Bất lực nhìn con gái chết mòn trong tay con rể

(PLO) - Đó là tâm trạng một người mẹ mấy năm nay chạy đôn chạy đáo khắp các cơ quan công quyền để đòi lại quyền giám hộ, chăm nom con gái mình từ con rể. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, “Sống quê cha, ma quê chồng” - những quan niệm vốn được xem là yếu tố tập quán, văn hóa đã trở thành rào cản với người mẹ và cả pháp luật... 

Bất lực nhìn con gái chết mòn trong tay con rể
Khi mẹ vợ và con rể thành “đối thủ”
Không bà mẹ nào nghĩ đến ngày mình phải bất lực nhìn con gái mình dứt ruột đẻ ra thân thể chết dần chết mòn, tài sản riêng ly tán, thất thoát mà không thể cứu. Thế mà bà N. ở quận 3, TP.HCM đang trong tình cảnh như vậy. Sau một thời gian lấy chồng, chị H. con bà N. bị bệnh lao màng não biến chứng. Từ kế toán trưởng một công ty nước ngoài, sắc sảo, thông minh, chị H. biến thành người không còn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. 
Thương con, tháng 4/2011 bà N. gửi đơn yêu cầu TAND quận Tân Bình ra quyết định tuyên bố chị H. mất năng lực hành vi dân sự, những mong bà sẽ trở thành người giám hộ chăm lo cho con. Nhưng theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Dân sự năm 2005, vì đang trong thời kỳ hôn nhân nên chồng chị H. mới là người giám hộ đương nhiên của chị, chỉ khi nào chồng chị không đủ điều kiện thì cha, mẹ chị mới trở thành người giám hộ.
Nếu con rể bà N. thương yêu, chăm sóc vợ tận tình thì đã không có chuyện. Đằng này, theo bà N.,  chồng chị H. không lo lắng gì tới việc điều trị bệnh cho vợ bởi đơn giản anh ta đã có người phụ nữ khác và có cả con riêng. Không những thế, anh ta còn tự ý bán đi một số tài sản chung của vợ chồng, có mồ hôi, công sức của con gái bà. Bức xúc trước việc làm của con rể, bà N. đã gõ cửa rất nhiều cơ quan như UBND, Công an, Tư pháp… để giành quyền giám hộ con gái (41 tuổi) nhưng bất thành. 
Về đơn khiếu nại của bà N., Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn trả lời tại công văn ký ngày 28/3/2012, theo đó, bà N. phải đến UBND phường nơi bà cư trú để đăng ký làm người giám hộ cho chị H. Tuy nhiên, yêu cầu này của bà N. không được UBND nơi bà N. cư trú chấp thuận. Gửi văn bản đến Bộ Tư pháp, UBND quận 3 nêu: Nghị định 158/2005 của Chính phủ không có quy định và Bộ Tư pháp cũng chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục, biểu mẫu về giám hộ đương nhiên. Để có cơ sở giải quyết hồ sơ của bà N., UBND quận 3 đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể. 
Cũng vì vụ việc này mà các cơ quan liên quan như UBND, Tư pháp… đã họp liên ngành mấy lần trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.
Luật một đằng, quyền người dân một nẻo
Dưới góc độ pháp luật, vụ việc của bà N. không phải là không có hướng giải quyết, tuy nhiên yếu tố văn hóa, tập quán đã góp phần không nhỏ chi phối khiến cho pháp luật lúng túng, “bó tay”. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, “Sống quê cha, ma quê chồng” - những quan niệm vốn được xem là yếu tố tập quán, văn hóa đã trở thành “rào cản vô hình” với bà N. (đây cũng chính là một trong những lý do mà con rể bà N. quyết không trao lại quyền giám hộ vợ mình cho mẹ vợ). 
Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Bộ Tư pháp, tuy Hiến pháp và Bộ luật Dân sự quy định cụ thể về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân về dân sự, nhưng trên thực tế trong xây dựng pháp luật, yếu tố văn hóa, tập quán vẫn còn chi phối rất nặng trong việc thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận này.
Ở góc độ pháp luật, vụ việc của bà N., theo Luật sư Trịnh Thị Bích (Đoàn Luật sư TP.HCM), Tòa án có thể đứng ra giải quyết. Nhưng để giải quyết được thì TANDTC cần có hướng dẫn để các địa phương có thể xử lý rốt ráo các vướng mắc pháp lý liên quan. Từ đó có thể thấy, hiện nay vai trò của Tòa án, thẩm phán, thủ tục tố tụng… còn nhiều bất cập dẫn tới cơ chế thực thi, bảo vệ quyền của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Ví dụ, như thẩm quyền giải thích pháp luật của thẩm phán và việc áp dụng án lệ chưa được ghi nhận đầy đủ. Do đó, thẩm phán còn lệ thuộc vào quy định của luật dẫn tới nguy cơ thẩm phán từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì do không có quy định của luật. 
Bên cạnh đó, do pháp luật tố tụng chưa quy định cụ thể về thủ tục tố tụng đơn giản (thủ tục rút gọn) nhất là đối với những vụ việc đơn giản, cần thực hiện ngay để bảo vệ quyền công dân, quyền con người như việc chỉ định người giám hộ (trường hợp của bà N.), người đại diện… Vì thế, “việc phải thể chế bằng pháp luật và việc thực hiện các quyền con người của người dân cần phải có sự đồng bộ thì người dân mới có thể có công cụ hữu hiệu để thực hiện quyền lợi của mình” - ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.

Đọc thêm