Đa số tai nạn lao động bị 'bỏ ngoài báo cáo'

(PLO) - Ước tính của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho thấy, một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người được điều tra đầy đủ có thể phòng ngừa 600 vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra tiếp theo. Nhưng thực tế, con số báo cáo về TNLĐ luôn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”… nên tác dụng phòng ngừa rất hạn chế.
Ảnh minh họa từ Internet.
Ảnh minh họa từ Internet.

Sáng nay (5/5), giới thiệu về các dự án xây dựng môi trường an toàn và sức khỏe (AT&SK) cho người lao động (NLĐ), các chuyên gia ILO khẳng định, thiệt hại do TNLĐ và bệnh nghề nghiệp (BNN) gây ra là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đúng.

“Giấu” tai nạn lao động hạn chế khả năng phòng ngừa

Theo BS. Francisco Santos O’Connor (Chuyên gia của ILO), số liệu AT&SKNN sẽ cũng cấp thông tin về bản chất và nguyên nhân của TNLĐ và BNN nhằm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro để xác định ưu tiên và đo lường các giải pháp phòng ngừa TNLĐ và BNN.

Đáng tiếc là đến nay các cơ quan chức năng không nắm bắt được tầm nghiêm trọng của vấn đề vì số liệu báo cáo không đúng và đầy đủ so với thực tiễn của TNLĐ và BNN, hạn chế rất nhiều đến khả năng  phòng ngừa.

Trên phạm vi toàn cầu, con số báo cáo và ước tính về TNLĐ và thiệt hại từ BNN cũng chênh lệch nhau. Chuyên gia của ILO dẫn ví dụ, năm 2010, con số ước tính của ILO về TNLĐ (dẫn đến chết người) trên toàn cầu cao hơn số liệu trong các báo cáo của ILO lên đến 24,80 lần (248%).

Ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) cho biết, năm 2016 chỉ có 9,5% DN và 44 địa phương báo cáo tỷ lệ TNLĐ.

Như vậy số liệu năm 2016 có gần 8.000 vụ TNLĐ, làm hơn 8.200 người bị thương, trong đó 862 người chết vừa được Bộ LĐTB&XH công bố cuối tháng 4 không phản ánh hết được tình hình TNLĐ ở Việt Nam.

Thực tế, con số TNLĐ chết người được ghi nhận từ phía các cơ sở y tế và bệnh viện ngay tại Hà Nội thường cao hơn gấp 2 -3 lần. Nghĩa là rất nhiều vụ TNLĐ, thậm chí cả những TNLĐ gây chết người, đang được “bỏ ngoài báo cáo”, nhất là nếu xảy ra ở các DNNVV, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của khu vực phi chính thức.

Cần có đủ tiêu chí cụ thể về báo cáo TNLĐ và BNN

Người sử dụng lao động luôn có xu hướng “giấu bớt” số liệu về TNLĐ và BNN do “lười” báo cáo, sợ mất uy tín, tránh các thủ tục bồi thường,…

Nhiều vụ TNLĐ xảy ra với những LĐ ở khu vực phi chính thức không được thống kê trong các báo cáo chính thức vì không có người đứng ra báo cáo và chỉ được giải quyết như những vụ việc dân sự giữa các cá nhân.

Còn bản thân NLĐ cũng không biết phải báo cáo về TNLĐ ở đâu, nhất là những LĐ ở khu vực phi chính thức, hoặc vì cho đó chỉ là tai nạn trong đời sống và cũng do sợ mất việc…

Xưởng sản xuất của một nhà máy may ở Phú Thọ (ảnh minh họa: ILO)
Xưởng sản xuất của một nhà máy may ở Phú Thọ (ảnh minh họa: ILO)

Ước tính của ILO cho thấy, một vụ TNLĐ chết người được điều tra đầy đủ có thể phòng ngừa 600 vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra tiếp theo.

Do đó, tăng cường và thu thập, sử dụng dữ liệu AT&SKNN có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng môi trường AT&SK cho NLĐ.

Chuyên gia của ILO nhấn mạnh, muốn hạn chế TNLĐ và thiệt hại từ BNN, Chính phủ cần có đủ tiêu chí cụ thể về báo cáo TNLĐ và BNN, xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu, đẩy mạnh đối thoại với NLĐ và xã hội.

Cùng với đó, lồng ghép hoạt động, chiến lược phòng ngừa TNLĐ và BNN vào hoạt động thanh kiểm tra lao động, các dịch vụ SKNN, chương trình phúc lợi thương tích NN,…

ILO cũng đang triển khai nhiều hoạt động để phát huy việc thu thập và sử dụng dữ liệu AT&SKNN thông qua hỗ trợ cải thiện khuôn khổ chính sách, tiêu chuẩn, hệ thống và chương trình AT&SKNN.

Nhân ngày thế giới vì an toàn và sức khỏe (AT&SK) tại nơi làm việc (28/4) với chủ đề của năm 2017 là “Tăng cường và thu thập và sử dụng dữ liệu AT&SK nghề nghiệp”, ông Dylan Tromp (Chuyên gia ILO) đã giới thiệu về Dự án “LĐ trẻ vì AT&SK trong chuỗi cung ứng toàn cầu – Xây dựng văn hóa phòng ngừa”.

Cùng với Indonesia, Myanmar, Philippines, Dự án giá 1 triệu USD này được triển khai ở Việt Nam từ 1/1/2017 – 31/112/2018 nhằm thông qua các hoạt động phòng ngừa từ các LĐ trẻ ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ Dự án, ILO phát động Cuộc thi truyền thông “Thanh niên An toàn tại Nơi làm việc” dành cho đối tượng thanh niên (15-24 tuổi).

Bài dự thi là những tác phẩm sáng tạo gốc dưới dạng phim, ảnh, bản nhạc, tranh vẽ, bài viết, được sáng tác sau ngày 1/1/2016 và đăng tải công khai trên trang facebook.com/Vietnam.ILO. Hạn chót nhận bài dự thi là 30/6/2017.

Thí sinh không bị giới hạn về số lượng bài dự thi. Có 5 giải thưởng/tuần. Hai giải đặc biệt sẽ được thông báo vào ngày 31/5/2017

Đọc thêm