“Đánh giặc Corona”...

(PLVN) - Mọi người làm nhiệm vụ đón đoàn khi đó đều hồi hộp khi cửa xe bus mở và đoàn người bước xuống. Có em bé được mẹ bế ngủ say, bình yên quá. Ai đó thốt lên: “Đất mẹ, sống rồi”, nước mắt vòng quanh, có người nhảy chân sáo...  
Em bé bình yên ngủ trên tay mẹ, trở về từ “tâm bão”. Ảnh minh họa
Em bé bình yên ngủ trên tay mẹ, trở về từ “tâm bão”. Ảnh minh họa

Rưng rưng chuyến bay vào “tâm bão”

Đêm 9/2, chuyến bay HVN68 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines đã khởi hành từ sân bay Nội Bài, vận chuyển hàng cứu trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ, người dân Trung Quốc; hàng hoá viện trợ của Vietnam Airlines ủng hộ các hãng hàng không Trung Quốc. Chuyến bay này, ngay sau đó đã khởi hành quay trở lại Việt Nam, đưa 30 công dân Việt Nam về nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nguyện vọng của các công dân.

Theo thông báo từ Hãng hàng không Vietnam Airlines, chuyến bay chở 30 người từ Vũ Hán (Trung Quốc) về Việt Nam mang số hiệu VN68 đã đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn lúc 05h04 ngày 10/2/2020.  Sau khi hạ cánh, tất cả hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được đưa đến khu cách ly để kiểm tra, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Được biết, chiếc máy bay trở về từ Vũ Hán đã được khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách, hầm hàng và tạm dừng khai thác trong 24 giờ để phòng ngừa tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm virus nCoV. Đặc biệt, 15 thành viên phi hành đoàn đã được lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ.

Có thể nói, với hành trình của HVN68, họ bay thẳng vào “tâm bão”, khi những con virus Corona vẫn đang phát tán thứ “hào quang” chết người, đầy ám ảnh. Khi cuộc chiến truy tìm nguồn gốc virus, phân lập chủng virus và tiến hành sản xuất bộ công cụ để chẩn đoán nhanh, nhận diện chính xác tình trạng bệnh vẫn đang còn ở giai đoạn thử nghiệm thì hành động “đi về vùng nguy hiểm” thật đáng trân trọng.

Xung phong tình nguyện đi một chuyến đặc biệt như thế, là một hành động xuất phát từ trái tim. Được biết, 8 thành viên bay sang Vũ Hán gồm 5 tiếp viên, 2 cơ trưởng và 1 cơ phó. Trên suốt chuyến bay, các thành viên của tổ bay đều mặc đồ bảo hộ theo quy định của Bộ Y tế. Và dự kiến sẽ còn nhiều chuyến bay như thế này nữa để đưa người Việt từ Vũ Hán trở về. Hiện số du học sinh người Việt ở Vũ Hán có khoảng 300 người và rất nhiều người đã xin được đưa về. 

Họ chia sẻ: “Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi cũng sợ chứ, nhưng người nhà đều ủng hộ, vì đây là nhiệm vụ chính trị được giao phó”. Và một khi đã là nhiệm vụ, đã được giao phó thì từ chấp hành đến tuân thủ và thực thi một cách trách nhiệm, đó là thái độ công dân văn minh, mang theo chức trách công vụ chuyên nghiệp. Và hơn nữa, “trách nhiệm chính trị” phần nào được hiểu bao hàm cả phẩm cách công dân của một đất nước, một quốc gia có trách nhiệm toàn cầu, có sự hào hiệp sẻ chia, gánh vác trong biến cố chung. 

Mọi người làm nhiệm vụ đón đoàn khi đó đều hồi hộp khi cửa xe bus mở và đoàn người bước xuống. Có em bé được mẹ bế ngủ say, bình yên quá. Ai đó thốt lên: “Đất mẹ, sống rồi”, nước mắt vòng quanh, có người nhảy chân sáo...  

