Hồ Tây bị lấn chiếm: Nơi bất lực, chỗ đổ lỗi cho nhau

(PLO) - Trong khi các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ nạo vét hồ Tây, thì tình trạng danh thắng của Thủ đô lại đang bị lấn chiếm một cách không thương tiếc. Đáng nói, trước thực trạng báo động này thì cơ quan chức năng nơi tỏ ra bất lực chỗ lại đổ lỗi cho nhau…
Nhà hàng Hải Long “mọc” trái phép tại đầm Bẩy thuộc phường Nhật Tân
Nhà hàng Hải Long “mọc” trái phép tại đầm Bẩy thuộc phường Nhật Tân
Chính quyền bất lực?
Theo phản của người dân tổ 31, cụm 2, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội: Trước đây, bờ ngăn cách giữa Hồ Tây và hồ Thủy Sứ con thuộc phường Quảng An có chiều ngang chỉ đủ một người đi bộ. Sau đó, bờ kè này bị một số người "nhảy dù" đổ đất lấn chiếm mặt nước Hồ Tây và hồ Thủy Sứ con để mở rộng ra khoảng 7m, tạo nên khu "đất vàng" có diện tích hàng hàng trăm mét vuông. Theo ông Ngô Văn Chiến – người dân địa phương-  hồ Thủy Sứ con trước đây thông với Hồ Tây bằng cửa cống rộng, nhưng từ khi bờ kè bị xâm lấn đã trở thành một chiếc...ao con.
Ban đầu việc lấn hồ diễn ra từ từ, nhưng càng về sau càng dồn dập và trắng trợn. Sau khi mở rộng, khoảng 3 năm trở lại đây tại bờ kè ngăn cách này đã ngạo nghễ mọc lên hai nhà hàng cà phê quy mô lớn trên diện tích rộng cả trăm mét vuông. Đặc biệt, để tạo lối đi vào nhà hàng, hệ thống lan can sắt bảo vệ an toàn xung quanh cũng bị cắt phá để phục vụ cho công việc kinh doanh. "Hành vi lấn chiếm hồ Tây diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng chẳng thấy cơ quan nào nhắc nhở, xử lý dù công trình vi phạm này cách UBND phường Quảng An không xa"- ông Chiến bức xúc.
Theo người dân địa phương, họ đã nhiều lần phản ánh hành vi chiếm dụng bờ kè ngăn Hồ Tây với hồ Thủy Sứ con để làm nhà hàng lên chính quyền sở tại, yêu cầu xử lý nghiêm, trả lại không gian thông thoáng cho bờ kè, nhưng mọi việc chẳng thấy chuyển biến gì. "Từ ngày bờ kè bị chiếm dụng trái phép để làm nhà hàng cà phê, nơi đây luôn ồn ào, mất trật tự, nhất là vào đêm khuya, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến người dân chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến nhiều người nước ngoài, viên chức ngoại giao ở đang sinh sống ở đây"- bà Đỗ Thị Phúc, người dân tổ 31 nói.
Để kiểm chứng, phóng viên đã cùng ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An xuống thực địa. Theo ghi nhận, chiếm gọn bờ kè ngăn cách giữa  hồ Thủy Sứ con và Hồ Tây là hai nhà hàng cà phê sầm uất, nhìn từ mặt phố Quảng Bá được treo biển hoành tráng ngay ở mặt đường, được đánh số 1A "Quảng Bá", trong khi đó ở phía mặt đường Quảng Khánh là nhà hàng được trưng biển "cà phê 80 xóm Chùa". 
Trên diện tích đất chiếm dụng, mỗi quán được thiết kế rộng cả trăm mét, người ra vào nườm nượp, ô tô, xe máy đỗ ngay ngắn trong khuân viên, chứng kiến cảnh tượng trên ông Hồi chỉ đứng nhìn lắc đầu và cho biết: "Sau khi rà soát lại hồ sơ, chúng tôi sẽ có trả lời về vấn đề này đến báo Pháp luật Việt Nam bằng văn bản".
Nhà hàng “ Thủy sản đảo sen” hình thành trái phép tại phường Quảng An
Nhà hàng “ Thủy sản đảo sen” hình thành trái phép
tại phường Quảng An
 
Nơi thì đổ lỗi cho nhau
Kề bên phường Quảng Bá, phường Nhật Tân cũng có công trình vi phạm “góp mặt” khi cả trăm mét vuông của đầm Bẩy (theo cách gọi của người dân địa phương) cũng bị lấn chiếm xây dựng nhà hàng ăn uống kiêm khu vui chơi giải trí được trưng biển to đùng “Nhà hàng Hải Long”.
Nhiều người dân cho biết, nhà hàng này được hình thành trái phép, chiếm dụng phần lớn diện tích của đầm Bẩy theo kiểu khu sinh thái với những ngôi nhà gỗ cỡ lớn, có nền móng kiên cố bằng những chiếc cọc bê tông được cắm sâu xuống lòng hồ…Điều khác với Quáng Bá là mặc dù rất bức xúc nhưng người dân phường Nhật Tân tỏ ra khá dè dặt, thậm chí không dám nói về sự vi phạm này bởi “nghe đâu toàn xã hội đen tham gia lấn chiếm”. 
Còn chính quyền sở tại, khi trả lời báo chí lãnh đạo phường Nhật Tân khẳng định thường xuyên kiểm tra khu vực kinh doanh nhưng chưa hề nhận được bất cứ giấy phép nào của khu kinh doanh này. Nói về trách nhiệm khi để đất bị lấn chiếm, vị này cho biết nhà hàng này nằm trong khu vực được thành phố Hà Nội giao cho Công ty Phú Điền làm cấp thoát nước giai đoạn 2 nên phường không quản lý.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện Công ty Phú Điền cho biết, đúng là phần đất đang bị chiếm dụng xây nhà hàng kinh doanh nằm trong dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Khi xây dựng, nhờ áp dụng công nghệ mới nên diện tích được thu nhỏ lại và một phần đất dư dự kiến sẽ được sử dụng một phần để xây dựng mở rộng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 2 và phần lớn diện tích này sẽ bổ sung diện tích cây xanh mặt nước, chính phần đất thừa này hiện đang bị nhà hàng án ngữ. Mặc dù đã rào lại và bảo vệ nhưng một số đối tượng vẫn lấn chiếm nên công ty đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức năng ở địa phương và thành phố đề nghị giải tỏa, xử lý nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. 
Thực tế cho thấy, chỉ có chính quyền mới có công cụ để giải tỏa, xử lý nên để xảy việc nhà hàng kinh doanh trái phép ở hồ Tây là do sự buông lỏng quản lý của phía chính quyền địa phương.
Thật lạ, trong khi hồ Tây đang bị lấn chiếm nghiêm trọng thì các bên liên quan lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thiết nghĩ, UBND và các ban ngành thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ cần vào cuộc xử lý dứt điểm, nghiêm minh các hành vi vi phạm nêu trên. thường xuyên kiểm tra khu vực kinh doanh này
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.
Chứng kiến cảnh khu vực Hồ Tây bị “thôn tính” người dân không khỏi xót xa và nghi ngờ những nhà hàng đồ sộ, được hình thành trái phép trên diện tích chiếm dụng trong một thời gian dài nhưng không hiểu sao cả hệ thống chính quyền sở tại lại không biết, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý? Đã vậy, mặc dù nhà hàng cà phê được hình thành trái phép nhưng không hiểu vẫn được Điện lực Tây Hồ và Công ty kinh doanh nước sạch cung cấp điện và nước cho hoạt động kinh doanh.

Đọc thêm