Cảm động những lớp học tình thương của các cô giáo khuyết tật

(PLO) - Vượt lên những khiếm khuyết về hình thể, những phụ nữ trong bài viết này đã nỗ lực học tập, phấn đấu để trở thành những giáo viên- người ươm mầm cho bao thế hệ học trò. Và rồi bằng trái tim nhân hậu và nhiệt huyết của mình, họ đã mở các lớp tình thương để dạy học miễn phí cho những em nhỏ nghèo, mồ côi, số phận kém may mắn, trong đó có những em bé cùng cảnh ngộ khuyết tật như mình…
Cô giáo Rmah H’Blao.
Cô giáo Rmah H’Blao.

Lớp học thiện nguyện trên cao nguyên 

Nói về lớp học miễn phí của mình, cô giáo Rmah H’Blao (31 tuổi, ở làng Chao Pông, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) không giấu niềm vui và xúc động: “Học kỳ vừa qua lớp học của mình đã có 19 em đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến. Vui và tự hào về các con lắm đó!”. 

Số phận không mỉm cười với Rmah H’Blao khi vào năm lên 3 tuổi, cô gái này bị một trận sốt bại liệt dẫn đến teo một bên cơ chân, co quắp, di chuyển khó khăn. Nhờ sự động viên, chăm sóc của cha mẹ, thầy cô cùng bạn bè nên Rmah H’Blao quyết tâm học tập. Từ nhỏ cô đã mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho đám trẻ trong buôn làng. Tốt nghiệp cấp 3, Rmah H’Blao nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. 

Thế nhưng ước mơ đẹp đẽ đó của cô gái khuyết tật khiến gia đình ái ngại. Hơn ai hết, cha mẹ Rmah H’Blao hiểu nghề giáo viên (nhất là giáo viên ở miền núi) rất vất vả, đòi hỏi phải di chuyển nhiều, mà với Rmah H’Blao việc di chuyển rất khó khăn. Vậy nên gia đình khuyên H’Blao thi vào ngành công nghệ thông tin (không thuộc nhóm ngành sư phạm của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai). Thế nhưng Rmah H’Blao học công nghệ thông tin đến năm thứ 2 thì phải tạm gác giấc mơ đèn sách vì lý do sức khỏe không bảo đảm. Xa rời giảng đường, Rmah H’Blao trở về nhà và quyết định mở lớp học tình thương để dạy học miễn phí. 

Học trò của Rmah H’Blao hầu hết là trẻ em nghèo, bố mẹ nhiều em còn không biết chữ nên không thể chăm lo việc học hành của con cái. Từ khi có lớp học miễn phí của cô giáo Rmah H’Blao, các gia đình có thể yên tâm làm lụng, còn “cái chữ” đã có cô Rmah H’Blao bảo ban, đỡ đần con em họ học hành. 

Lớp học của Rmah H’Blao bắt đầu từ 7h - 10h sáng và 13h - 15h chiều đều đặn hàng ngày, học sinh được nghỉ vào thứ bảy và chủ nhật. Rmah H’Blao cũng tự xây dựng bài giảng để phù hợp với trình độ của từng học sinh. Ngoài dạy văn hóa, Rmah H’Blao cũng chú trọng dạy kiến thức xã hội, kỹ năng cho đám trẻ. Với chiếc máy tính cá nhân được gia đình trang bị cho từ hồi còn đi học cao đẳng, Rmah H’Blao lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Cuối mỗi tuần sẽ có tiết kể chuyện, cô giáo Rmah H’Blao kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn nhằm giáo dục cho các em lối sống đẹp...

Cô giáo Thanh Giang.
Cô giáo Thanh Giang.

Người mẹ của đám trẻ kém may mắn 

Gần bốn chục năm trước, một cơn sốt bại liệt đã khiến cô bé Nguyễn Thanh Giang (ở trú tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) từ một bé gái khỏe mạnh, nhanh nhẹn vĩnh viễn phải nằm một chỗ, không thể tự đi đứng bằng đôi chân của mình.

Không chấp nhận để con gái phải đầu hàng số phận, cha mẹ Giang đã đưa cô đi chữa trị khắp nơi, nỗ lực phẫu thuật nhiều lần nhưng kết quả không mấy khả quan. Do bệnh tật, Giang phải đi học muộn so với tuổi, cô bé rất thông minh, chăm học. Tốt nghiệp cấp 3, Giang thi đỗ vào Khoa Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Ra trường, cô tình nguyện dạy chữ cho đám trẻ khuyết tật, thiểu năng ở địa phương, vừa dạy chữ vừa chăm sóc, trông nom lũ trẻ giúp các gia đình. Lớp này ban đầu chỉ là một phòng nhỏ nằm trong khuôn viên Khu di tích Thành Cổ Loa. 

Năm 2005, với sự định hướng và phối hợp của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh cùng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Cổ Loa, UBND xã Cổ Loa chuyển các em tới 1 phòng học khang trang tại Trường Tiểu học Cổ Loa, xã Cổ Loa để học kiến thức. Được Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh cùng chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện, cô Giang trở thành giáo viên đầu tiên quản lý và thực hiện chương trình dạy chữ cho các em học sinh này. 

