Tại thời điểm kiểm tra, theo cảm quan không có bụi!
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo PLVN, ông Vũ Đình Lên – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV cho biết: “Việc các hộ dân tại xã Phúc Hà –Thái Nguyên phản ánh, cũng như báo chí nêu, về việc các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác than của Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa (là thành viên của Tổng Công ty), Tổng Công ty đã nắm được thông tin. Lãnh đạo Tổng Công ty đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, UBND thành phố Thái Nguyên, UBND xã Phúc Hà và đại diện các hộ dân tại xóm 12 – Phúc Hà thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế hiện trạng”.
Ngày 10/8/2017, đoàn công tác trên đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bãi thải trong khai thác khoáng sản của Công ty Than Khánh Hòa. Theo kết luận của đoàn công tác, khu vực người dân phản ánh là tuyến đường vận chuyển và dân sinh qua xóm 12, xã Phúc Hà, nguồn gây bụi, ồn chủ yếu phát sinh từ các hoạt động vận chuyển đá, vật liệu cho Nhà máy xi măng, sản phẩm của Nhà máy Xi măng Quán Triều, hoạt động vận chuyển, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện An Khánh. Ngoài ra còn có bụi, ồn từ việc vận chuyển đất đá thải của mỏ than Khánh Hòa lên bãi thải Nam. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tại thời điểm kiểm tra, theo cảm quan không có bụi(?).
Ngoài ra, ông Lên cũng xác nhận, việc người dân nơi đây bị ảnh hưởng về bụi, tiếng ồn và mất nguồn nước bởi hoạt động khai thác than là có, thậm chí là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đối chiếu với các chỉ số, thông số của đoàn kiểm tra thì các chỉ số, thông số đo được nằm trong ngưỡng cho phép.
Đối với nội dung hoạt động than gây nứt nẻ đường dân sinh, nứt nẻ nghiêm trọng công trình xây dựng của các hộ dân, một số chỗ bị sụt lún gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Ông Lên cho biết: “Với vấn đề này, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, hiện tượng đó là có, xuất hiện cách đây 6 đến 7 năm, chứ không phải mới xuất hiện năm ngoái như người dân phản ánh. Và vết nứt đó đang ở trạng thái ổn định, chưa đến mức độ nguy kịch như các hộ dân phản ánh”.
Phía Tổng Công ty cũng đã chỉ đạo, mời cơ quan chuyên môn, chức năng xác định nguyên nhân của các vết nứt trên. Khi có kết luận chính xác, phía Tổng Công ty, cũng như Công ty Than Khánh Hòa sẽ có biện pháp để xử lý triệt để.
Liên quan đến vấn đề hoạt động đổ thải gây sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến đi lại, cũng như các công trình, nhà cửa của người dân gần chân bãi thải. Phía Tổng Công ty cho biết, mỏ than Khánh Hòa đã tồn tại 68 năm các vị trí bãi thải, quy chuẩn an toàn được thực hiện đúng theo phê duyệt của Nhà nước. Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên đến kiểm tra, thế nên việc người dân sống cạnh bãi thải có ý kiến lo lắng bị vùi lấp lúc nào không biết là không đúng, dân nói theo cảm tính của người dân thực tế những năm qua không có vấn đề đó xảy ra. Hiện nay hàng năm phía Công ty vẫn thực quan trắc theo dõi sự biến động của bãi thải và trong các bản đánh giá tác động môi trường vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.
Ông Vũ Đình Lên – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV |
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Với giải thích và kết luận của đoàn kiểm tra, người dân khu vực trên không khỏi ngỡ ngàng và không thể yên tâm về những điều đã được kết luận, khi mà hàng ngày họ vẫn phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bụi, tiếng ồn của các hoạt động khai thác than. Thậm chí, ngày 31/7/2017, sau cơn mưa lớn, gần 100m3 đất đá từ bải thải lại ùn ùn tràn xuống đường dân sinh, chỉ cách nhà dân hơn 10m. Rất may, sự cố sạt lở này chưa gây thiệt hại đến tính mạng người dân.
Cũng trong buổi làm việc giữa phóng viên với Tổng Công ty, khi phóng viên hỏi về khoảng cách an toàn tối thiểu giữa bãi đổ thải của mỏ than tới các hộ dân cư là bao nhiêu mét, bởi hàng năm, cứ mỗi lần mưa lớn, vào mùa mưa bão là đất đá từ bãi thải lại sụt lở, có năm thì tràn vào nhà dân, có năm thì tràn ra đường, chảy ào ào như thác thì thật lạ là phía đại diện cũng như bộ phận chuyên môn của Tổng Công ty than cho biết không nắm rõ là bao nhiêu và ước tính khoảng 50 – 100m, trong khi đó theo quan điểm Tổng Công ty phía trên thì “các vị trí bãi thải, quy chuẩn an toàn được thực hiện đúng theo phê duyệt của Nhà nước”.
Trên thực tế, hàng loạt hộ dân nơi đây chỉ cách chân bãi thải của mỏ than Công ty Khánh Hòa chưa đến 50m. Việc khoảng cách như vậy phải chăng đã đảm bảo quy chuẩn, khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật? Một trong những tiêu chuẩn đơn giản nhất, dễ nhìn thấy nhất là khoảng cách an toàn cho phép bộ phận chuyên môn cũng như phía Công ty này còn không nắm vững, vậy mà các đánh giá các báo cáo hàng năm vẫn đạt chuẩn(!).
Người dân nơi đây đang hàng ngày phải chịu ảnh hưởng từ bụi, ồn, mất nước, nhà cửa nứt nẻ, cũng như nguy cơ bị vùi lấp sau mỗi đợt mưa. Phía doanh nghiệp trả lời, kết luận cho rằng hoạt động của doanh nghiệp luôn đảm bảo đúng quy trình, cũng như đảm bảo an toàn cho phép. Phải chăng đó là những câu trả lời vô cảm, cũng như đùn đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp?