Đê Hải Phòng có nguy cơ vỡ trong mùa mưa lũ

(PLO) - Với “nhận thức” hạn chế về việc chấp hành Luật đê điều của một số bộ phận người dân Hải Phòng nên  đã khiến nhiều tuyến đê xuống cấp, không đủ sức chống chọi với mưa bão. Chính vì vậy, nguy cơ về sự mất an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn TP đang dược đặt ra khi mùa mưa bão đang đến gần.
Hành lang thoát lũ trở thành bãi neo đậu và tập kết VLXD
Hành lang thoát lũ trở thành bãi neo đậu và tập kết VLXD
Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (PCLB) Hải Phòng, hiện nay hệ thống đê trên địa bàn chưa đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra tổ hợp bão, lũ; Các vị trí đê, kè, cống xung yếu kém ổn định có nguy cơ mất an toàn. 
Tuy hàng năm, hệ thống đê ở Hải Phòng đã được tu bổ, nâng cấp, tăng cường tính ổn định và loại trừ dần các trọng điểm đê xung yếu nhưng do tác động của thiên nhiên (sóng, thủy triều, dòng chảy) và đặc biệt là tác động trực tiếp của con người đã khiến quy mô, chất lượng các công trình đê xuống cấp và hành lang bảo vệ đê bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.
Những tuyến đê biển trọng điểm của Hải Phòng như đê hữu Bạch Đằng, đê Tràng Cát, đê Biển I, II, III và đê biển Cát Hải (Cát Bà) mới chỉ đảm bảo an toàn với bão cấp 9, chưa đảm bảo an toàn với những cơn bão cấp 10, triều cường tần suất 5% và lớn hơn. Cùng với các công trình đê, các công trình kè bảo vệ bờ hiện có chiều dài hơn 83km (chiếm 19,8%), trong đó có hơn 30km kè kém ổn định và xung yếu với hư hỏng phổ biến thường thấy là hiện tượng xói lở chân đê, xô sạt mái, lún và biến dạng kè.
Đối với kè bảo vệ đê biển như đê biển I, II, III và đê biển Cát Hải có kết cấu bằng bê tông kết hợp kè đá lát khan ở cao độ +3,5 trở lên chỉ có thể đảm bảo khả năng trong trường hợp có sóng bão đến cấp 9, triều trung bình đến triều cường. Đối với các đoạn kè biển có kết cấu đá lát khan, khả năng ổn định còn kém hơn, chỉ đảm bảo chống đỡ với sóng gió cấp 6, cấp 7, triều cường. Riêng kè đá khan Cát Hải chỉ đảm bảo trong điều kiện sóng cấp 6, cấp 7, triều trung bình.
Bên cạnh hệ thống đê biển thì hệ thống cống dưới đê của Hải Phòng vẫn chưa được đầu tư xây dựng kịp thời. Toàn bộ hệ thống đê ở đây hiện có 392 công trình cống, trong đó có 152 cống kém an toàn và 58 cống xung yếu nhưng đến nay mới chỉ có 15 cống xung yếu và kém ổn định được đầu tư xây mới.
Cảnh báo về sự mất an toàn cho đê
Trước diễn biến bất thường về mưa bão do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, ngoài việc gia cố vững chắc các công trình đê điều, PCLB thì việc xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Ðê điều và Pháp lệnh PCLB trên địa bàn Hải Phòng cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền trên địa bàn TP. 
Những nguy cơ về sự mất an toàn có nhiều khả năng xảy ra trong trường hợp có lũ, lưu lượng nước đổ về nhiều, việc lập các bãi tập kết VLXD, các bãi cát đổ lên bờ sông như hiện nay ở Hải Phòng sẽ làm thu hẹp dòng chảy, dẫn tới việc đỉnh lũ dâng cao, chuyển sang phía hạ lưu gây sói lở, biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến các tuyến đê bao quanh và nguy cơ về sự mất an toàn của nhiều hộ dân trong khu vực sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh trong phạm vi của hành lang thoát lũ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến công tác phòng chống ngập lụt trở lên khó khăn và phức tạp. Các khu dân cư khi xây dựng đã vô tình làm thu hẹp diện tích thoát lũ, ngăn cản quá trình thoát lũ khiến mực nước sẽ tăng lên và kéo dài thời gian ngập lụt; việc di dân trong vùng lũ hầu như sẽ không thể thực hiện được. Vì vậy, cần quản lý hành lang thoát lũ theo hướng phải cách xa bờ sông, giữ trạng thái tự nhiên của các bãi sông nhằm hạn chế thiệt hại do nước lũ dâng.
Qua tìm hiểu, bên cạnh việc các khu dân cư, cơ sở sản xuất hình thành trong phạm vi bảo vệ đê trước khi có Luật đê điều, thì việc xử lý thiếu cương quyết, chưa kịp thời của chính quyền địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến sự vi phạm ngày càng phổ biến. 
Có những trường hợp lực lượng quản lý đê đã nhiều lần báo cáo về các vụ việc vi phạm với chính quyền địa phương nhưng không được xử lý, bởi chính các địa phương này đã cấp đất, giao đất, cho thuê đất, hợp đồng sử dụng bến bãi, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê, lòng sông thoát lũ... 
Ðiều đó cũng lý giải vì sao những vụ vi phạm Luật đê điều và Pháp lệnh PCLB được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, kiến nghị địa phương xử lý nhưng đều bị “chìm xuồng” hoặc chỉ xử lý cho chiếu lệ.
Thiết nghĩ, để hệ thống đê điều của Hải Phòng có thể ứng phó tốt với mùa mưa bão sắp tới thì các cơ quan chức năng ở đây cần phải kiên quyết hơn trong việc giải tỏa các công trình, bãi tập kết vật liệu vi phạm theo đúng quy định về hành lang bảo vệ đê; Các cấp chính quyền cần sớm xây dựng đường hành lang chân đê để chống tái chiếm và tạo điều kiện thuận lợi về giao thông. 
Đồng thời, cần lập quy hoạch rõ ràng về việc bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD ven sông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP, bảo đảm các yêu cầu về an toàn đê điều và hành lang thoát lũ... 
Điều quan trọng hơn là cần kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc giao đất, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ đê, bãi bồi ven sông, ven biển và rừng phòng hộ chắn sóng của các cấp chính quyền địa phương.
Hệ thống đê của Hải Phòng bao gồm 24 tuyến đê có tổng chiều dài hơn 420km với 6 tuyến đê biển, chiều dài gần 104km; 18 tuyến đê sông với chiều dài hơn 300km; 96 công trình kè với tổng chiều dài gần 84km và 392 cống dưới đê. Trong đó, có 283km đê được đầu tư xây dựng bảo đảm ổn định (chiếm 67,3%), gần 120km đê kém ổn định chưa đảm bảo oan toàn (chiếm 27,8%) và hơn 20km đê xung yếu (chiếm 4,9%).

Đọc thêm