Bảo vệ môi trường làng nghề: Cần nhiều 'cú hích'

(PLO) - Bao giờ làng nghề hết ô nhiễm? Với thực trạng đang ngổn ngang những bất cập, thật không dễ có câu trả lời. Song, theo nhiều chuyên gia, chỉ khi đồng bộ nhiều giải pháp và có nhiều hơn những “cú hích” mang tính mô hình điểm thì tình trạng ô nhiễm ở làng nghề sẽ cơ bản được khắc phục. 
Làng nghề tái chế ở Tiên Dược, Sóc Sơn gây ô nhiễm.
Làng nghề tái chế ở Tiên Dược, Sóc Sơn gây ô nhiễm.

Ô nhiễm làng nghề ngày càng gia tăng

Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 10km, song khi về Tân Triều, khó ai có thể tin rằng đây là một xã ở Thủ đô bởi sự nhếch nhác và ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề gây ra. Làng Triều Khúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh Triều Khúc bị ô nhiễm nặng. Hầu hết các ao hồ trong làng đều không thể nuôi được cá do tiếp nhận một lượng nước thải do sản xuất rất lớn.

Đáng nói, Triều Khúc không phải là làng nghề duy nhất trên địa bàn Hà Nội gây ô nhiễm môi trường. Theo những thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Trong đó, tồn tại một thực trạng, không ít các nhóm cơ sở sản xuất núp bóng làng nghề để “né” các loại phí, thuế, trốn tránh chế tài về bảo vệ môi trường. 

Mặc dù gây ô nhiễm song hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội lại thu hút một lượng lớn lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương có nghề. Theo thống kê, hiện có gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất trong các làng nghề, trong đó có hơn 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Sống vì nghề, chết cũng vì nghề như một vòng luẩn quẩn khó cải thiện khiến tình trạng ô nhiễm làng nghề luôn âm ỉ, nhức nhối. 

Quy hoạch lại sản xuất làng nghề

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng tăng, đặc biệt là nước và khí thải đều trong tình trạng đáng báo động, Hà Nội đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với nhiều giải pháp cụ thể. Chia sẻ tại hội nghị thông tin báo chí của Thành uỷ Hà Nội mới đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) cho biết, để bảo vệ môi trường làng nghề, Sở đã có văn bản về việc thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng 2030 gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã (nơi có làng nghề) để chủ động xây dựng kế hoạch. 

Trong đó, giai đoạn 2017 - 2018 tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề và đánh giá phân loại làng nghề. Theo đại diện Sở TN&MT, thành phố đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xã hội hoá và quản trị chất thải (rắn, lỏng, khí) cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Trong nhóm giải pháp về chính sách, Hà Nội theo dõi, xác định các làng nghề ô nhiễm và đề xuất phương án xử lý. Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường tại làng nghề. Nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề…

Một nhóm giải pháp quan trọng Hà Nội đặt ra là quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Giải pháp này áp dụng trong một số hình thức, tuỳ thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương. Đó là, quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp: Quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề.

Trong khi các ban, ngành liên quan đang loay hoay tìm giải pháp cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường làng nghề thì ở Vĩnh Phúc – một địa phương “sát vách” Hà Nội mô hình xử lý ô nhiễm bụi gỗ, bụi sơn bằng hệ thống lò, máy hút bụi ở làng nghề đang từng bước phát huy hiệu quả. 

Theo tìm hiểu, dù mới chỉ được triển khai thực hiện thí điểm trong 2 năm (2015 - 2016) nhưng cho đến nay, dự án “Hỗ trợ nhân rộng mô hình xử lý bụi gỗ, bụi sơn tại các làng nghề mộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” đã cho thấy những hiệu quả tích cực. 

Dự án được triển khai thực hiện tại 5 địa phương có làng nghề mộc truyền thống: Thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên); các xã, thị trấn: Yên Lạc, Yên Phương (Yên Lạc); An Tường, Lý Nhân (Vĩnh Tường). Thông qua hình thức hỗ trợ xây dựng từ ngân sách nhà nước và vốn đối ứng từ các hộ làm nghề, đến năm 2016, tổng số lò đã được xây dựng, nghiệm thu và đưa vào sử dụng là 135 lò, đạt 150% kế hoạch trong năm 2016, hoàn thành 100% kế hoạch dự án.

100% các lò được xây dựng đảm bảo yêu cầu về thiết kế kỹ thuật, chất lượng vật liệu, vận hành tốt, góp phần giảm thiểu được 80 - 90% lượng bụi gỗ, bụi sơn thải ra môi trường. Có thể khẳng định mô hình và hình thức hỗ trợ xử lý ô nhiễm ở Vĩnh Phúc khá hiệu quả, có thể áp dụng nhân rộng nếu có kinh phí và sự “chung tay” của các hộ làm nghề. 

Đọc thêm