Chuyện tình cổ tích trên đồi chè

(PLO) - Người đàn ông già nua mất một tay, mù một mắt, kết duyên cùng cô thiếu nữ xinh đẹp của xứ chè. Môi nhân duyên như một sự sắp đặt trớ trêu của ông Tơ bà Nguyệt, nhưng lại có một cái kết như cổ tích. 
Nụ cười của anh chị thêm rạng rỡ giữa nương chè.
Nụ cười của anh chị thêm rạng rỡ giữa nương chè.
Chúng tôi đến xã Tân Cương đúng vào lúc những búp chè đang xanh non mơn mởn. Khắp các đồi chè, nhấp nhô những gái, những trai, những tiếng cười nói hân hoan của người dân trong mùa thu hoạch. Người dân ở đây bảo, chè Tân Cương đã trở thành ông tơ, bà nguyệt se duyên cho bao đôi trai gái, trong đó có cặp vợ chồng anh Tuy, chị Ánh. Hành trình đến với nhau của họ nhọc nhằn nhưng lại có một cái kết thật ngọt ngào.
Người ta ghi nhớ tuổi 17 như một khoảnh khắc tươi đẹp nhất của đời người, còn anh Phạm Ngọc Tuy (sinh năm 1963) ghi nhớ tuổi 17 của mình bằng sự đau thương, mất mát khi mất đi một phần cơ thể. Anh kể: “Một hôm trong khi đang làm đất trên đồi chè, tôi quốc phải một quả mìn còn sót lại từ thời chiến tranh. Nó phát nổ, đánh bay luôn một cánh tay và  một con mắt của tôi. Trước khi ngất lịm đi tôi còn kịp nhìn thấy máu mình chảy đỏ những gốc chè”.
Vào viện trong tình trạng nguy kịch, sau khi chạy chữa, bác sĩ nói anh Tuy chỉ còn 5% cơ hội sống. Sự tỉnh lại của anh như một điều kì diệu ở xứ chè, nhưng cơ thể anh thì không còn lành lặn. “Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” đối với anh thế là hết. Anh đã nghĩ, suốt cuộc đời còn lại của mình sẽ nhìn đời bằng một con mắt và làm việc bằng một cánh tay. Mà một cánh tay thì làm gì được…
Suy nghĩ đó đã nuôi nấng sự mặc cảm trong anh ngày một lớn. Anh Tuy là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ đã già, lại bệnh tật, mọi việc trong nhà đang chờ anh gánh vác. Nhưng gánh vác bằng cách nào khi ngay cả việc cầm chiếc kim khâu áo anh cũng không làm được? Che một bên mắt lại thì mắt kia mờ tịt, cả thế giới tối om. Hoang mang và lo sợ. Đã có thời gian anh đi lang thang khắp Thái Nguyên để lẩn tránh sự bất hạnh của số phận và trách nhiệm của người con trai cả trong gia đình.
Hồi sinh với nương chè
Phải mất đến hai năm anh mới ổn định lại suy nghĩ cũng như cuộc sống của mình. Anh Tuy tâm sự: “Nói đúng ra thì phải cảm ơn cái ông cụt hai tay trên ti vi. Nhìn thấy ông ấy cụt tay mà vẫn có thể làm giàu, tôi nghĩ mình vẫn còn một tay, tại sao lại không làm được”. 
Anh bắt đầu tập làm mọi thứ từ một bàn tay. Ban đầu là việc cầm cái chổi quét nhà, rồi sau đó đến việc khó hơn là cầm cái cuốc. Anh lấy phần tay còn lại của cánh tay bị mất ghì chặt chiếc cuốc vào nách, rồi lấy cánh tay lành lặn giữ lấy phần phía dưới thân cuốc. Những nhát cuốc đầu tiên hời hợt, nông toẹt, không đủ làm miếng đất mềm “bật dậy”. Nhưng tập dần, tập dần, nhát cuốc sâu hơn, dứt khoát hơn và miếng đất cứng nhất cũng phải khuất phục. 
Đập mạnh vào cánh tay tàn tật, anh cười: “Nói thì đơn giản vậy chứ lúc tập làm cũng vất vả và đau lắm. Người ta thì chai ngón và lòng bàn tay, còn tôi thì chai sạn cả một phần bắp tay vì phải ghì vào cuốc”.
Ngoài 20 tuổi, anh Tuy khởi nghiệp bằng cách đi buôn trâu. Nhưng nhìn anh tàn tật, người ta kháo nhau: “Người này dắt con trâu còn chẳng nổi, nói gì đến đi buôn”. Hơn nữa, cũng chẳng ai tin anh có vốn nên không muốn làm ăn, buôn bán cùng. Anh Tuy mặc kệ, không buôn được gần thì anh buôn xa. Anh đi khắp vùng Tuyên Quang, Bắc Kạn để tìm trâu đẹp rồi bán lại cho người ta với giá đắt hơn lấy lãi.
Trong một lần đi tìm trâu ở Tuyên Quang suốt 11 ngày, khi quay về thì anh hay tin mẹ mất. Là con trai cả mà không được “chống gậy” cho mẹ, anh đã ân hận rất nhiều. Kể từ đó anh quyết định từ bỏ việc buôn trâu, quay về gắn bó với nương chè. Anh bảo: “Đồi chè là nơi chứng kiến từng thớ thịt của tôi nổ tung, cũng là nơi chứng kiến những tháng ngày tôi vật vã luyện tập cầm cây cuốc. Bố mẹ tôi nuôi tôi lớn cũng nhờ cây chè, nên tôi quyết định sẽ lập nghiệp từ đó”. 