Cũng trong tối 10/2, câu chuyện về những bác sĩ, điều dưỡng có mặt trên chuyến bay đón 30 công dân từ Vũ Hán về được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động về những đóng góp thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch nCoV.

Cụ thể, trên facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã chia sẻ: “Trong chuyến bay chở 30 công dân từ Vũ Hán trở về Việt Nam sáng 10/2, có ai biết rằng có 3 đồng nghiệp của chúng tôi tháp tùng đoàn để chăm lo sức khỏe cho những người có mặt trong chuyến bay đó. 3 đồng nghiệp của chúng tôi, những chiến sĩ thầm lặng, họ là ai?

Đó là một bác sĩ sản từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương được cử đi vì trong đoàn có một trường hợp mang thai tháng thứ 8. Sự có mặt của bác sĩ chuyên khoa để đề phòng thai phụ sinh con hoặc xuất hiện tai biến sản khoa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trên chuyến bay.

Đó còn là một bác sĩ Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - là bác sĩ rất quan trọng để ứng cứu, đề phòng chuyện bất trắc xảy ra nếu có tình huống gì trên máy bay.

Và một điều dưỡng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để thực hiện các y lệnh của bác sĩ khi sức khỏe của những người này có vấn đề. Cám ơn các anh, những chiến sĩ áo trắng, luôn thầm lặng, dấn thân, không ngại vất vả, hiểm nguy. Khi viết đến đây, tôi lại nhớ lời bài hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”...

Ngay khi câu chuyện về 3 bác sĩ, điều dưỡng này được chia sẻ trên mạng xã hội, câu chuyện có sức lan tỏa hơn bao giờ hết. Nhiều người bày tỏ sự xúc động, tự hào về những chiến sĩ áo trắng thầm lặng góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Anh Nguyễn Bình viết: “Tôi vô cùng tự hào vì mình sống trên dải đất Việt Nam này, sự nhân văn của Chính phủ đón công dân về khiến nhiều người cảm thấy yêu đất nước mình hơn. Cảm ơn những thầy thuốc quên mình lao vào vùng dịch”.

“Các bạn bảo vệ thế giới, còn chúng tôi bảo vệ các bạn”

Trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi do virus Corona, các bác sĩ ở tuyến đầu đối mặt với rủi ro lớn nhất và hiểu tình hình nhất. Bác sĩ Peng Zhiyong, Trưởng khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương phía Nam thuộc Đại học Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) là một trong số các bác sĩ này.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với trang tin Caixin của Trung Quốc, bác sĩ Peng đã miêu tả những kinh nghiệm cá nhân khi lần đầu tiên gặp căn bệnh này hồi đầu tháng 1 và nhanh chóng tìm hiểu các đặc tính của nó và áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt.

Ông Peng chia sẻ: “Tôi khóc không ít lần vì nhiều bệnh nhân không được nhập viện. Họ khóc trước cửa bệnh viện, một số bệnh nhân thậm chí quỳ xuống van nài tôi cho họ nhập viện. Nhưng tôi không thể làm gì được vì tất cả các giường bệnh đã kín. Tôi khóc khi từ chối họ. Tôi không còn nước mắt để khóc nữa rồi. Tôi không nghĩ gì khác ngoài cố gắng hết sức mình để cứu sống các bệnh nhân”.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, những con người sống tại tâm dịch bệnh viêm phổi, thành phố Vũ Hán đã liên tục trải qua vô số cung bậc cảm xúc: Lo lắng, buồn phiền và cả cảm động. Cảm động vì những gì mà các “anh hùng” bình dị đã làm được trong cơn phong ba mang tên Corona. Có người từng nói: Những bệnh nhân mang trong người căn bệnh này giống như đang cầm một chiếc kính lúp, có thể nhận ra những người tốt bụng thật sự, những người có bản lĩnh thật sự, những người xấu thật sự...

