Dân làng mở hội mừng 'liệt sĩ' trở về sau 46 năm

(PLVN) - Không chỉ vui mừng được đoàn tụ với dân làng sau hơn 46 năm “làm liệt sĩ”, ông Rơ Châm Gret (SN 1940, ngụ làng Kte, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) còn được anh chị cho đất đai, các tổ chức cho kinh phí làm nhà cửa, cấp chế độ hàng tháng, hỗ trợ cây con giống, cho đi thăm quan... Nhờ đó, mà gia đình ông có cuộc sống hạnh phúc.
Vợ chồng ông Rơ Châm Gret và cháu ngoại ở làng Kte, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Ý chí bất khuất

Ông Rơ Châm Gret noi gương những người đi trước, năm 1956, Gret tiên phong đi làm giao liên, giúp đội du kích xã chặt tre, vót chông, đào hầm, chống giặc phá hoại nương rẫy, phá ấp chiến lược... Lập được nhiều thành tích trong việc chống giặc bảo vệ dân làng, Gret vinh dự được biên chế vào Đội du kích xã Ia Phí (nơi giáp ranh với tỉnh Kon Tum). 

Được tổ chức động viên, Gret càng hăng hái vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, nắm bắt thông tin, chống càn, đánh chặn tại đường quốc lộ 14(nay là đường Hồ Chí Minh), đánh phá các đồn bốt của địch. Sau trận thua nhục nhã tại đồn Ninh Đức (nay thuộc địa phận xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh), giặc điên cuồng xông vào các làng người Jrai càn quét, cướp bóc, bắn giết. Đêm 15/4/1962, Gret không may bị địch vây bắt khi đang trên đường vận chuyển lương thực và vũ khí. Chúng đã bắt Gret lên Nhà lao Pleiku, rồi ra Nhà tù Côn Đảo. Dù bị dụ dỗ, mua chuộc, đánh đập dã man, nhưng Gret vẫn không khai báo, không làm việc cho giặc. 

Bất lực trước ý chí kiên trung của Gret, địch bắt ông đi làm những việc khổ sai trong tù. Đầu năm 1973, nhận được mật báo của tổ chức, ông cùng với các đồng đội vượt ngục thành công, trở về đất liền. Sau những tháng ngày lưu lạc đi làm thuê cuốc mướn, ông gặp bà Trương Thị Út (SN 1952) vào năm 1983. Hai người cùng cảnh ngộ đi làm thuê nên đã thông cảm, nương tựa vào nhau và nên duyên vợ chồng tại ấp Thống Nhất, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang). Ăn ở với nhau, vợ chồng ông sinh dưỡng 4 người con.

Khi các con khôn lớn, ông quyết định tự tìm đường về làng Kte vào ngày 18/7/2008. Bước chân vào nhà, ông ngỡ ngàng nhìn thấy trên bàn thờ có bằng “Tổ quốc ghi công liệt sĩ Rơ Châm Gret...”. Sau đó ông mới hay: Nhiều năm không tìm được tin tức gì, dân làng và các đồng chí, đồng đội đã làm hồ sơ đề nghị và ngày 6/5/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký bằng “Tổ quốc ghi công...”  đối với ông.

Niềm vui đoàn tụ

Gặp lại nhau sau hơn 46 năm (1962-2008) xa cách, chẳng ai nhận ra Gret, kể cả chị ruột của ông họ tên là bà Rơ Châm H’Am Yer. Sau một hồi trò chuyện bằng tiếng Jrai, với những thông tin chính xác về những người thân, cộng với thân hình, đặc biệt nhất là các ngón chân chạc ra giống y như các ngón chân của bà Am Yer, mọi người mới nhận ra ông chính là em ruột của bà Am Yer. Sau đó, dân làng tổ chức các nghi lễ mừng ông trở về, đồng thời hạ bằng “Tổ quốc ghi công...” xuống khỏi bàn thờ, rồi ra khu nhà mồ làm lễ và đào lấy những đồ dùng chia cho ông theo tập quán.

Ông Rơ Châm Phih-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Phí giải thích: “Qua rất nhiều năm liền không biết tin ông ở đây nên dân làng nghĩ ông đã bị địch giết. Dân làng nghĩ ông hy sinh là về a tâu (thế giới của hồn ma) nên anh em trong dòng họ chia quần áo, con dao, cái cuốc, chiêng, ghè... cho ông, rồi đem ra khu nhà mồ của làng chôn cất theo phong tục của người Jrai. Nay ông trở về, dân làng vui mừng làm lễ kinh cáo Yàng và xin ông bà cùng các thần linh đào lấy các đồ vật lên cho ông...”

Biết tin ông Rơ Châm Gret trở về sau hơn 46 năm “làm liệt sĩ”, đại diện các cấp, các ngành đã đến tận nhà chia vui, đồng thời tổ chức xác minh lại sự việc. Kết quả ông Gret đúng thật là du kích của xã Ia Phí trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bị bắt tù đày nhiều năm liền ở nhà lao Pleiku và nhà tù Côn Đảo. Nhà nước đã cấp chế độ chính sách hàng tháng, Ủy ban Mặt trận huyện Chư Păh phân bổ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa và trao tặng cho gia đình ông con bò giống, xã Ia Phí hỗ trợ các loại cây giống...

“Có nhiều tình thương của mọi người, có đất của chị gái H’Am Yer cho, có nhà ở, có chế độ chính sách hàng tháng, có nhiều lần được đi tham quan di tích lịch sử cách mạng ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội... nhà mình vui vẻ, ổn định cuộc sống”, ông bộc bạch.

Về làng Kte tìm được anh chị em và dân làng, ông Rơ Châm Gret vui vẻ trở lại miền Tây đón vợ con lên Tây Nguyên sinh sống đoàn tụ cùng người thân. Đến nay, gia đình ông có 4 cặp vợ chồng và 6 cháu nhỏ ở trong 3 ngôi nhà liền kề bên nhau. Bà Trương Thị Út tươi cười: “Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng được mọi người chia sẻ, động viên nên ai trong gia đình cũng thấy ấm lòng. Nay gia đình đang chuẩn bị lương thực, thực phẩm, hoa quả... để đón Tết Nguyên đán Kỷ hợi năm 2019. Năm nay, gia đình mổ heo to để làm các món đặc sản miền Tây như bánh tét, kho thịt với hột vịt, nấu canh khổ qua nhồi thịt...”.

Nghe vậy, ông Rơ Châm Phih - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Phí cho biết: “Từ ngày gia đình ông bà về làng Kte sinh sống, mọi người đều quý trọng, quý nhất là những ngày Tết Nguyên đán trong làng có nhiều đồ ăn, thức uống. Gia đình ông Gret ăn Tết theo phong tục của người Kinh nên bà con các làng người Jrai trong vùng thường đến học hỏi làm theo. Bà con xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Ia Phí luôn khen ngợi ông Gret kiên trung với cách mạng, có vợ con xinh đẹp, giỏi giang xây dựng văn hóa nông thôn mới...”.

Đọc thêm