Một năm sau, cha anh cũng ra đi. Một mình anh gánh vác 6000m2 chè và bốn đứa em đang còn thơ dại. Không chấp nhận kiểu làm chè theo lối cổ truyền, năng suất chủ yếu phụ thuộc vào sự may rủi của thời tiết, anh quyết tâm mày mò học hỏi những phương thức nâng cao năng suất cây chè. 
Anh Tuy nảy sinh ý nghĩ táo bạo là kết hợp mô hình vườn - ao - chuồng. Việc anh xây chuồng chăn nuôi và đào ao thả cá trên quả đồi mênh mông khiến cả xóm Hồng Thái bất ngờ. Anh giải thích: “Ngoài việc tạo ra nguồn thu, nước thải của gia súc còn có thể dùng để chăm bón cây chè, việc tưới tiêu chè cũng thuận lợi hơn nhờ nước ao ngay bên cạnh”.
Hình ảnh chàng trai tàn tật đội chiếc nón sờn rách, một tay quặp lấy cuốc bổ từng nhát vào những thửa đất khô cằn đã quá quen với người dân xứ chè. Đồi chè không chỉ là nguồn thu chính giúp anh chăm nuôi các em mà còn là cả cuộc sống của anh. Anh Tuy tâm sự: “Vào mùa vụ thu hoạch, nhìn những búp chè non xanh mơn mởn, tôi mừng lắm,  rồi lại thấy có phần ngỡ ngàng vì không ngờ một người mất một mắt, một tay như mình cũng có thể chăm sóc đồi chè tươi tốt như vậy”.
Mối duyên muộn
Đồi chè Tân Cương chứng kiến máu anh chảy, thể xác anh đau nhưng cũng là nơi chứng kiến hạnh phúc của anh đong đầy. Vườn chè là nơi kết duyên anh với cô thôn nữ xóm bên vào thời khắc tuổi đã chín muồi.
Dựng vợ, gả chồng cho bốn đứa em xong xuôi cũng là lúc anh ngấp nghé tuổi 40. Nhìn mình tàn tật lại già nua, đã có lúc anh nghĩ mình sẽ ăn đời ở kiếp làm bạn với cây chè cho đến lúc chết mà không lấy vợ. Nhưng thảng hoặc một lúc nào đó, trong căn nhà vắng vẻ, trống hoác, nhìn ra đồi chè mênh mông anh cũng muốn mình có một mái ấm gia đình. Anh tặc lưỡi: “Thôi vạn sự tùy duyên”.
Vào một ngày nắng vàng rực rỡ, chiếu xuyên qua những búp chè non óng ánh, người con gái của đời anh đã xuất hiện. Đó là chị Mai Thị Ánh (sinh năm 1966), cô thôn nữ nổi tiếng xinh đẹp xóm bên. Anh Tuy ngượng ngùng kể lại: “Lúc đó cũng đang là vào vụ thu hoạch chè, tôi thuê cô ấy về hái chè giúp. Cô ấy đẹp gái, lại hiền. Tôi thích nhưng nghĩ mình xấu xí, tàn tật nên chỉ cắm đầu hái chè, chẳng dám ngước lên trò chuyện”.
Anh không biết rằng, chị Ánh đã nghe tiếng và thầm cảm phục nghị lực của anh từ lâu, nay được trực tiếp làm việc cùng anh lại càng thêm thương, thêm phục. Hai người sau hồi lâu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” rồi cũng quyết định đến với nhau. Chị Ánh cười: “Anh Tuy tỏ tình hay lắm, chỉ đúng một câu: “Tôi tàn tật thế này, em có lấy tôi không”.
Lẽ dĩ nhiên, tình yêu của hai anh chị vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình chị Ánh. Chị vốn là con gái út trong nhà, từ nhỏ đến lớn ít phải làm những việc nặng nhọc, lại xinh đẹp nên không ai muốn chị lấy một người tàn tật và già nua như anh Tuy. Nhưng tình yêu của anh chị đã thắng. Không lâu sau, hai người đã được cùng nhau chung sống dưới một nếp nhà.
Lấy được vợ như “bắt được cục vàng”, anh Tuy càng làm việc hăng say. Hai anh chị bàn nhau mở xưởng chế biến chè tại nhà để tăng giá bán. Chị Ánh kể: “Chi phí để mở xưởng chè lúc đó lên tới 170 triệu đồng, gần như vét cạn gia sản của hai vợ chồng. Nhưng nghĩ anh Tuy đã quyết tâm thì ắt sẽ thành công nên tôi tin tưởng và ủng hộ chồng hết mình”. 
Kể từ đó, vợ chồng anh Tuy không chỉ chế biến “chè nhà” mà còn thu mua thêm chè của những gia đình xung quanh về chế biến. Không lâu sau, anh đăng kí nhãn hiệu chè “Tuy Ánh”, gia nhập “Hợp tác xã chè Tân Cương” để việc tiêu thụ được dễ dàng hơn. Anh tự hào: “Chè có nhiều loại, nhưng chè nhà tôi chế biến luôn là chè loại 1, ngon và giá cả hợp lý”.
Từ nương chè, hai vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà khang trang và có cuộc sống đầy đủ. Quan trọng nhất là hai người luôn thấu hiểu và động viên nhau nên nếp nhà nhỏ giữa nương chè mênh mông lúc nào cũng “in ắn”, hạnh phúc. 

Đọc thêm