương và cả tỉnh Nghệ An trước kia còn đóng táp lô để xây dựng, giờ vẫn phát huy tác dụng rất tốt”. Trong khi làm việc, phóng viên cũng yêu cầu được tiếp xúc một số tài liệu liên quan đến Dự án để làm rõ hơn về việc phê duyệt ban đầu và quyết định điều chỉnh dự án thì vị Trưởng ban cho biết để anh em chuẩn bị và hẹn phóng viên cuối chiều đến lấy.
Tuy nhiên, khi chúng tôi quay lại như lịch hẹn thì ông Hiệp lại từ chối không cung cấp. Điều lạ là theo vị Phó Chủ tịch xã thì đường mương nước trên địa bàn xã dài 5,5km, còn theo ông Hiệp, con số này lên đến gần 8km.
Dư luận đang quan tâm đến việc sử dụng gạch hai lỗ cho công trình thủy lợi có đảm bảo được chất lượng không, khi đây là công trình xây dựng có tính trường lực(?). Xây dựng bằng gạch hai lỗ có bị ngấm nước khi bơm nước lên hệ thống hay không? Có hay không việc đã điều chỉnh dự án từ gạch đặc sang gạch hai lỗ? Liệu có uẩn khúc gì bên trong dự án mà vị Trưởng Ban QLDA lại từ chối không cung cấp tài liệu cho phóng viên để làm rõ vấn đề (?). Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Trao đổi với ông Đặng Văn Quyền – Trưởng phòng Quản lý và xây dựng công trình – Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, ông Quyền cho hay, hiện nay người ta hạn chế sử dụng gạch hai lỗ cho công trình thủy lợi, với công trình có tính chịu lực như thế. Xây dựng bằng gạch hai lỗ nguy cơ gặp nhiều rủi ro cao cũng như không đảm bảo an toàn cho công trình về lâu về dài. Thông thường sử dụng bê tông cốt thép, bê tông kết cấu mỏng vừa kín, vừa an toàn, người ta ít sử dụng gạch và đá trong xây dựng công trình thủy lợi. Nếu có thay đổi điều chỉnh dự toán công trình khi có quyết định thay đổi điều chỉnh dự án.