Việt Nam không phải là quốc gia ngoại lệ trước tình trạng gia tăng bạo lực đối với nữ giới. Trong 9 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 33.904 vụ bạo lực gia đình và nạn nhân phụ nữ là 12.699 người. Có nhiều nguyên nhân nhưng có thể nói gốc rễ sâu xa nhất của tình trạng này là sự thiên kiến, định kiến về giới đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ trong gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, sự thách thức trong việc thực hiện luật cũng góp một phần không nhỏ.
Bao giờ xã hội có lá chắn hữu hiệu cho nạn nhân bị bạo hành gia đình?. Hình minh họa |
“Quyền” đánh vợ, ngoại tình của đàn ông và “nghĩa vụ” xin lỗi, chịu đòn của phụ nữ
Chị Lương Thị Thúy (HN) là công chức của một cơ quan bộ. Ở cơ quan chị là một cán bộ giỏi, cư xử đúng mực, ở gia đình chị là người vợ, người mẹ đảm đang, chịu thương chịu khó. Nhưng người tinh ý sẽ thấy hiếm hoi nụ cười xuất hiện trên gương mặt chị và thỉnh thoảng trên mặt chị lại có vết hằn đỏ của 5 đầu ngón tay đã được làn phấn dày che bớt. Chị Thúy thường xuyên bị chồng cho ăn bạt tai chỉ vì chị... quá ham học.
Ngày chị cầm quyết định cơ quan cử đi học thạc sĩ về bàn với chồng, chồng chị đã nặng nhẹ mặt mày không đồng ý chỉ vì lý do đơn giản: phụ nữ không cần học nhiều. Nhưng sau khi chị Thúy vẫn quyết tâm đi học, thì suốt quãng thời gian đó anh chồng nghĩ ra đủ chiêu trò hành hạ nhằm làm vợ nản chí. Nhiều hôm chị Thúy ngồi học mà nước mắt cứ chảy lã chã vì nghĩ đến cảnh con đỏ mắt chờ mẹ đón ở trường, còn bố vẫn đang zô zô với bạn ở quán bia.
Cao trào của sự việc là cái ngày chị Thúy nhận bằng thạc sĩ. Ngay tối đó, anh chồng gọi vợ vào buồng và túm tóc tát cho vợ hai cái tối tăm mặt mũi. “Cô đừng tưởng cái bằng thạc sĩ của cô là to mà khinh thằng này nhé”- anh ta tuyên bố. Khi chị Thúy kể lại câu chuyện này với mẹ chồng những mong bà chia sẻ thì mẹ chồng chị lại nói “Lỗi là ở con, con phải xin lỗi nó. Thử hỏi có thằng đàn ông nào nó chịu được cô vợ học cao hơn nó”. Còn mẹ đẻ chị thì cho rằng chức năng cao cả nhất của người vợ là làm vui lòng chồng con, chứ không phải học. “Đồng nát thì về câu Lôm. Con gái học lắm, nỏ mồm thì về ở với cha thôi con ạ ”, bà khuyên.
Câu chuyện của chị Thúy là câu chuyện điển hình về sự định kiến giới dẫn đễn kỳ thị, khinh rẻ và bạo lực đối với nữ giới. Câu chuyện này đã từng được đưa làm ví dụ trong cuốn sổ tay tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Điều đáng nói là những định kiến giới này có ở mọi thành phần xã hội, kể cả trí thức với suy nghĩ: “đàn ông đánh vợ bởi họ nghĩ mình có quyền dạy bảo vợ. Phụ nữ chấp nhận bạo lực vì nghĩ mình có lỗi”. Nhiều chuyên gia phòng chống bạo lực gia đình cho rằng, thay đổi được quan niệm định kiến giới sẽ làm thay đổi được cục diện bạo lực gia đình.
Luật đang vấp phải “lộ trình hạn chế”
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng từ 700 - 900 vụ bạo lực gia đình. Số liệu của TAND tỉnh Yên Bái, từ năm 2001-2011, đã xét xử trên 4.000 vụ ly hôn, trong đó, có trên 55% số vụ liên quan đến bạo lực gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc do nhiều người vẫn quan niệm rằng bạo lực gia đình là “chuyện riêng” của mỗi gia đình còn có nguyên nhân “lộ trình hạn chế” của Luật PCBLGĐ khi đi vào đời sống.
Lý giải về nguyên nhân người dân không hoặc ít hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ, một hội trưởng Hội Phụ nữ xã ở huyện Yên Bình cho rằng: “Ngoài nguyên nhân còn nhiều hạn chế trong việc tuyên truyền Luật, thì trình độ dân trí, ý thức tiếp thu Luật và những bất cập trong ngôn ngữ giao tiếp giữa tiếng phổ thông và tiếng của các dân tộc thiểu số cũng là một trong những rào cản khiến Luật Phòng, chống BLGĐ vẫn chưa thể đi sâu vào cuộc sống”.
Tương đồng nhận định này, tại hội thảo đối thoại chính sách “Tăng cường các giải pháp nhằm cho vấn đề bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam” được Cơ quan LHQ tại Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT&DL đồng tổ chức sáng qua - 23/11 tại Hà Nội, bà Vũ Song Hà - chuyên gia giới của UNFRA đã chỉ ra rằng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc thực hiện hệ thống các VBQPPL liên quan tới phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ.
Cụ thể, theo bà Song Hà, hiện nước ta chưa có một khung giám sát quốc gia về việc thực hiện Luật PCBLGĐ, hệ số chỉ số, việc thu thập số liệu, báo cáo về BLGĐ cũng chưa được thống nhất... Bên cạnh đó, việc thiếu cán bộ làm công tác PCBLGĐ và năng lực cán bộ còn hạn chế cũng là một nguyên nhân không nhỏ. Riêng về vấn đề này, trong một bài viết trước đây về mô hình PCBLGĐ ở Hải Dương, người viết bài này đã từng đề cập đến câu đúc kết rất thật nhưng cũng rất buồn lòng của bà Nguyễn Hà Phương - Phó trưởng phòng, Phòng Nếp sống văn hóa gia đình, Sở VH-TT&DL tỉnh rằng vì nhiều lý do thiếu người, kiêm nhiệm, mỏng đãi ngộ... mà: “Cán bộ PCBLGĐ đang trên con đường trở thành đối tượng của... sách đỏ”!
* “Định kiến giới là biểu hiện của việc thiếu kiến thức về giới. Đó là một trong những khoảng trống trong công tác phòng chống bạo lực gia đình hiện nay. Một khi định kiến giới còn tồn tại thì tình trạng bạo lực gia đình lên phụ nữ sẽ vẫn còn tiếp diễn. Vì thế, việc thay đổi quan niệm về giới sẽ làm thay đổi cục diện công tác phòng chống bạo lực gia đình”. Bà Nguyễn Vân Anh (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, Gia đình và phụ nữ - CSAGA) * “Để giải quyết tình trạng bạo lực giới dưới mọi hình thức, điều cốt yếu là phải xây dựng cách tiếp cận toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào bạo lực gia đình mà phải mở rộng ra cả các vấn đề khác như xâm hại, bạo lực ngoài gia đình, ví dụ tại nơi làm việc hay nạn buôn bán phụ nữ”. Bà Pratibha Mehta (Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam) |
(còn tiếp)
Hồng Minh