Sau khi dịch bệnh bùng phát, một người đàn ông Trung Quốc sống tại Ấn Độ đã dùng chiếc xe 3 bánh chở 49 hộp vật dụng y tế đến sân bay gửi về Trung Quốc, trong đó bao gồm 3.000 chiếc khẩu trang và 3.000 kính bảo hộ. Đó là Lục Dũng, nhân vật nguyên mẫu của phim điện ảnh “Tôi không phải là dược thần”. Ông viết trên weibo dòng trạng thái: “Ước gì đây là phim điện ảnh, không phải là thực tế cuộc sống; ước gì trên chiếc xe 3 bánh không phải là dụng cụ chống dịch bệnh mà là những trái táo”...

Khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, rất nhiều shipper đã tự nguyện vận chuyển bữa ăn cho các nhân viên y tế và âm thầm truyền sự khích lệ từ người dân đến những “chiến sĩ” y tế. Họ nêu cao khẩu hiệu: “Các bạn bảo vệ thế giới, còn chúng tôi bảo vệ các bạn”. 

Đó là hình ảnh bác sĩ hưu trí Vương Vệ Quốc, 66 tuổi, thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Đông chia tay con gái duy nhất của ông là bác sĩ hô hấp Vương Đình. Cô tình nguyện đến Vũ Hán dù mẹ phản đối gay gắt. Hình ảnh thứ 2 chính là cảnh người cha 17 năm về trước, khi chia tay người mẹ già bị liệt chân của mình đi chống dịch SARS. Khi con thông báo tình nguyện đi Vũ Hán, ông đưa cô chiếc vali kỷ niệm suốt thời kỳ dịch SARS. Trước khi lên xe, Vương Đình đột ngột chạy lại ôm chặt cha và khóc nức nở. “Mọi việc sẽ ổn, con hãy mạnh mẽ lên”, người cha nói.

Cha và con sau 17 năm từ dịch Sars
Cha và con sau 17 năm từ dịch Sars 

Trần Dĩnh, nữ y tá tại Bệnh viện số 4 trực thuộc Đại học Y Chiết Giang, Trung Quốc. Vì phải đeo khẩu trang và kính bảo hộ trong thời gian dài, khuôn mặt của cô chằng chịt những vết hằn trên má và sống mũi. Cô chụp tấm hình và gửi về cho chồng sắp cưới. Họ dự định kết hôn vào ngày 14/2. Chồng tương lai của cô lập tức đến bệnh viện thăm cô. Hai người nói chuyện bằng điện thoại qua lớp kính cách ly rồi cùng bật khóc. Họ chỉ có thể hôn nhau qua lớp kính, khi vẫn đang đeo khẩu trang. Hai người đang chờ khi dịch bệnh kết thúc thì sẽ tiến hành đám cưới như đã cùng ước hẹn...

Và ca khúc “Đánh giặc Corona”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chống dịch như chống giặc” ngay từ phiên họp đầu tiên nói về dịch truyền nhiễm gây ra bởi virus Corona. Cả nước đều vào cuộc chiến đấu một cách mạnh mẽ. Ca khúc “Đánh giặc Corona” vừa ra đời trong tinh thần ấy.

Ca khúc “Đánh giặc Corona”
Ca khúc “Đánh giặc Corona”

Tâm sự về ca khúc này, thầy giáo Lê Thống Nhất cho biết: “Đêm qua, một thầy giáo dạy Toán ở Trường THPT Tĩnh Gia 3, Thanh Hoá gửi cho mình bài vè “Phòng dịch Corona”. Ngủ dậy là nghĩ ngay đến việc viết một ca khúc để có một cách nói bằng âm nhạc truyền thông cho chiến dịch “Đánh giặc Corona”.

Khó nhất của một ca khúc là giai điệu, tiết tấu và với nội dung này thì ca từ cũng là bài toán khó. Tuy nhiên, một giai điệu đã tới rất nhanh và may sao ca từ cũng lần lượt hiện lên. Bản nhạc và lời 1 xong lúc 10h17’ và chưa cảm thấy đủ ý nên mình đã viết thêm lời 2. Mong muốn của mình là giúp mọi người hãy nhớ những điều quan trọng để “vì cuộc sống cho mọi nhà” và chúng ta “quyết thắng trận này”!...

Đọc thêm