Dân phòng có được bắt giữ, còng tay người dân?

(PLO) - Vụ việc "dân phòng đánh người bán hàng rong" gây bức xúc trong dư luận thời gian qua đã đặt ra một vấn đề cần bàn cho rõ: Lực lượng dân phòng, trật tự đô thị cụ thể là ai, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của họ đến đâu?.
Dân phòng có được bắt giữ, còng tay người dân?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về lực lượng dân phòng mà chỉ có quy định về “Đội dân phòng” theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy với nghĩa là “tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú”. 
Các đội, tổ quản lý trật tự đô thị cũng vậy, vẫn chưa được quy định cụ thể. Hiện nay, chỉ có các quy định tương đối cụ thể liên quan đến dân quân tự vệ (theo Luật Dân quân tự vệ), bảo vệ dân phố (theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP) và có lẽ người dân quen gọi chung tất cả lực lượng này là “dân phòng”. 
Tuy nhiên, dù là lực lượng nào, nhiệm vụ và quyền hạn tới đâu đi nữa thì đều phải tôn trọng nhân dân, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, phải hành xử, xử lý các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình đúng pháp luật. 
Hiến pháp của chúng ta từ trước đến nay, đặc biệt là bản Hiến pháp vừa mới được Quốc hội thông qua đều tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”, việc bắt, giữ người phải đúng quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp của anh Trịnh Xuân Tình mà báo chí vừa phản ánh. Nếu đúng theo thông tin báo chí đã nêu, tôi cho rằng hành xử như vậy thật khó chấp nhận, không phù hợp trong cách xứng xử của cán bộ với nhân dân và không đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, theo báo chí phản ánh, tôi thấy có sử dụng đến công cụ hỗ trợ (còng số 8) để bắt giữ anh Tình. Ở đây cần làm rõ Tổ công tác, cụ thể là ai được giao và sử dụng công cụ hỗ trợ, có quyền được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ hay không. 
Theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho các đối tượng luật định, chủ yếu là Quân đội, công an, dân quân tự vệ; Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo thông tin báo chí, Tổ công tác cho rằng anh Tình bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường nên tiến hành xử lý vi phạm, yêu cầu anh Tình về Phường để xử lý nhưng anh Tình không chấp hành, xảy ra cự cãi nên “cán bộ” đã đánh anh Tình, còng tay anh để trấn áp, đưa lên xe. 
Tôi cho rằng đây là hành vi bắt giữ người. Mà trường hợp này anh Tình không phạm tội gì để phải bị bắt cả. Hiến pháp quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”. 
Đó cũng là nguyên tắc được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và bắt người là biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người đã thực hiện tội phạm chuẩn bị bỏ trốn. Bắt người không được áp dụng đối với người vi phạm hành chính. 
Nếu Tổ công tác muốn tạm giữ, áp giải người vi phạm hành chính để xử lý thì cũng phải căn cứ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo điểm a khoản 1 Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải nếu như người vi phạm đó thuộc trường hợp bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính. 
Mà theo Điều 122, Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định 112/2013/NĐ-CP (vừa có hiệu lực ngày 17/11/2013) thì tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Quyết định phải được người có thẩm quyền ban hành.
Như vậy, có thể thấy nếu anh Tình bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường, chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, vì không chấp hành “mệnh lệnh” về phường để xử lý mà bị “Tổ công tác” còng tay, bắt giữ, thậm chí bị đánh đến ngất xỉu thì rõ ràng họ đã quá sai và vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thậm chí không loại trừ trường hợp có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. 
Tôi cho rằng các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền (cao hơn những người trong tổ công tác này) cần làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những người lạm quyền, vi phạm pháp luật, trả lại lòng tin cho nhân dân, đừng để người dân dị nghị “quan quan tương hộ” như thời phong kiến.
Ngày 7/12, anh Lê Văn Trường là em vợ của anh Trịnh Xuân Tình, đã gửi đơn tường trình đến UBND và Công an phường 25 quận Bình Thạnh yêu cầu giải quyết vụ việc thành viên đội trật tự phường này còng tay, đánh người, chích điện đến ngất xỉu. 

Theo đơn tường trình của anh Trường, vào khoảng 17h ngày 6/12, anh Trịnh Xuân Tình có bán trái cây dạo trước số nhà 11B5 cư xá 30/4, P.25, Q. Bình Thạnh. Khi đó, đội trật tự và dân phòng P.25, Q. Bình Thạnh đi tới và tịch thu đồ đạc của anh Tình. Anh Tình có giằng lại hàng hóa của mình thì 4 người áo xanh thuộc trật tự phường cũng giằng qua giằng lại.

“Sau đó, các anh trật tự và dân phòng đánh đập anh tôi, bóp cổ, còng tay, đánh vào mặt, bóp hầu, túm tóc và chích điện 4 lần, xốc lên xe Dream chở đi nhưng anh tôi nhoài người xuống. Đội trật tự tiếp tục bốc bỏ lên ô tô nhưng anh tôi lại nhảy xuống van xin đội trật tự song không được”, anh Trường viết trong đơn tường trình. Ngày 7/12, anh Lê Văn Trường là em vợ của anh Trịnh Xuân Tình, đã gửi đơn tường trình đến UBND và Công an phường 25 quận Bình Thạnh yêu cầu giải quyết vụ việc thành viên đội trật tự phường này còng tay, đánh người, chích điện đến ngất xỉu. 

Theo đơn tường trình của anh Trường, vào khoảng 17h ngày 6/12, anh Trịnh Xuân Tình có bán trái cây dạo trước số nhà 11B5 cư xá 30/4, P.25, Q. Bình Thạnh. Khi đó, đội trật tự và dân phòng P.25, Q. Bình Thạnh đi tới và tịch thu đồ đạc của anh Tình. Anh Tình có giằng lại  hàng hóa của mình thì 4 người áo xanh thuộc trật tự phường cũng giằng qua giằng lại.

“Sau đó, các anh trật tự và dân phòng đánh đập anh tôi, bóp cổ, còng tay, đánh vào mặt, bóp hầu, túm tóc và chích điện 4 lần, xốc lên xe Dream chở đi nhưng anh tôi nhoài người xuống. Đội trật tự tiếp tục bốc bỏ lên ô tô nhưng anh tôi lại nhảy xuống van xin đội trật tự song không được”, anh Trường viết trong đơn tường trình.