Cách nào trốn 'đòn trời' giữa 'ổ' giông sét?

(PLO) - Được xem là “ổ giông” của cả khu vực miền Trung, nên chỉ trong vòng 1 tháng  trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra 3 vụ sét đánh, khiến 11 người thương vong.
Cách nào trốn 'đòn trời' giữa 'ổ' giông sét?

Gần đây nhất, khoảng 15h30 ngày 4/6, ông Thái Văn Phước (SN 1961) và ông Phan Thanh Sơn (SN 1974, cùng trú xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) đang đi làm đồng thì bị sét đánh. Trong đó, ông Phước đã tử vong, ông Sơn bị thương nặng. Ông Sơn bị chảy máu ở tai, nên sau khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên – Huế cấp cứu đã được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế cho biết, Huế được xem là “ổ giông” của cả khu vực miền Trung. Trong đó tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Nam Đông. Ở Thừa Thiên Huế, giông thường bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 11, Tháng 1 và tháng 12 hầu như không xảy ra giông.

Về bản chất, sét (hay còn gọi là sự phóng điện giông) là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hoặc giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Dòng điện này có cường độ từ vài chục nghìn tới hơn một trăm triệu vol. Khi phóng tia lửa điện, nhiệt độ tia lửa điện do sét gây ra có thể lên tới hàng nghìn độ C.

Theo ông Hùng, ở TT Huế trong mùa khô năm nay các hiện tượng giông, sét , lốc tố và mưa đá quan sát được nhiều hơn mọi năm.

“Khi thấy giông sét phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn. tuyệt đối tránh đứng dưới cây, các khu vực có địa hình cao trống trải, gần nước, tránh đứng gần những nơi và vật dụng có kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, không đứng gần nhau, đứng hoặc ngồi chụm 2 chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất, làm sao để phần tiếp xúc giữa người và mặt đất là ít nhất, tốt nhất nên đứng nhón chân trên mặt đất hoặc ngồi xuống, lấy tay che tai, đồng thời tắt các đồ dùng điện” - ông Hùng nói về cách phòng chống tai nạn dông sét.

Về cách sơ cứu người bị tai nạn dông sét, ông Hùng cho hay khi người bị sét đánh bị ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng.

Khẩn trương làm ngay hô hấp nhân tạo kết hợp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cứ 5 lần xoa bóp tim ngoài lồng ngực thì hô hấp nhân tạo hoặc thổi ngạt một lần. Làm liên tục như thế 60-90 phút.

Đọc thêm