Cô Giang nhớ lại: Hồi đầu lớp học có hơn 10 em khuyết tật đủ các lứa tuổi, em lớn nhất là 16 tuổi, nhỏ nhất là khoảng 9 đến 10 tuổi. Đối với một cô giáo dạy Văn lại đi dạy học sinh tiểu học, mà lại là dạy trẻ khuyết tật, trẻ thiểu năng… là công việc cực kỳ khó khăn, vất vả. Công việc thực sự là phép thử thách lòng yêu nghề và sự kiên trì, tình yêu trẻ của cô giáo trẻ. Nhờ sự đồng cảm, yêu thương và kiên nhẫn, cô Giang đã “mở được cánh cửa tâm hồn” vốn tự ti, khép kín, đầy mặc cảm của đám trẻ đặc biệt, dắt chúng ra hòa nhập với cuộc đời bằng lòng yêu thương và bao dung. 

Suốt 7 năm gắn bó với lớp học của trẻ đặc biệt tại Trường Tiểu học Cổ Loa, cô Giang đã đảm nhiệm việc dạy cùng lúc các kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5 cho các học sinh ngồi cùng một lớp học. Đến năm 2012, cô Giang mới được chuyển công tác tại Trường Chuyên biệt Bình Minh - trường dành riêng cho các trẻ khiếm thính và thiểu năng, cũng nằm trong địa bàn huyện Đông Anh (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh). 

Năm 2018 là năm đầu tiên cô Giang được dạy các trẻ khiếm thính. Do trường thiếu nhân lực, trẻ khiếm thính được xếp chung lớp với trẻ thiểu năng, tự kỷ nên lúc đầu cô mất khá nhiều thời gian để tự học ngôn ngữ người khiếm thính bằng sách và qua mạng Internet. Trên lớp, cô phải vừa dùng ngôn ngữ nói, vừa dạy các con bằng ký tự nổi và các ký hiệu. Giờ đây cô Giang đã trò chuyện thuần thục với các con bằng ngôn ngữ khiếm thính. 

Sau 13 năm giảng dạy cho các em, cô không hề cảm thấy áp lực hay mệt mỏi. Với cô, các em học sinh đều rất ngoan, chăm học, rất yêu quý cô, mặc dù nhận thức và tiếp thu còn kém và không giỏi thể hiện tình cảm. Cô Giang tâm sự: “Mình rất yêu công việc này, nhìn các con mình như gặp lại tuổi thơ của mình, không yêu thương sao được!”.

Cô giáo Hồng Yến
Cô giáo Hồng Yến

Lớp học tiếng Anh miễn phí của cô giáo ngồi xe lăn

Cô giáo Lê Thị Hồng Yến (33 tuổi, ngụ phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn, nở nụ cười hạnh phúc giữa đám học trò. Hồng Yến bảo, để đạt được ước mơ truyền dạy kiến thức Anh ngữ cho học trò như hôm nay, cô đã phải trải qua biết bao gian khó. 

Hồng Yến vốn có năng khiếu về hội họa, tốt nghiệp THPT, cô dự định chọn theo học một trường mỹ thuật nhưng vì trường lại ở tỉnh xa nên dự định của cô gái bại liệt đã không thành. Yến tiếp tục thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi và đỗ số điểm khá cao, nhưng số phận trớ trêu khi một lần nữa giảng đường lại khước từ cô bởi trường không tiếp nhận sinh viên khuyết tật vào ngành sư phạm. 

Không bỏ cuộc, cha mẹ động viên và đầu tư cho cô học tin học, tiếng Anh dẫu khi đó chỉ nghĩ để con gái mình khuây khỏa. Thấy cô say mê học tập, phát âm tiếng Anh rất chuẩn, một người họ hàng nhờ cô dạy kèm cho con. Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế mới tạo điều kiện cho thí sinh khuyết tật vào đại học. Nhờ đó, Yến được tuyển thẳng vào Trường Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) khoa Tiếng Anh. Sau 3 năm đèn sách, năm 2015, Yến được nhận bằng cử nhân sư phạm. 

Ra trường, với sự động viên, hỗ trợ của gia đình, Yến mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại nhà. Với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giáo viên lại thân thiện nên lớp học của cô Yến thu hút được nhiều học sinh. Hiện Yến trực tiếp giảng dạy nhiều lớp học tiếng Anh trình độ từ lớp 3 đến lớp 9 với hơn 120 học sinh. 

Lớp học tiếng Anh của cô Yến không chỉ được bồi dưỡng kiến thức mà còn truyền thụ những câu chuyện cuộc sống hết sức nhân văn, thắp sáng những ước mơ cao đẹp cho các học trò. Yến tâm sự: Hiện tại cô rất vui và hứng thú với công việc của mình. Cô cũng chia sẻ đang ấp ủ ước mơ sau này sẽ sáng tác văn học, viết lên những câu chuyện đẹp đẽ, nhân văn từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống này.

Đọc thêm