“Búa Trời” giúp gia đình ông thợ rèn vượng phát?

(PLO) - Trong bối cảnh các lò rèn khác đều tắt lửa, chỉ duy nhất một nơi tấp nập người ra vào, khiến người dân đồn thổi, truyền tụng câu chuyện nhuốm màu kỳ bí xung quanh gia đình cụ Thuyền. Dư luận đồn đoán dòng họ này nhận được sự hỗ trợ của một vật may mắn có tên “búa trời”. 
Ông Lý cho rằng gia đình mình làm ăn phát đạt  đều do tay nghề, không liên quan đến “búa trời”
Ông Lý cho rằng gia đình mình làm ăn phát đạt đều do tay nghề, không liên quan đến “búa trời”
Nhờ có “búa Trời” mà làm ăn khấm khá?
Lò rèn nêu trên đã có hơn 100 năm kinh nghiệm, “ông tổ” là cụ Hồ Quang Thuyền (SN 1910), nay đã qua đời. Kế nghiệp cụ, sáu người con trai cũng đã lên chức ông.
Cụ Hồ Quang Thuyền là người đã làm nên tên tuổi cho nghề rèn nông cụ và bốc thuốc ở thôn Liễu Thạnh (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Cụ vốn từ nơi khác đến. Lúc vợ chồng cụ cùng sáu người con đùm đề tìm tới lập nghiệp tại làng Liễu Thạnh, cuộc sống khá vất vả với nghề thợ rèn, quanh năm không đủ ăn. 
Một đêm mưa bão, sấm sét ầm ầm, lo sợ mái tôn nhà bị hư hỏng, cụ Thuyền mới đi ra ngoài tìm cách chèn chống. Nhìn dòng nước lớn bên hông nhà, cụ Thuyền vô tình thấy một cục màu đen xám, hình thù giống như chiếc búa mà cụ vẫn hay dùng để hành nghề rèn. 
Người ta cho rằng trong giông sét như vậy, chiếc búa trên là của thần sét nên ông cụ đem vào nhà cất giữ rất cẩn thận. Từ đó lò rèn của gia đình ăn nên làm ra thấy rõ, đắt khách hơn. Thay vì cơ cực chạy ăn từng bữa, nay chỉ sau một vụ mùa, gia đình cụ đã có của ăn của để, đủ sức nuôi các con khôn lớn?.
Tương truyền xoay quanh “búa trời” vẫn chưa dừng lại. Người ta cho rằng ngoài việc gắn kết mối duyên của nghề rèn với dòng họ, “búa trời” còn dẫn gia đình cụ đến với nghề bốc thuốc. 
Câu chuyện bắt đầu vào năm cụ Thuyền 60 tuổi. Do sức khỏe yếu dần, cánh tay không thể cầm chiếc búa tạ nặng để đập bẹp tảng sắt mà làm thành con dao, lưỡi cuốc… cụ quyết định chuyển sang nghề làm thuốc. Nghề này của của cụ cũng không phải ai chỉ dạy mà từ chiếc “búa trời” kiêm chức năng “thần dược”. 
Bài thuốc rất đơn giản, chỉ với chiếc búa nêu trên, ông cụ mang ra mài trên một đĩa nước nhỏ, lấy thứ nước ấy tẩm vào giấy, khăn, lá cây… giắt ở đầu nôi, đầu giường ngủ chữa bệnh hay giật mình, quấy khóc, khó ngủ ở trẻ nhỏ. 
Trước khi mất, cụ Thuyền đã truyền lại nghề cho các con. Những người con nay đều có một lò rèn của riêng, nằm rải rác khắp các xã trong huyện Thăng Bình, lò rèn nào cũng làm ăn phát đạt. Riêng người con thứ ba tên Hồ Quang Có, vì mất một tay nên không theo nghề rèn của gia đình mà được cha chỉ cho cách bốc thuốc chữa bệnh. 
Lời lý giải từ gia đình chủ nhân “búa Trời”
Ngay trên con đường bê tông nhỏ dẫn vào làng, khách được ông Hồ Quang Lý (con út của cụ Thuyền) tiếp chuyện, cười xởi lởi: “Từ nhỏ tui cũng từng nghe mọi người kể về việc gia đình được “trời ban” chiếc búa có hình chữ T, dày, đen sì, nặng chịch, vừa mang lại may mắn, vừa có công hiệu quả chữa bệnh cho trẻ nhỏ. Nhưng mà nói thiệt, tui cũng... chỉ nghe vậy thôi chứ chưa từng thấy”.
Ông Lý cho biết dòng họ Hồ nhà mình có nguồn gốc từ chợ Đàn (huyện Quế Sơn). Nghề rèn cũng gắn bó với dòng họ nhà ông từ thời ông cố, ông tổ. Đến thời ba ông (cụ Quang Thuyền), do đất đai ở nơi gia đình sinh sống chủ yếu đồi núi, ruộng vườn ít nên không phù hợp cho nghề thợ rèn. Cả nhà kéo nhau xuống vùng đất Thăng Bình vốn bằng phẳng, đồng ruộng nhiều, để tìm cơ hội mưu sinh. 
Với tài khéo léo, cộng thêm sự cần cù, cẩn thận, khi rèn dao thì dao sắc ngọt, rèn liềm thì chấu cắt mịn, rèn cuốc thì cuốc bén … nên lâu ngày khách tìm đến đông đúc. 
Thời điểm đó, ba ông đúng là nhặt được một chiếc búa bình thường. Vì không biết của ai, trả cho ai, nên ba ông mới giữ lại, qua thời gian sử dụng đến nay cũng không còn. Không hiểu sao một số người đã thêu dệt nên những điều lạ xoay quanh cái búa trên.
Tìm về nhà ông Hồ Quang Có (người con theo nghề bốc thuốc), hỏi về  phương thuốc có thành phần “búa trời” mà nhiều người truyền tụng, ông Có cho biết: Khi tuổi cao sức yếu, không làm thợ rèn nữa, những lúc rảnh rỗi, cha của ông mới mang kinh nghiệm mấy mươi năm của bản thân, cho một vài loại cây thuốc nam hái trong vườn, kết hợp với nước mài từ búa để tạo thành bài thuốc trị bệnh cho trẻ con hay quấy, khó ngủ. 
Những thảo dược này hoàn toàn không có tác dụng phụ đối với người dùng, hơn nữa chỉ để ở bên ngoài mà ngửi thôi. Còn riêng “thành phần” búa sắt đưa vào trong bài thuốc, ông Có cho rằng đó là bài thuốc “mẹo” truyền lại từ ngàn xưa. 
“Ví dụ đến nay vẫn có nhiều người áp dụng bằng cách thường giắt theo chiếc búa, con dao cũ, nanh heo, xương cá voi… ở đầu giường, nôi của trẻ nhỏ. Dân gian cho rằng những vật trên sẽ át đước cái “vía” hay khóc hay quấy để giúp trẻ ăn ngon ngủ tốt”, ông Có nói.
Ban đầu, cụ Thuyền chỉ làm để áp dụng trong gia đình, lâu lâu người dân quanh xóm, trong xã, huyện biết và đến học theo. Đến năm 1990, cụ Thuyền qua đời, ông Có mới bắt đầu xin đi học hỏi thêm các bài thuốc nam để hành nghề bốc thuốc. 
Ông Có cho rằng mình không học cao nhưng có được cái tinh tường, biết cách vận dụng khôn khéo thảo dược để cho ra phương pháp trị bệnh phù hợp, chứ không liên quan gì đến “búa trời, thần thánh”. 

Đọc thêm