Vì sao lấy người nước ngoài?
Về mặt khách quan, sự gia tăng các quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài là kết quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế, xã hội trong xu thế hội nhập. Sự mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu trên mọi lĩnh vực giữa các nước trên thế giới, là cơ hội cho nhiều người nước ngoài đến Việt Nam công tác cũng như công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp gỡ, giao lưu tìm hiểu nhau.
Đây là những trường hợp lấy nhau vì tình yêu. Một cô gái Việt thấp bé, nhẹ cân có thể sánh vai một anh chàng tóc vàng, mắt xanh cao lênh khênh với tình yêu xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, lại có những cuộc hôn nhân do nguyên nhân khác. Đời sống kinh tế tại nhiều khu vực nông thôn còn khó khăn, lao động thành niên không có việc làm cùng với mạng lưới môi giới hôn nhân bất hợp pháp với nhiều chiêu thức hoạt động tinh vi đã dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ nông thôn lấy chồng nước ngoài.
Nhiều cô gái cósuy nghĩ rằng mình kết hôn với người nước ngoài thì gia đình sẽ có một khoản tiền để trang trải cuộc sống, thậm chí có trường hợp kết hôn với người nước ngoài chỉ vì không muốn sống cùng gia đình nữa hoặc ước mơ muốn đi máy bay một lần trong đời...
Không phải cô gái nào cũng có điều kiện thuận lợi để lấy chồng nước ngoài sau một thời gian tìm hiểu, yêu đương. Với những chị em không có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài và khả năng ngoại ngữ hạn chế, cách đơn giản nhất là nhờ mai mối.
Một phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc đã chia sẻ: “Lấy một người qua mai mối vẫn biết là hên xui, nhưng cả trăm người hên thì cũng có vài ba người xui là cùng chứ mấy”
Và hy vọng: "Lỡ mình có xui lấy phải người chồng không tốt thì cũng có chút đỉnh báo hiếu cha mẹ khi lấy chồng, cũng có cơ hội được đi máy bay một lần trong đời... Lỡ chồng có đánh thì mẹ cha ở xa cũng không phải đau lòng chứng kiến…”.
Xu hướng chuộng chồng “Tây”
Trong số các ông chồng nước ngoài, chồng “Tây” dường như vẫn được phụ nữ Việt ưu ái chấm điểm cao. Hàng loạt người mẫu, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đều lấy chồng người nước ngoài, đa phần là “chồng Tây” và thường xuyên khoe hình ảnh hạnh phúc, sung túc càng khiến các diễn đàn của phụ nữ "sôi sục" bàn tán.
Theo giải thích của những người chuộng chồng “Tây”, khác biệt hơn hẳn giữa họ với đàn ông Việt là cách cư xử. Khi yêu, các chàng trai ngoại quốc hiểu tâm lý phụ nữ, biết quan tâm tới cảm xúc cũng như tâm tư, tình cảm của các nàng. Chị Bùi Bảo Phương, 36 tuổi, đang sống cùng chồng người Anh và con trai 3 tuổi tại TP.HCM, tâm sự:
"Bạn trai cũ của tôi, lúc thấy tôi buồn cũng có hỏi thăm, nhưng thấy tôi bảo không sao là anh ấy cũng thôi luôn, coi như không có chuyện gì. Nhưng người yêu bây giờ của tôi người Anh, sẽ gặng hỏi cho bằng được và cùng tôi giải quyết vấn đề. Anh ấy cũng lãng mạn hơn".
Hình minh hoạ |
Chia sẻ về người chồng Hà Lan của mình sau khi cưới, một nữ ca sĩ cho biết: "Anh ấy luôn biết yêu và tôn trọng vợ trong mọi hoàn cảnh. Đó là khi tôi rất nữ tính, hay tính cách bốc đồng của tôi mà không phải ai cũng thích được, thì anh lại yêu nhất.
Anh yêu cả những ưu điểm và nhược điểm của tôi. Đôi khi, những nhược điểm của tôi lại mang lại tiếng cười cho anh ấy. Chồng tôi là người đàn ông bản lĩnh.
Quan trọng nhất, anh ấy là người thẳng thắn, cương trực, nói được làm được, đặc biệt là người vui tính. Chồng tôi luôn tạo cho tôi cảm giác mình được yêu thương”.
Những cảm xúc như thế, thử hỏi phụ nữ nào không mơ ước?
Nguyên nhân lớn nhất khiến phụ nữ Việt tìm đến chồng là người nước ngoài bởi họ sợ tính gia trưởng của nhiều ông chồng Việt. Thể hiện rõ nhất là việc ít ông chồng sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với vợ như chăm con, nấu cơm, rửa bát, lau nhà... mà xem đó là bổn phận của người phụ nữ.
Đó là chưa kể, chị em vẫn phải ra ngoài đi làm vất vả và kiếm tiền không kém gì chồng. Trong khi đó, người chồng phương Tây luôn mong muốn được làm các việc đó giúp vợ.
Giữa nhiều chủ đề tranh cãi về những khác biệt của đàn ông Việt và Tây, vấn đề trinh tiết được nói tới nhiều nhất. Tôn trọng quá khứ của nhau là nguyên tắc của đàn ông phương Tây, nhưng điều này không dễ dàng với những người chồng Việt.
Trong nhiều câu chuyện, rất nhiều ông chồng còn cảm thấy dằn vặt khi biết trước mình, vợ từng ân ái với người yêu cũ. Trước khi lấy người chồng Anh, chị Phan Uyên ở Hà Nội đã từng bỏ chồng Việt vì thường xuyên bị đánh đập và không được chia sẻ tình cảm.
“Cuộc sống trước đây thực sự khiến tôi sợ hãi. Anh ta (chồng cũ chị Uyên) thường xuyên nhậu nhẹt, ít quan tâm tới con, không bao giờ giúp tôi việc nhà, thậm chí còn đánh tôi những lúc say quá. Anh ta còn bảo, đứa con không phải của mình, chỉ vì khi lấy anh, tôi đã không còn là con gái".
Kết ngắn:
Trong một cuộc khảo sát do một trang điện tử tổ chức với sự tham gia của 3.000 độc giả, 70% số người được hỏi khẳng định, dù chồng Tây hay ta, họ sẽ lấy nếu có tình yêu, sự tin tưởng và người đó biết chia sẻ, quan tâm.
Ở đâu cũng có người này, người kia, không phải đàn ông Tây nào cũng tốt và không hẳn tất cả các ông chồng Việt đều vô tâm, gia trưởng, hẹp hòi. Chỉ cần tìm được người hiểu, yêu thương và biết cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình thì dù là chồng Tây hay ta, phụ nữ cũng không quá để ý. Đây cũng là cốt lõi để hôn nhân bền vững./.