Chuyện về hậu duệ của người thêu áo Hoàng bào cho Vua Khải Định

(PLO) -Nghệ nhân Lê Văn Kinh hiện là nghệ nhân thêu duy nhất ở Huế được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ông cũng là người được xem như “báu vật nhân văn sống” của Cố đô Huế.
Chuyện về hậu duệ  của người thêu áo Hoàng bào cho Vua Khải Định

Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng nghệ nhân Lê Văn Kinh còn khá tinh anh, tráng kiện, nhất là khi nhìn ông giới thiệu về nghề thêu của mình một cách say sưa. Sinh ra trong một gia đình có ông nội và cụ thân sinh làm nghề thêu, từ bé, đường kim, mũi chỉ đã thấm đẫm vào trong ông, để trót mang lấy nghiệp cho đến bây giờ.

Cha nghệ nhân Lê Văn Kinh là cụ Lê Văn Hỡi - người từng thêu áo Hoàng bào cho Vua Khải Định mặc trong lễ “Tứ tuần đại khánh” (lúc Vua Khải Định 40 tuổi), và thêu “Thất sư khí cầu”(tức 7 con sư tử đùa với quả cầu) dâng vua, thêu khăn phủ trên đôn để lư đồng trước ngai vua. Riêng bức “Thất sư khí cầu” hiện ông Kinh còn lưu lại được một bức, coi như vật gia bảo của gia đình.

Cụ Hỡi, thân sinh ông được vua ban cho hàm và tước vị “Hàn lâm viện”, có thể được ra vào cung vua khi cần thiết, hiện gia đình còn lưu giữ được thẻ bài bằng ngà... Thừa hưởng truyền thống gia đình, năm lên 10 tuổi ông Lê Văn Kinh đã thêu được bức tranh “Tùng, hạc” với đường nét sắc sảo, lưu giữ cho đến bây giờ gần 70 năm.

Năm 1958, ông Kinh đã thêu bức tranh “Bất khuất” về Trần Bình Trọng, khổ 1,8x1m, trong 9 tháng miệt mài kim chỉ để gửi đi triển lãm ở Mỹ. Cũng thời đó, ông biết thêu tranh, liễn, khăn bán cho khách trong nước, nước ngoài, và mang đi triển lãm ở Sài Gòn để gây thanh thế. Sau giải phóng miền Nam, từ năm 1975, ông đã đứng ra thành lập Hợp tác xã thêu Cẩm Tú, thu hút 150 lao động vào làm nghề thêu. Sản phẩm thêu từ đó đi các nước Đông Âu, Liên Xô, với các loại sản phẩm khăn trải giường, áo gối, và sau này là áo Kimono xuất sang Nhật Bản. Suốt thời gian ấy, ông đã dạy và truyền nghề cho hơn 100.000 người. Nhiều người trong số đó, bây giờ trở thành thợ lành nghề, tài hoa của thành phố Huế và nhiều địa phương khác trong vùng.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh hiện là chủ cửa hiệu thêu Đức Thành ở 82 Phan Đăng Lưu, TP Huế. Ông tâm niệm, sống ở đời cần một chữ “Đức” vì vậy mới có tên cửa hiệu như bây giờ.

Hiện cửa hiệu của ông hiện có hàng ngàn mẫu bức tranh thêu, về hình ảnh quê hương, đất nước, cảnh sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, hay hình ảnh một con đò, bến nước, đêm trăng Vĩ Dạ, hoặc hình ảnh về bà mẹ, con người Việt Nam, để được sở hữu một bức tranh như vậy, người đi xa luôn vời vợi nhớ trông quê.

Ông tâm sự, nhiều đêm, lắng đọng với những suy tư, chợt bắt gặp ý tưởng mới lạ, ông lại ngồi dậy chong đèn cho phác thảo mới. Ông chỉ cho tôi xem bức tranh “Mẹ,” chỉ một vài đường nét về hình dáng, nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, ngồi vá áo cho con, với những đường chỉ vàng nổi bật trên nền đen sâu thẳm.

 Tác phẩm theo đơn đặt hàng của người bạn, khi đến nhận, hai người bạn già đã ôm lấy nhau mà khóc, vì bức tranh đã nói hộ được tất cả, khắc họa đúng tính cách người mẹ, đã tảo tần nuôi con sớm hôm.

Sau này, phiên bản của bức tranh này đã có nhiều người đến đặt mua. Hoặc bức tranh thêu chữ của Mãn Giác Thiền Sư do Tản Đà dịch, khách thập phương từ Đức, Hà Lan, Pháp đặt mua với số lượng rất nhiều.

Đọc thêm