Bao giờ xã hội hết kỳ thị người nghiện?

(PLO) - Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến 31/12/2106 cả nước có trên 210 nghìn người nghiện ma túy và chủ yếu rơi vào độ tuổi lao động. Người nghiện không những phải chịu tác hại của ma túy mà còn gánh sự kỳ thị, phân biệt đối xử của gia đình, xã hội. 20,2% người nghiện cho biết bị gia đình kỳ thị, 40,6% bị coi thường, 30,7% bị người khác tránh, 26,7% bị người khác miệt thị…
Bị kỳ thị khiến người nghiện khó có thể cai nghiện thành công (ảnh minh họa  điều trị cho học viên tại một trung tâm GDLĐXH).
Bị kỳ thị khiến người nghiện khó có thể cai nghiện thành công (ảnh minh họa điều trị cho học viên tại một trung tâm GDLĐXH).

 “Thằng nghiện” “con nghiện” vẫn là cách gọi phổ biến

“Bóng ma của ma túy khiến sự bình yên của xóm làng đã biến mất, không còn có chuyện đi ngủ không đóng cửa” – đó là lời cảnh tỉnh của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm trong buổi tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta” diễn ra ngày 14/6 do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI tổ chức.

Ông Đàm đưa ra con số cả nước có trên 210 nghìn người nghiện theo thống kê của Bộ Công an đến hết năm 2016, tuy nhiên đây chỉ là con số quản lý được, còn phần chìm của “tảng băng” vẫn chưa thể đo đếm hết được. Rất nhiều người nghiện bị lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy, trong đó có cả học sinh, sinh viên, 70% số xã phường có người nghiện. Tình trạng sử dụng ma túy đá trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và không ít những vụ trọng án có sự “nhúng” tay của ma túy…

“Những con số cho thấy cuộc đấu tranh với ma túy còn hết sức phức tạp và cai nghiện là một trong những vũ khí để cứu cộng đồng khỏi thảm họa ma túy. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam hiệu quả cai nghiện vẫn rất thấp, dù rằng theo Tổ chức Y tế Thế giới, nghiện ma túy là một chứng bệnh của não bộ và hoàn toàn có thể chữa được. Vẫn biết rằng cai nghiện thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người nghiện, nhưng bên cạnh đó là sự hỗ trợ của gia đình, xã hội.

Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn còn tình trạng kỳ thị người nghiện với cách gọi “thằng nghiện”, “con nghiện”, bên cạnh đó, sự bỏ mặc của gia đình, cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực cho công tác cai nghiện còn quá thiếu. Tôi đọc báo thấy có trường hợp ông bố đã chấp nhận nghỉ làm một thời gian để đồng hành cùng con cai nghiện và họ đã thành công.

Nói thế để thấy sự hỗ trợ của gia đình, xã hội cho việc cai nghiện của người nghiện là rất quan trọng. Và đổi mới công tác cai nghiện là điều chúng ta cần làm” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.  

Sẽ có quy định pháp luật về cai nghiện tự nguyện

Là một trong những động thái của tiến trình đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam, đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH. Theo ông Lập, chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những bất cập dẫn đến tồn tại: sau khi chấp hành cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện từ 1-2 năm khi trở về cộng đồng thì tỷ lệ tái nghiện vẫn rất cao đến trên 90%; số người nghiện ma túy không ngừng gia tăng bình quân năm sao cao hơn năm trước khoảng 6-8%.

“Đổi mới công tác cai nghiện là đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm nghiện ma túy là bệnh mãn tính nên cai nghiện là quá trình lâu dài làm thay đổi nhận thức, hành vi, đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị, tăng cai nghiện tự nguyện ở gia đình, cộng đồng, giảm dần cai nghiện bắt buộc tại cơ sở.

Chính vì thế, cần thiết phải sửa Luật Phòng chống ma túy với cách tiếp cận mới chỉ ra ba giai đoạn sử dụng – lạm dụng – lệ thuộc, từ đó phân định rõ ai là người sử dụng, ai là người nghiện lệ thuộc để có cách tiếp cận hiệu quả. Với cách tiếp cận này, theo tôi chỉ có khoảng 40% người nghiện có nhiều khả năng gây họa cần thiết phải đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, còn 60% nghiện đơn thuần hoàn toàn có thể cai tự nguyện tại gia đình, cộng đồng”, ông Nguyễn Xuân Lập nêu quan điểm. 

Để khuyến khích việc cai nghiện tự nguyện, tới đây, theo ông Lập, sẽ xây dựng nghị định về cai nghiện tự nguyện để giúp người cai nghiện dễ dàng về thủ tục và được hưởng chế độ hỗ trợ,  cân nhắc thí điểm mô hình tòa án ma túy ở Việt Nam, trong đó người nghiện được quản lý, theo dõi, tư vấn…

Đọc thêm