Đạo làm con trong cuộc sống hiện đại

(PLO) -Theo đạo lý của ông cha ta từ xưa, chữ “hiếu” rất được coi trọng. Chữ hiếu hay chính là đạo làm con hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên và cho tới tận bây giờ vẫn là chuẩn mực của đạo đức. 
Đạo làm con trong cuộc sống hiện đại

Chữ “hiếu” luôn tồn tại trong tâm thức của mỗi người, là nét đẹp trong tâm hồn. Dù cuộc sống có thay đổi, đối mặt với nhiều vấn đề thời hiện đại thì chữ hiếu vẫn không thay đổi. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành. Xuất phát từ tâm hiếu với cha mẹ, chúng ta có thể nhìn sâu rộng ra ngoài xã hội để biết yêu thương những người xung quanh, xây dựng được mối quan hệ giữa người với người tốt hơn.

Trách nhiệm, nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ được cô đúc trong khái niệm “hiếu”. “Hiếu” không những được xem là đứng đầu của đức hạnh, mà còn là cội nguồn để có được phúc - thiện. Đã từ lâu, cha ông ta hết sức coi trọng việc giáo dục đạo lý làm người cho con cháu, mà trước hết là phải lấy chữ hiếu làm đầu.

Theo Nho giáo, hiếu là một khái niệm đạo đức nền tảng, là cái gốc của mọi vấn đề về đạo đức. Trong xã hội phong kiến Việt Nam luôn lấy “hiếu” làm chuẩn mực trong xã hội, làm tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người.

Chữ hiếu vốn là một nội dung quan trọng của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, đó là: "Nết đầu trong trăm nết”, đạo hiếu hình thành lâu đời trong những phong tục của người Việt như: thờ cúng tổ tiên, kính trọng người già, tôn trọng cha mẹ… nhưng khi Nho giáo xâm nhập đã thể chế hóa thành những luân lý, đạo đức của xã hội và dường như nó đã ăn vào tâm thức của người Việt từ bao đời nay.

Người xưa có quan niệm, đạo hiếu là bổn phận xuất phát từ tâm. Thế nên, Đạo làm con nếu thực hiện được một phần hay toàn vẹn đều là do sự tự giác, tự nguyện của mỗi con người. Người biết giữ đạo làm con luôn “giữ mình” suốt cả cuộc đời và thận trọng trong mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm đối với cha mẹ. Đó là sự quan tâm, chăm sóc, cầu mong cha mẹ khoẻ mạnh, sống lâu, vui vẻ. Đó cũng là những cố gắng gìn giữ, phát huy nề nếp, gia phong, là sự biết ơn ông bà tổ tiên và sự chăm sóc các thế hệ sau...

Cuộc sống thay đổi với nhiều biến động, bên cạnh những tấm gương hiếu thảo, những tấm lòng nhân nghĩa, ân tình với cha mẹ, thì vẫn còn đó nhiều người con đã có thái độ bất nhân, bất nghĩa, thiếu tôn trọng ,vô đạo đức với cha mẹ. 

Những hiện tượng tích cực và tiêu cực về đạo hiếu đang xảy ra trong xã hội hiện nay đã đặt ra rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải giải quyết. Bên cạnh việc phát huy, nêu gương những tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ thì chúng ta cũng cần phải lên án và phê phán các hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ. Nâng cao hơn nữa vai trò của giáo dục chữ hiếu trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết.

Nếu như xã hội phương Tây có những ngày tưởng nhớ cha mẹ trong năm để tạo cơ hội cho con cái gần gũi cha mẹ như: Ngày của mẹ (Mother’s day), Ngày của bố (Father’s day), Ngày của cha mẹ (Parent’s day) và ngày sinh nhật cho từng người, thì ở nước ta từ xưa đã có tục lệ tổ chức mừng thọ cho các cụ, là dịp để con cái quây quần, tụ họp, gần gũi với cha mẹ, hay cũng có thể đơn giản chỉ là bớt chút thời gian các cuộc vui bên ngoài để về với cha mẹ, ngồi tâm sự, ngồi kể cho cha mẹ nghe vài ba câu chuyện vui về cuộc sống, một cái ôm thật nhẹ hay đơn giản chỉ là cái cười vui của sự quan tâm ...cũng là sự báo hiếu, thực hiện Đạo làm con với cha mẹ. 

Một lời nói, một hành vi đúng lúc đối với các bậc cha mẹ có khi còn quý hơn tất cả. Bạn cần nhớ: Bạn đối xử với cha mẹ bây giờ thế nào thì con cái bạn về sau cũng đối xử với bạn như thế. Đây là quy luật “nhân quả”, là lẽ tự nhiên. Trân quý và giữ gìn chữ hiếu trong nề nếp gia đình mang một ý nghĩa hết sức lớn lao là đã tạo ra những con người Việt Nam nghĩa tình.

Đọc thêm