'Cứu cánh' cho các cặp vợ chồng nghèo ở Ba Bể

(PLO) - Theo Quyết định 306/QĐ-TTg về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, từ ngày 15/3/2016, mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 50 triệu đồng thay vì được vay tối đa 30 triệu đồng trước đây. 
Chị Lục Thị Bảy bên vườn mận được gầy dựng từ những đồng vốn chính sách.
Chị Lục Thị Bảy bên vườn mận được gầy dựng từ những đồng vốn chính sách.

Quyết định trên cùng với hiệu quả mà chương trình này mang lại đã tác động sâu sắc tới tâm lý hộ vay. Câu chuyện ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là một ví dụ.

Nhà chị Lục Thị Bảy (thôn Nà Lìn, xã Địa Linh, huyện Ba Bể) có vườn mận đã thu được tiền triệu hàng năm. Những ngày đầu vụ vừa rồi, chị tự mình thu hái rồi chở xuống TP Bắc Kạn, mỗi chuyến khoảng tạ mốt, tạ hai, cũng thu được triệu tám, hai triệu đồng. Chị kể: “Nếu được giá như năm ngoái, mỗi tạ phải được 3 triệu. Mận em trồng 2 đợt, đợt được 100 cây, đợt sau được 200 cây. Năm ngoái  cả vụ bình quân được tầm 35 triệu”. 

Trò chuyện với chúng tôi giữa vườn mận đang mùa thu hoạch rộ, chị Bảy khẳng định, nếu không có nguồn vốn của NHCSXH, chị không thể có điều kiện duy trì và phát triển sản xuất của gia đình như bây giờ.

“Trước cũng vay lâu rồi, từ năm 2006, đến hạn mình giả rồi lại vay tiếp. Hồi đấy vay chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để nuôi trâu. Lúc ấy cũng ít thôi, chưa dám làm nhiều, vay 5 triệu, tiền còn giá, 5 triệu là được con trâu” – chị kể - “Năm ngoái, mình lại vay 30 triệu đồng từ Chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để mở rộng nuôi ao cá khoảng 3 sào Bắc bộ. Ngoài ra, nuôi cả lợn gà và tiếp tục duy trì vườn mận. Hiện trong chuồng nhà mình luôn có 3 con lợn nái, mỗi năm thu được 20 triệu đồng tiền bán lợn giống”. 

Cả thôn Nà Lìn có 20 tổ viên đang có dư nợ của NHCSXH với nhiều chương trình khác nhau, như: hộ sản xuất kinh doanh vùng khó, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Một trong những hộ đã thoát nghèo và đang trở thành một mô hình nức tiếng không riêng của Nà Lìn mà cả xã Địa Linh và thậm chí cả vùng, đó là gia đình chị Trần Thị Tâm.

Hệ thống chuồng lợn của nhà chị Tâm như một trại lợn thu nhỏ. Đàn lợn 60 con núc ních, chừng 70-80kg  mỗi con đang độ xuất chuồng. Chị kể: “Mỗi lứa nuôi tầm 60 con lợn thịt em bán ra cứ bình quân 4 triệu/con, trừ  chi phí  thì  giá thành được giá như bây giờ thì cũng được”. 

Chị Tâm cho biết, gia đình có được mô hình chăn nuôi lợn như bây giờ cũng từ nguồn vốn vay 25 triệu đồng của chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó từ năm 2012. “Lúc đó em chỉ cần vay ngần đấy để đầu tư chăn nuôi, lợn gà chỉ nuôi vài con, phát triển dần dần thôi. Vay 25 triệu lúc đó là lớn  lắm rồi” – chị cười. 

Nhìn cơ ngơi của gia đình chị Tâm bây giờ không ai nghĩ chị cũng một thuở cơ hàn. Nhà chị Tâm trước đây ở thôn Pác Nghè. Năm 2000, lúc mới ra ở riêng, vợ chồng chị được bố mẹ cho một đám ruộng chừng 500m. Anh chị đã bán đám ruộng ấy của ông bà cho rồi chuyển xuống Nà Lìn, cách Pác Nghè 4km, lập nghiệp ở mảnh đất này cũng từ những đồng vốn ban đầu vay của NHCSXH.

“Năm 2000, em mua chỗ đất này giá 8,5 triệu. Lúc đấy gia đình em khó khăn lắm. Có 500 mét ruộng, vợ chồng em bán đi mới được 4 triệu, phải mượn ngân hàng 4 triệu rưỡi nữa mới đủ. Mượn rồi làm ăn khó, không trả được nợ cũng phải gia hạn mất mấy năm…” – chị nhớ lại.

Bây giờ, cứ mỗi ngày nhà chị Tâm làm một mẻ đậu phụ 40 cân đỗ. Đậu thì chở ra chợ huyện giao từ 6 giờ sáng, còn phần bã đậu đủ chăn  60 con lợn thịt 3 bữa trong ngày. Một năm xuất chuồng 3 lứa lợn thịt và nay nuôi cả lợn nái, như vậy là chị Tâm có kế sinh nhai khá bền vững. 

“Về vốn chăn nuôi, gia đình em còn thiếu thốn nhiều. Vì đối với người có đất thì dễ, nhưng do không có đất nên nhà em làm một chuồng bằng người ta làm 3 chuồng, phải kè rất tốn kém. Cần vốn lắm, em vẫn muốn vay NHCSXH, vừa được ưu tiên với lại vay được lâu hơn” – chị Tâm bày tỏ. 

Trung tâm xã Địa Linh cách huyện lỵ Ba Bể chừng 8 cây số. Tuy nhiên, có những thôn bản cách xa trung tâm đường đi lại vẫn còn cách trở, nhưng Chương trình tín dụng đối với hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn ở xã Địa Linh của huyện Ba Bể đang thực sự phát huy hiệu quả. Cả xã đang có 85 hộ gia đình dư nợ với  số vốn hơn hai tỷ đồng.

Các mô hình phát triển kinh tế bền vững từ nguồn vốn của NHCSXH như gia đình chị Lục Thị Bảy và chị Trần Thị Tâm ở Nà Lìn một lần nữa khẳng định vai trò của tín dụng chính sách ở vùng khó.

Đọc thêm