Bão Linda - bài học đắt giá

(PLO) - Cách đây 20 năm, ngày 2/11/1997, cơn bão số 5 (tên quốc tế là Linda) đã đổ bộ vào miền Nam nước ta, gây hậu quả nghiêm trọng với hơn 3.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ.
Tàu bè vỡ tan do bão Linda
Tàu bè vỡ tan do bão Linda

Nhìn lại cơn bão này, nhiều chuyên gia nhận định, chúng ta đã có được nhiều bài học về công tác ứng phó với thiên tai - những bài học phải trả bằng cái giá quá đắt.

Cơn bão khủng khiếp

Với hầu hết người dân Nam bộ, 20 năm trước, cơn bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long là cơn bão lớn đầu tiên phải đối mặt, nhưng lại là cơn bão ám ảnh cả đời. Cơn bão thảm khốc này bất ngờ đổ bộ vào vùng đất “trăm năm không có bão”, gây ra thiệt hại nặng nề, khiến hàng nghìn người dân 21 tỉnh Nam bộ thiệt mạng và mất tích.

12 giờ trưa ngày 2/11/1997, tâm bão số 5 đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11, 12. Bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau-Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan. 

Trước khi bão tới, dù đã có những cảnh báo đến người dân, nhưng do bão di chuyển nhanh hơn dự kiến và đây cũng là khu vực hiếm khi gặp phải xoáy thuận nhiệt đới nên ít có kinh nghiệm đối phó. Bão nhiệt đới Linda đã trút xuống một lượng mưa lớn trên khắp miền Nam Việt Nam, tối đa đạt 23,3cm tại Cần Thơ. Thiệt hại ở khu vực này là nặng nề, đặc biệt tại tỉnh cực Nam Cà Mau nơi cơn bão tấn công trực tiếp. Một số tỉnh khác cũng chịu tổn thất nghiêm trọng là Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Khi đó, được nhận định bão số 5 rất mạnh và “dị thường”, ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương đã chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai gọi điện đến tất cả các lãnh đạo địa phương vùng có bão để cảnh báo, nhưng cả cán bộ, chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây đều cho rằng “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng với bão”. Trong khi đó, bão số 5 đi ở vĩ tuyến rất thấp, sát với bờ biển, sát với vùng đánh cá, sát với vùng sinh sống của người dân. 

Sự chủ quan đã phải trả một giá cực kỳ đắt khi cơn bão lịch sử Linda gây nên một thảm họa kinh hoàng làm hơn 3.000 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ, cảnh tượng tan hoang chưa từng thấy. Theo thống kê của cơ quan chức năng, bão số 5 năm 1997 đã gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ với thiệt hại vật chất ước tính gần 7.200 tỷ đồng...

Hiện nay, tại những địa phương có nhiều người chết và mất tích, tượng đài Linda đã được xây dựng để tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão số 5. Và trên các tượng đài này ghi lại những con số thiệt hại như một lời nhắc nhở cho nhiều thế hệ sau về ý thức rằng, thiên tai có thể đến ngay khi chúng ta ít lường nhất.

Bài học từ 20 năm trước

Dù cơn bão đã qua 20 năm nhưng chưa ai hết bàng hoàng, không chỉ vì thiệt hại thảm khốc mà còn là sự chủ quan, lúng túng trong công tác ứng phó với thiên tai từ các cơ quan chức năng đến người dân. 

Trong ít nhất nửa thế kỷ, chưa bao giờ người dân Nam bộ biết đến khái niệm bão,  điều này khiến chính quyền không vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, ứng phó, dẫn đến thiệt hại lớn. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng được cho là yếu tố cốt lõi giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay.

Bên cạnh đó, qua từng cơn bão hay những thiên tai gặp phải cần rút kinh nghiệm, bài học thiết thực, phù hợp, là phải lăn vào vùng bão, chủ động, quyết liệt, không thể “nghe điện thoại rồi chỉ đạo”. Đặc biệt, lấy tiêu chí tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết, để chủ động phòng tránh, chủ động thông tin đến người dân và các cấp chính quyền. Do đó, các địa phương cần ngày càng hoàn thiện, nâng cao năng lực điều hành, ứng phó kịp thời thiên tai.

Và để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả hơn, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, trong đó có dự báo bão; nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc tránh trú bão (bởi hiện vẫn còn hiện tượng ngư dân tắt các thiết bị liên lạc, tiếp tục đánh bắt khi đã có lệnh về nơi trú ẩn); đầu tư cơ sở hạ tầng tránh trú tàu thuyền, khôi phục rừng phòng hộ ven biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê điều.

Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai từ trước tới nay để đúc rút thêm kinh nghiệm trong công tác điều hành, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

“Ngày 3/11, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cũng sẽ dành nửa ngày để nói về công tác phòng, chống thiên tai. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sẽ vào Cà Mau để dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong cơn bão Linda cách đây 20 năm” – ông Trần Quang Hoài cho biết thêm.

Ngày 2/11, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm cho đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số 5. Lễ tưởng niệm được tổ chức tại xã Khánh Hội (huyện U Minh). Đồng thời, 2 địa điểm khác cũng tổ chức lễ tưởng niệm là thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).

Đọc thêm